Nuôi con ở Úc: Có nên gửi con đi nhà trẻ giữa dịch bệnh?

Chị Hằng Hoàng cùng con gái nhỏ 2.5 tuổi đang sống tại NSW

Chị Hằng Hoàng cùng con gái nhỏ 2.5 tuổi đang sống tại NSW Source: Hoang Hang

Trẻ em dưới 12 tuổi đang trở thành mục tiêu tấn công của biến thể Delta, nhiều phụ huynh quyết định cho con nghỉ nhà trẻ. Chính phủ hỗ trợ tiền giữ trẻ như thế nào cho phụ huynh khi giữ con ở nhà? Nếu vẫn phải gửi con để đi làm, cha mẹ cần lưu ý những gì?


Hàng ngàn trẻ em tại Úc nằm trong số những ca được báo cáo dương tính với COVID-19 từ đầu mùa dịch đến nay.

Không ai ngờ một năm đã qua nhưng nỗi lo dịch bệnh COVID-19 với trẻ em vẫn chưa thôi ám ảnh các phụ huynh tại nhiều nước. Nỗi lo ấy giờ đây thậm chí còn lớn hơn khi biến thể Delta đang lây lan nhanh, số trẻ em và thanh thiếu niên mắc COVID-19 ngày một nhiều.

Hồi đầu đại dịch, nhiều chuyên gia cho rằng trẻ em và thanh thiếu niên là nhóm ít mắc COVID-19 hơn và nếu mắc bệnh cũng phục hồi nhanh hơn, các em không có triệu chứng bệnh hoặc bị nhẹ hơn so với người trưởng thành. Nhưng nay tình hình đã khác. Giới chức Mỹ trong tháng 8/2021 báo cáo con số kỷ lục 1.900 trẻ em đang phải nhập viện vì COVID-19, chiếm khoảng 2,4% số ca nhiễm phải nhập viện tại nước này.

Trẻ em dưới 12 tuổi chưa đủ điều kiện tiêm vaccine, khiến các em dễ trở thành mục tiêu tấn công của biến chủng Delta.

Trước số ca lây nhiễm ở trẻ em ngày một gia tăng, hai tiểu bang lớn của Úc đang đối phó với dịch bệnh là NSW và Victoria đã thưc hiện một số thay đổi trong việc tài trợ tiền giữ trẻ và hỗ trợ phụ huynh trong dịch bệnh.

Mới nhất, ngày 24/8 Chính phủ Morrison sẽ cung cấp cho hàng nghìn nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng bởi việc phong tỏa COVID-19 kéo dài, thông qua các khoản thanh toán mới hai tuần một lần.

Các dịch vụ chăm sóc trẻ em tại các vùng có nguy cơ lây nhiễm cao do chính phủ liên bang tuyên bố sẽ đủ điều kiện được thanh toán 25% doanh thu trước khi phong tỏa của họ. Các dịch vụ Chăm sóc Ngoài Giờ Học (OSHC) đủ điều kiện sẽ được thanh toán 40%.

Điều này sẽ áp dụng cho các nhà trẻ bảy ngày sau khi điểm nóng lây nhiễm được công bố, nơi các tiểu bang yêu cầu các gia đình giữ con của họ ở nhà. Trong trường hợp trẻ em vẫn được phép đến nhà trẻ, hỗ trợ sẽ bắt đầu bốn tuần.

Biện pháp này bổ sung cho các hỗ trợ hiện có của chính phủ liên bang, bao gồm miễn giảm phí chênh lệch (gap fee) cho phép các trung tâm giữ trẻ được nhận tiền của chính phủ tiếp tục ngay cả khi trẻ em không đi học và phụ huynh không phải trả khoản phí này.

Tại Victoria – nhà trẻ chỉ mở cửa cho cha mẹ là nhân viên thiết yếu

Nhà trẻ, các trung tâm chăm sóc trẻ và mẫu giáo chỉ mở cửa để phục vụ cho các phụ huynh là nhân viên thiết yếu, hoặc làm việc tại nhà và không thể chăm sóc trẻ cùng một lúc.

Những cha mẹ quyết định giữ con tại nhà không phải trả tiền gap fee. Tuy nhiên nhiều trung tâm giữ trẻ (childcare) lo ngại số tiền tài trợ của chính phủ sẽ không thể kéo dài và kêu gọi chính phủ tiếp tục hỗ trợ phụ huynh và các dịch vụ giữ trẻ trong giai đoạn khó khăn này.

Chị Thanh Trúc, một giáo viên mầm non tại một cơ sở chăm sóc trẻ ở Trugania Victoria cho biết số lượng trẻ đến trung tâm sau khi chính phủ ‘đóng cửa’ childcare đã giảm hơn một nửa.

“Số trẻ trong phòng baby giảm xuống chỉ còn 10 em, bình thường là 16 em. Ở phòng kinder, số trẻ đến lớp giảm hơn một nửa".

Các trung tâm giữ trẻ cũng áp dụng các biện pháp an toàn COVID-19 nghiêm ngặt.

“Các cô sẽ đón trẻ ở sảnh và đo nhiệt độ của cả phụ huynh và bé, nếu có triệu chứng cảm sẽ gửi bé về”.

Tại NSW- giáo viên mầm non đều phải chủng ngừa

Chị Hoàng Hằng, giáo viên trợ giảng ở một trường tiểu học thuộc hệ thống Sydney Catholic Schools, đang sống trong hội đồng thành phố địa phương có số ca nhiễm gây lo ngại chia sẻ với SBS chị vẫn quyết định cho con gái 2,5 tuổi đến nhà trẻ.

SBS: Dịch bệnh đang lây lan ở Tây Nam với miền Tây Sydney cùng các vùng lân cận.  Vì sao chị vẫn tiếp tục gửi con đi nhà trẻ?

Hiện tại, khu nhà mình đang ở thuộc một trong 12 Hội đồng Thành phố Địa phương (LGA) đang phải tuân thủ lệnh phong tỏa (26/06) và lệnh giới nghiêm (23/08). Tuy nhiên, cũng như một số phụ huynh, do tính chất công việc, nên mình chỉ được luân phiên làm tại nhà 1-2 ngày, những ngày còn lại mình phải đến chỗ làm.

Như chúng ta biết, trường học vẫn phải mở cửa cho các con em có ba mẹ làm các ngành nghề thiết yếu và không có sự hỗ trợ chăm sóc từ những người khác. Do vậy, hàng tuần con gái 2.5 tuổi của mình vẫn đến nhà trẻ như thường lệ.
Các nhân viên giữ trẻ trong vùng LGA phải tiêm phòng ít nhất một mũi chủng ngừa COVID-19 trước 30/08 nếu họ muốn làm việc trong các trung tâm giữ trẻ.
SBS: Trẻ em bị lây nhiễm ngày một nhiều, cha mẹ làm sao để bảo vệ con tốt nhất có thể?

Đúng là con số này không chỉ làm đau đầu các nhà chức sách mà còn là bài toán rối tinh cho nhiều bậc cha mẹ có con trong độ tuổi chưa cho phép tiêm chủng phòng ngừa COVID-19. Cụ thể, như trường hợp của mình khi hai con đang tuổi 9 và 2.5 tuổi.

Tuy nhiên, dường như với mình mọi lo lắng hay bất an không còn hiện diện như trước đây khi đại dịch mới xuất hiện. Có thể coi đó như một sự thích nghi tự nhiên để tồn tại hiện hữu trong mỗi chúng ta. Từ đó, thay vì lo lắng, mình nghĩ chi bằng hãy đối diện với chính nó bằng một tâm thế bình thản và có những hành động thiết thực tích cực để bảo vệ cho con. 

Tùy vào suy nghĩ và hoàn cảnh cụ thể, các bậc cha mẹ sẽ có những cách bảo vệ con cái tốt nhất theo hướng riêng của họ.

Nhìn chung, theo mình nghĩ, trong khả năng có thể, cũng là những gì bản thân mình đã và đang làm để cho con được sống trong môi trường giảm thiểu sự rủi ro nhất. Đó là thực hiện tiêm chủng phòng ngừa COVID-19 (đối với bản thân, khuyến khích những người thân sống cùng và thuyết phục những người xung quanh tiêm phòng); kiểm tra COVID khi cần; mang khẩu trang mọi lúc mọi nơi; hạn chế đi lại và tiếp xúc với người khác; và tuân thủ các quy định khác của chính phủ trong thời gian phong tỏa và giới nghiêm.

Ngoài ra, mình cũng ủng hộ chính sách vừa ban hành của chính phủ khi buộc các nhân viên giữ trẻ trong vùng LGA phải tiêm phòng ít nhất một mũi chủng ngừa COVID-19 trước 30/08 nếu họ muốn làm việc trong các trung tâm giữ trẻ. Đó cũng là một trong những nhân tố góp phần giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho trẻ. 

SBS: Nếu không gửi con đi nhà trẻ, một số cha mẹ vẫn phải trả phí giữ trẻ chênh lệch “gap fee”. Một số trường được chính phủ hỗ trợ thì phụ huynh giữ con tại nhà không phải trả phí. Chị nghĩ thế nào về việc này?

Theo những gì mình tìm hiểu, từ ngày 19/07 chính phủ liên bang cho phép phụ huynh vùng LGA có sử dịch vụ chăm sóc trẻ được miễn phí chênh lệch. Có nghĩa, phụ huynh không phải trả phí khi họ giữ trẻ ở nhà trong thời gian phong tỏa hoặc không tính phí những ngày nghỉ của trẻ bởi bất cứ lý do nào đối với cha mẹ đang gửi con đến các dịch vụ chăm sóc trẻ. Thông thường, đây là khoản phí mà phụ huynh vẫn phải trả cho dù không sử dụng dịch vụ thường xuyên hoặc bị gián đoạn do trẻ nghỉ vì bệnh hoặc các lý do khác nếu một khi đã đăng ký.
Phụ huynh yên tâm hơn khi giữ trẻ ở nhà mà không phải gánh nặng chi phí dịch vụ trong thời gian dịch bệnh; không phải lo lắng làm lại thủ tục đăng ký sử dụng dịch vụ nếu quá thời hạn số ngày trẻ vắng mặt cho phép (42 ngày), hoặc phải vào danh sách chờ tiếp nhận cho đến khi dịch vụ có chỗ cho con trẻ.
Phí chênh lệch (gap fee) là khoản tiền chênh lệch giữa số tiền chính phủ trợ cấp và phí thu thực tế hàng ngày của các trung tâm dịch vụ chăm sóc trẻ quy định. Trong đó, số tiền trợ cấp của chính phủ được tính dựa trên thu nhập và số giờ làm việc/ học hành/ thiện nguyện của từng gia đình.

Tuy nhiên, như chúng ta đã biết, đây không phải là một chính sách bắt buộc mà chính phủ trao quyền quyết định cho nhà cung cấp dịch vụ. Có nghĩa, các nhà cung cấp dịch vụ trong vùng LGA tự quyết định có tham gia vào chương trình của chính phủ hay không. Đồng thời, một khi nhà cung cấp dịch vụ tham gia chương trình này, họ cũng có thể tự định mức miễn phí hoàn toàn hay chỉ miễn phí một phần cho phụ huynh trong thời gian phong tỏa. 

May mắn là trung tâm giữ trẻ nơi con mình đang theo học có tham gia chương trình miễn phí chênh lệch của chính phủ. Vì vậy, mình chỉ đóng phí cho những ngày mà con đến trung tâm và đã không phải đóng phí cho những ngày con nghỉ. Dưới nhãn quan của một phụ huynh thuộc nhóm hưởng lợi từ chính sách này, mình cảm kích trung tâm giữ trẻ của con đã tham gia thực hiện chính sách của chính phủ. Theo mình, thực tế, trung tâm đã trực tiếp hỗ trợ phụ huynh không chỉ ở khía cạnh tài chính mà cả mặt tâm lý. 

Cụ thể, phụ huynh yên tâm hơn khi giữ trẻ ở nhà mà không phải gánh nặng chi phí dịch vụ trong thời gian dịch bệnh; và không phải lo lắng làm lại thủ tục đăng ký sử dụng dịch vụ nếu quá thời hạn số ngày trẻ vắng mặt cho phép (42 ngày), hoặc phải vào danh sách chờ tiếp nhận cho đến khi dịch vụ có chỗ cho con trẻ.

Điều này cũng tương đối linh hoạt và giảm hầu bao cho những cha mẹ muốn giữ con ở nhà cùng mình vào những ngày trong tuần, hoặc trong một khoảng thời gian ngắn nhất định mà họ được làm việc tại nhà, không phải đến công sở. 

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe nguyên văn phần phỏng vấn với khách mời.

Share