Nuôi con ở Úc: Dung hòa khác biệt giữa ba thế hệ dưới một mái nhà

"Các cháu càng lớn càng hiểu và thương ông bà".

"Các cháu càng lớn càng hiểu và thương ông bà". Source: Queenie Le

Các cháu sinh trưởng ở Úc có suy nghĩ tự do và tư duy phản biện, khi không đồng ý một vấn đề nào đó sẽ tranh luận và bày tỏ ý kiến. Nhưng ông bà Việt Nam có thể cho rằng như vậy là hỗn, không vâng lời người lớn. Làm sao để vun vén gia đình ba thế hệ vốn nhiều khác biệt?


Mâu thuẫn là để hiểu nhau

“Ông bà thi thoảng lại cho các cháu tiền tiêu vặt mà mẹ không hay biết, bà lo cơm nước tươm tất cho hai cháu trai, ông lái xe đi đâu là luôn đổ xăng đầy bình, hút bụi cho cháu.”

Đó là những điều diễn ra hàng ngày trong ngôi nhà có ba thế hệ cùng chung sống của chị Quyên Lê, một người mẹ có hai cậu con trai 18 tuổi và 21 tuổi đang sống tại Sydney.

Hai con trai của chị sống cùng ông bà ngoại từ lúc lọt lòng cho đến nay. Chị Quyên chia sẻ 20 năm sống cùng nhau dưới một mái nhà là cả một hành trình dài để mỗi người, mỗi thế hệ trong nhà học cách sống chung, hiểu, thông cảm và yêu thương nhau nhiều hơn.

“Từ nhỏ, mình sinh ra trong một gia đình đông anh chị em. Mình học rất nhiều về cách cư xử và sống trong một gia đình đông con cháu của hai gia đình nội ngoại. Ở Việt Nam hầu hết gia đình khá giả đều có người giúp việc nhà, nên hầu như trẻ không phải động tay động chân.

Trong khi ở Úc, trẻ phải tự lập từ sớm. Như đi nhà trẻ, các bé 2 tuổi đều tự xúc ăn mà không cần ai đút. Lúc các con còn nhỏ, mẹ mình sang Úc để phụ giúp trông cháu. Bà thấy cháu khóc thì hay bế ẵm, cháu đòi gì cũng cho ăn.

Mình phải dặn mẹ chỉ khi nào cần thiết thì mới bế cháu lên, cháu khóc rồi lát sẽ nín. Lúc đó mẹ mình hơi buồn, tủi thân vì nghĩ cháu đi nhà trẻ cả ngày, về chỉ bế một chút, nhưng rồi mẹ cũng hiểu phải giữ nếp sinh hoạt như ở nhà trẻ…”
Ông bà vẫn thường cho các cháu của mình một hai trăm đô mỗi tuần để tiêu vặt mà mình không biết. Mình phải trao đổi để ông bà hiểu các cháu cần phải tự lao động để trân trọng sức lao động của bản thân, hiểu được giá trị của đồng tiền.
Mỗi độ tuổi trong hành trình các con lớn lên, những khác biệt cũng theo đó mà xuất hiện. Khi nhỏ, đó là chuyện cho con ăn gì, chơi gì. Lớn lên một chút, ngoài chuyện ăn, chuyện ngủ, còn là việc uốn nắn và dạy các con cách cư xử và giao tiếp phù hợp.

Khi con trưởng thành, những khác biệt đó không hề dừng lại, mà liên tục nảy nở. Nhưng cuối cùng, gia đình vẫn luôn là một mái ấm mà mọi thành viên đều nỗ lực để vun đắp, “thay vì lời qua tiếng lại thì đem lòng thương và thông cảm để hiểu và sống hoà thuận trên tinh thần tương trợ nhau”.
Sống trong gia đình nhiều thế hệ, trẻ sẽ có cơ hội được giao tiếp, cảm nhận tình cảm của các thành viên.
Sống trong gia đình nhiều thế hệ, trẻ sẽ có cơ hội được giao tiếp, cảm nhận tình cảm của các thành viên. Source: Queenie Le
Việc ông bà lúc nào cũng sẵn lòng giúp cháu như hút bụi, rửa xe, đổ xăng cũng là điều mà chị Quyên Lê cho rằng cần phải thẳng thắn trao đổi với ông bà.

“Mình nói ông bà cần phải tập cho cháu tính tự lập, để cháu không ỷ lại, nếu xe dơ thì biết đường đi rửa, ví dụ sau này có bạn gái lên xe thì ngại mà biết giữ xe sạch sẽ.

Sau 10 năm ông bà qua Úc định cư thì nhận được tiền của chính phủ mỗi tuần. Ông bà vẫn thường cho các cháu của mình một hai trăm đô mỗi tuần để tiêu vặt mà mình không biết.

Khi mình biết được, mình phải trao đổi để ông bà hiểu các cháu cần phải tự lao động để trân trọng sức lao động của bản thân, hiểu được giá trị của đồng tiền.

Đi làm ở McDonal được $16/giờ thì hiểu rằng mình ăn tô phở là hết một tiếng làm việc vất vả. Úc là đất nước rất tự do, nếu trẻ có nhiều tiền, thì có nhiều thứ không kiểm soát được”.

Khi gia đình mình chuyển qua căn nhà mới, đất phía trước rất nhỏ, nhưng ông bà thì lại muốn trồng nhiều cây trái. Con trai mình thấy ông bà trồng nhiều quá thì nói ông bà đừng trồng nữa, nhiều quá rồi. Cháu chưa hiểu được đó là thú vui vườn tược của tuổi già, để ông bà tập thể dục, vận động.

Nhưng sau một năm, nhìn thấy cây trái ra hoa ra quả, được ăn trái ngọt từ cây của ông bà, rau xanh trong bữa ăn thì con biết ơn và hiểu ra đó là niềm vui của ông bà, nhà có rau trái sạch ngon để ăn mà không cần đi chợ”.

Được nhiều hơn mất

Sống trong gia đình nhiều thế hệ, trẻ sẽ có cơ hội được giao tiếp, cảm nhận tình cảm của các thành viên. Sự bất đồng quan điểm về dạy con cháu giữa các thế hệ đôi khi cũng gây nên căng thẳng trong gia đình. Nhưng với con trẻ, đó là điều may mắn và hạnh phúc khi còn có ông bà bên cạnh.

“Ba mẹ của mình đã ngoài 75 tuổi. Lúc nhỏ thì các con chưa ý thức. Khi các con càng khôn lớn, ông bà càng lớn tuổi thì các con có ý thức hơn.

Khi lái xe ra ngoài, các cháu rất cẩn thận chờ nhắc nhở ông bà thắt dây an toàn rồi mới chạy. Con trai mình dặn bà không mang giày cao vì sợ bà té, mặc áo ấm vào vì gió. Con trai lớn thấy xe thiếu dầu nhắc nhở ông đừng lái đi xa cho đến khi được kiểm tra.

Khi trưởng thành các con hiểu được việc sống chung với ông bà là điều rất cần thiết và học hỏi rất nhiều trong những bước đường trưởng thành của các con”, chị Quyên nói với SBS.
Khi được sống cùng với ông bà tại Úc, các con được học tiếng Việt, văn hoá Việt, thức ăn Việt Nam. Đó còn là việc học cách sống với những người cao tuổi.
Khi được sống cùng với ông bà tại Úc, các con được học tiếng Việt, văn hoá Việt, thức ăn Việt Nam. Đó còn là việc học cách sống với những người cao tuổi. Source: Queenie Le
Chị Quyên chia sẻ, cha mẹ và ông bà cần chia sẻ quan điểm nuôi dạy con cái, để tránh suy nghĩ “có ông bà bảo kê, con không sợ cha mẹ”, “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” trong việc nuôi dạy con.

“Vấn đề này rất quan trọng , mình, ba mẹ và ông xã cũ luôn kết hợp nói chuyện về cách dạy con. Trẻ em có thể dựa vào người lớn để thực hiện mục đích của mình. 

Ví dụ ba đã hứa đồng ý mua cho con thức ăn nhanh McDonald hay món đồ chơi mà mẹ không tán thành. Nếu không xin được mẹ qua nhà bạn chơi, ngủ lại qua đêm thì có thể xin ba.

Con càng lớn lại có nhiều điều mà các thế hệ phải thống nhất, nhất là tuổi đang trưởng thành thì việc dạy dỗ lại càng khó hơn”.

Cha mẹ nên tránh xung đột hay vạch rõ ranh giới trong chuyện dạy con theo ý mình? Chị Quyên chia sẻ cần giải thích để ông bà hiểu và đưa ra ví dụ cụ thể tác hại từ những người xung quanh, bạn bè mình trong cách dạy con.

“Con sinh trưởng tại Úc, một đất nước cổ xúy tự do, con cái trả lời cha mẹ theo cách dạy của thầy cô tại trường học. Khi không đồng ý chuyện gì, chúng sẽ mang về tranh luận với ông bà và ba mẹ”.

Khi được sống cùng với ông bà tại Úc, các con được học tiếng Việt, văn hoá Việt, thức ăn Việt Nam. Đó còn là việc học cách sống với những người cao tuổi, hoặc những người không cùng quan điểm với mình.” 

Mời quý vị nghe phỏng vấn với khách mời trong audio.

Share