Nuôi con ở Úc: Tăng hiệu quả những buổi học trực tuyến cùng con

Một buổi học và làm việc trực tuyến tại nhà của ba mẹ con chị Khánh Trần.

Một buổi học và làm việc trực tuyến tại nhà của ba mẹ con chị Khánh Trần. Source: Supplied

Chiếc bàn ăn trở thành nơi mẹ vừa có thể làm việc, vừa hỗ trợ cho hai cô con gái ở hai độ tuổi tiểu học và trung học tham gia các buổi học trực tuyến. Mẹ đặt ra các nguyên tắc chung cho hai con khi học tại nhà, sử dụng tai nghe để tránh ảnh hưởng đến người khác, có thể đặt câu hỏi hoặc tìm sự trợ giúp từ mẹ khi cần thiết, trao đổi qua hình thức viết giấy để tránh làm phiền khi mẹ đang làm việc, hoặc chị đang trong giờ học.


Đại dịch coronavirus đồng nghĩa với việc phụ huynh trên khắp nước Úc phải đóng một vai trò mà họ chưa bao giờ nghĩ đến - trở thành một giáo viên.

Tuần lễ đầu tiên của học kỳ thứ hai đánh dấu một bước ngoặt quan trọng khi hầu hết các trẻ em Úc sẽ tham gia vào chương trình học từ xa hoặc trực tuyến.

Highlights:


  • Trong khi các em trung học có thể tham gia các buổi học trực tuyến dễ dàng, phụ huynh cần dành thời gian hơn cho trẻ tiểu học.
  • Liên lạc với nhà trường thường xuyên để tìm kiếm sự giúp đỡ. Nếu phụ huynh gặp khó khăn về ngôn ngữ, tìm một phụ huynh khác người Việt cùng trường của con để chia sẻ kinh nghiệm.
  • Việc học trực tuyến chỉ là tạm thời, cha mẹ không nên quá áp lực và lo lắng.

Giống như nhiều phụ huynh khác trên khắp nước Úc, tiến sĩ Khánh Trần, trở thành một giáo viên tại nhà bất đắc dĩ.

Dẫu có nhiều kinh nghiệm trong việc giảng dạy, TS Khánh Trần cho rằng việc học trực tuyến ở độ tuổi tiểu học, trung học và đại học hoàn toàn khác nhau, đòi hỏi cách tiếp cận khác biệt từ các bậc phụ huynh.

Trong những ngày này, chiếc bàn ăn trở thành nơi chị Khánh Trần vừa có thể làm việc, vừa hỗ trợ cho hai cô con gái ở hai độ tuổi tiểu học và trung học tham gia các buổi học trực tuyến.

Chị đặt ra các nguyên tắc chung cho hai con khi học tại nhà: sử dụng tai nghe để tránh ảnh hưởng đến người khác, có thể đặt câu hỏi hoặc tìm sự trợ giúp từ mẹ khi cần thiết, trao đổi qua hình thức viết giấy để tránh làm phiền khi mẹ đang làm việc, hoặc chị đang trong giờ học.

Chị Khánh cho biết con gái lớn của chị ở độ tuổi trung học đã khá quen với các phần mềm hỗ trợ học trực tuyến từ trước, nên việc học online không quá khó khăn.

“Bạn lớn đã rất quen thuộc với các phần mềm như Google Classroom, Google Hangout. Khác biệt duy nhất có lẽ là bây giờ sẽ gặp cô giáo qua mạng. Những hoạt động học tập hoặc làm bài tập trước đây đều trực tuyến”.

Tuy nhiên, với con gái nhỏ ở tuổi tiểu học, chị cần dành nhiều thời gian hơn để giúp con theo kịp các buổi học và lên kế hoạch lựa chọn hoạt động cho từng môn học. Khả năng tập trung của lứa tuổi này cũng còn nhiều hạn chế.

“Mỗi trường sẽ có cách tiếp cận khác nhau. Với trường tiểu học của bạn nhỏ, việc học tại nhà được chia thành hai giai đoàn distant learning (học từ xa) trong hai tuần và sau đó sẽ chuyển sang online learning (học trực tuyến).

Nhà trường sẽ gửi các chương trình học hàng ngày cùng tài liệu dùng để sử dụng để học tập. Với những phụ huynh không có máy in, họ có thể đăng ký và đến trường  để nhận tài liệu”.

Sự tập trung và hứng thú ở mỗi lứa tuổi cũng hoàn toàn khác nhau. Trong khi các em ở độ tuổi trung học tỏ ra thích thú với các buổi học trên mạng khá nhanh, thì học sinh tiểu học cần nhiều thời gian và sự giúp đỡ của cha mẹ.

“Ở các trường trung học mỗi lớp có khoảng 25 học sinh, cô giáo thường chia học trò theo các nhóm với những trình độ khác nhau để giao những hoạt động phù hợp.

Với bạn lớn nhà mình, bạn thường hoàn thành các bài tập của cô trước khoảng 15 phút, thay vì là 30 phút. Bạn có một khoảng thời gian rảnh và ít tập trung trong khoảng thời gian này.
Sự động viên và hỗ trợ của cha mẹ sẽ giúp con hứng thú với buổi học.
Sự động viên và hỗ trợ của cha mẹ sẽ giúp con hứng thú với buổi học. Source: Supplied
Mình hỏi thăm con là khoảng thời gian này trong lớp con làm gì. Bạn cho biết cô giáo thường cho phép làm gì cũng được, miễn là không làm phiền các bạn khác. Mình ủng hộ miễn là con hoàn thành các bài tập và nhận được các đánh giá tích cực từ thầy cô.

Tuy nhiên với bạn nhỏ, những hoạt động cần phải ngắn và bé. Mình luôn dành thời gian đầu ngày để lên kế hoạch cùng con từng ngày. Mỗi hoạt động khoảng 15 phút dựa vào khả năng của con”.

Chị Khánh chia sẻ chị đặt một chiếc đồng hồ trước mặt con để giúp con có thể theo dõi được tiến độ hoàn thành môn học và tránh việc “lo ra” trong buổi học.

Các thời khóa biểu và từng hoạt động cụ thể mỗi ngày được trường lên kế hoạch kỹ lưỡng và gửi cho phụ huynh. Cha mẹ hoàn toàn có thể dựa vào đây để chọn ra các hoạt động phù hợp với con. Tiến sĩ Khánh Trần cho biết chị nhận được sự hỗ trợ và liên lạc chu đáo từ phía nhà trường.
Việc đồng cảnh ngộ, chung môi trường học tập, sử dụng cùng công nghệ, cách tiếp cận và cùng một chương trình học sẽ giúp phụ huynh dễ trao đổi kinh nghiệm với nhau.
Nhiều bậc phụ huynh khá bối rối về vai trò của mình trong các buổi học trực tuyến tại nhà cùng con.

Ngồi kế bên quan sát trong im lặng, để con tự truy cập mạng tự học một mình hay tham gia vào buổi học của con?

Có nên góp ý, đưa ra bình luận, đặt câu hỏi hoặc ngồi canh như cảnh sát xem con có học không hay lướt mạng?

TS Khánh Trần cho rằng mỗi trẻ, mỗi phụ huynh và hoàn cảnh của các gia đình sẽ quyết định phương pháp nào là phù hợp.

“Các con của mình luôn biết rằng có mẹ ngồi ở kế bên và có thể giúp đỡ bất cứ lúc nào. Mình không có thời gian để rình rập hay theo dõi con sẽ làm gì. Các con cũng thoải mái hơn khi mẹ không ngồi canh xem con học có đàng hoàng hay không”, chị Khánh Trần chia sẻ với SBS.

Không phải cha mẹ nào cũng sẵn sàng để thay thế vị trí thầy cô của các con. Việc tìm kiếm những nguồn hỗ trợ như các diễn đàn phụ huynh, trao đổi kinh nghiệm với nhau, chia sẻ về các phương pháp home-schooling là một cách giúp nhiều cha mẹ cảm thấy tự tin hơn.
Việc giữ cho con gắn bó với thầy cô, trường lớp và các hoạt động của nhà trường là điều quan trọng nhất mà các phụ huynh có thể làm cho con mình.
“Những thông tin trên mạng quá nhiều và chung chung có thể khiến cho các bậc phụ huynh càng thêm áp lực. Mình cho rằng thầy cô là những người hiểu con mình nhất và nắm rõ về các chương trình học. Do đó, nên trò chuyện thường xuyên với các thầy cô.

Với những phụ huynh gặp khó khăn về ngôn ngữ, họ có thể nhờ nhà trường giới thiệu cho một phụ huynh người Việt khác cùng trường.

Việc đồng cảnh ngộ, chung môi trường học tập, sử dụng cùng công nghệ, cách tiếp cận và cùng một chương trình học sẽ giúp phụ huynh dễ trao đổi kinh nghiệm với nhau. Thay vì tham gia vào các diễn đàn home-schooling quá chung chung”, chị Khánh Trần chia sẻ kinh nghiệm của mình.

Với các bậc phụ huynh đang “mò đường” dạy con tại nhà và gặp nhiều áp lực, TS Khánh Trần chia sẻ hãy cởi bỏ các áp lực, tự tin vào vai trò của mình và hiểu rằng đây chỉ là việc tạm thời.

“Việc đồng hành cùng con tại nhà chỉ là tạm thời, mọi thứ sẽ hoàn toàn thay đổi trong vài tháng tới.

Dù mọi việc có diễn ra tệ đến đâu nữa, gặp trục trặc về kỹ thuật, con không thể theo kịp bài giảng, cha mẹ không có thời gian để tham gia sâu sát vào các buổi học của con, thì đây cũng chỉ là việc tạm thời.

Quan trọng là thái độ của cha mẹ. Việc giữ cho con gắn bó với thầy cô, trường lớp và các hoạt động của nhà trường là điều quan trọng nhất mà các phụ huynh có thể làm cho con mình”.

Mời quý thính giả nghe phỏng vấn với Tiến sĩ Khánh Trần trong phần audio.

--

Người Úc phải giữ khoảng cách với người khác ít nhất 1.5 mét. Trong nhà, phải có mật độ không quá một người trên bốn mét vuông không gian sàn.

Nếu bạn tin rằng bạn có thể đã nhiễm virus, hãy gọi cho bác sĩ của bạn (đừng đến phòng mạch) hoặc liên hệ với Đường dây Nóng Thông tin Y tế Quốc gia Coronavirus – Coronavirus Health Information Hotline theo số 1800 020 080.

Nếu bạn đang khó nhọc để thở hoặc trải qua một trường hợp khẩn cấp y tế, hãy gọi 000.

SBS tận lực mang đến tin tức cập nhật giúp bạn nắm bắt thông tin những diễn biến mới nhất của COVID-19 bằng tiếng Việt, xem tại: 

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share