Nuôi con ở Úc: Tự hào khi con hội nhập thế giới mà vẫn hướng về nguồn cội

giadinhchiKhanhLy

Gia đình chị Khánh Ly ở Sydney. Source: nhân vật cung cấp

Trẻ em Việt sinh ra ở Úc có thể dễ dàng hòa nhập dòng chảy văn hóa lớn, học hỏi nhiều cái hay cái đẹp của thế giới. Nhưng làm thế nào để trẻ vừa tiếp thu các giá trị văn hóa quốc tế vừa trân quý những tinh hoa dân tộc? Điều đó cần nhiều nỗ lực của phụ huynh trong quá trình giúp con phát triển tốt về trí tuệ lẫn tâm hồn.


Tự hào khi nghe giai điệu quê hương vang lên trong các chương trình âm nhạc lớn ở Úc. Và càng tự hào hơn khi các con cũng hướng về nguồn cội, yêu quý các giá trị văn hóa quê hương. Đó là tâm trạng của một mẹ Việt ở Sydney mỗi khi cùng con tham gia các chương trình biểu diễn âm nhạc dân tộc.

Hiện chị Khánh Ly đang cùng với chồng của chị làm công việc kinh doanh xe hơi và các dịch vụ về xe. Chị cũng đồng thời là một giáo viên thiện nguyện dạy tiếng Việt tại Trường Việt Ngữ Inner West, NSW.

Chị có con gái năm nay đang học lớp 7 và con trai đang học lớp 3. Cả hai con của chị đều học giỏi các môn văn hóa, cũng như yêu thích và có năng khiếu về âm nhạc. Con gái của chị học đàn piano từ lúc 5 tuổi, còn con trai thì bắt đầu học từ 6 tuổi. Sau một thời gian xây dựng được nền tảng âm nhạc khá vững chắc từ môn piano, các con của chị có thể chuyển sang học những loại nhạc cụ khác một cách khá dễ dàng. 

Định hướng cho con từ nhỏ

Lúc các con còn nhỏ, gia đình chị định hướng cho con học nhạc, vì nhận thấy âm nhạc có thể giúp trí não trẻ phát triển tốt. Chị cũng thấy rằng việc chơi đàn là piano giúp cho hai tay của con linh hoạt, đồng thời giúp tăng khả năng tư duy và giảm căng thẳng trí óc.

Khi các con của chị lên lớp 3, nhà trường tuyển thành viên cho ban nhạc, và chị đã cho con đăng ký tham gia vì nhận thấy đó là cơ hội để các con học thêm một loại nhạc cụ mới. Đó cũng là cách để giúp các con mạnh dạn sôi nổi hơn khi tham gia phong trào của trường. Con gái của chị chọn học thêm môn sáo Tây và con trai thì chọn môn kèn saxophone.
giadinhchiKhanhLy
Các con của chị Khánh Ly biểu diễn với sáo Tây và kèn saxophone. Source: nhân vật cung cấp
Sau đó, khi trường Việt Ngữ Inner West thành lập ban nhạc dân tộc với các nhạc cụ truyền thống của Việt Nam, con gái của chị cũng đăng ký tham gia học thêm môn sáo trúc.  Với bộ môn này, bé được làm quen được với văn hóa và âm nhạc Việt Nam qua các bài dân ca, các điệu lý câu hò, và đó thực sự là mong muốn của một người mẹ với vai trò là một cô giáo dạy tiếng Việt như chị.

Tham gia cùng con

Ban nhạc do trường Việt Ngữ thành lập bao gồm cả giáo viên và học sinh. Thế là chị Khánh Ly cũng tham gia học đàn tranh. Từ đó chị và con gái có dịp cùng nhau tập hòa tấu những bài nhạc dân tộc Việt. Điều thú vị là nhiều lúc chị được con gái hướng dẫn vì bé giỏi nhạc lý hơn, và hai mẹ con say sưa tập luyện với nhau. Đó cũng là cơ hội để gắn kết chặt chẽ tình cảm mẹ con.
giadinhchiKhanhLy
Chị Khánh Ly cùng con gái trong một buổi biểu diễn âm nhạc dân tộc. Source: nhân vật cung cấp
Hướng về âm nhạc dân tộc

Khi con gái của chị Khánh Ly học nhạc ở trường, cô giáo yêu cầu mỗi học sinh ở nhà tự chọn một bài truyền thống của dân tộc mình, sau đó quay clip trình bày với nhạc cụ và nộp cho cô. Nhân dịp này, con gái của chị chọn bài dân ca “Bèo dạt mây trôi” để làm bài nộp cho cô giáo.

Ngoài ra cháu cũng tự tìm trên mạng nhiều bài nhạc dân tộc Việt để tự tập luyện. Bên cạnh các bản nhạc Tây và nhạc cổ điển thường phải tập luyện để thi trong lớp, con gái của chị Khánh Ly rất thích nhạc Việt, với giai điệu đậm đà bản sắc dân tộc.

Chia sẻ thêm về việc nuôi dưỡng cho con tình yêu âm nhạc dân tộc, chị Khánh Ly nói rằng mục đích của các giáo viên dạy tiếng Việt ở trường là muốn giữ gìn và phát huy văn hóa truyền thống cho học sinh, nhất là các bé sinh ra ở nước ngoài như con của chị. Và đó cũng là mong muốn lớn lao của người làm mẹ như chị.

Tự hào khi con biểu diễn giai điệu quê hương

Con gái của chị Khánh Ly đã học sáo Tây được gần 5 năm, và trong bốn năm ở tiểu học, cháu nhiệt tình tham gia các chương trình biểu diễn tại trường cũng như giao lưu với các ban nhạc trong khu vực.

Với ban nhạc của trường Việt ngữ Inner West, cháu đã đi biểu diễn nhiều cho cộng đồng như Children’s festival ở The Rocks, biểu diễn cho tiệc của bà thủ hiến tiểu bang NSW cũng như tham gia rất nhiều lễ hội ở các vùng lân cận.

Chị nói rằng tâm trạng của con rất phấn khởi khi được tham gia những chương trình như thế. Và bản thân chị cảm thấy rất tự hào mỗi khi nghe tiếng nhạc dân tộc Việt Nam vang lên ở các chương trình âm nhạc lớn.
giadinhchiKhanhLy
Rachel, con gái của chị Khánh Ly, biểu diễn với sáo trúc Việt. Source: nhân vật cung cấp
Duy trì tập luyện thường xuyên

Trong thời gian đại dịch, hầu như tất cả các lớp học ngoại khóa trực tiếp ở Úc đều phải tạm ngưng. Các con của chị Khánh Ly chuyển sang học online. Thời gian này các bé vẫn duy trì tập luyện ở nhà theo thời gian biểu hợp lý. Mỗi bé chỉ học đàn piano khoảng 30 phút mỗi ngày, và tập môn sáo hoặc kèn saxophone khoảng 30 phút nữa.

Chị chia sẻ rằng thầy cô ở trường cho lượng bài tập ở nhà vừa phải để trò không bị áp lực. Vì thế các cháu cũng có thời gian dành cho các hoạt động khác như âm nhạc, thể thao hoặc là nghệ thuật. Sau thời gian học ở trường thì các cháu vẫn có thời gian cho các hoạt động yêu thích của mình như ra công viên chơi, đạp xe, đá bóng hoặc là bơi lội.

Xác định lợi ích thiết thực của việc học ngoại khóa

Qua trải nghiệm thực tế của các con, chị Khánh Ly nhận thấy các môn ngoại khóa hỗ trợ tốt cho việc học của con ở trường.Hoạt động ngoại khóa bao gồm âm nhạc, thể thao, nghệ thuật đều giúp các cháu phát triển hơn về thể chất và trí tuệ. Chị cũng nhận thấy âm nhạc giúp các con hiểu hơn về văn hóa qua từng bản nhạc, giúp các bé yêu cuộc sống và hướng thiện. Các con của chị không chỉ học nhạc mà còn học bơi, học võ, để rèn luyện thể lực. Và khi các con có thể lực tốt, tinh thần hân hoan thì việc học tập chính khóa ở trường cũng có kết quả tốt hơn.
giadinhchiKhanhLy
Các con của chị Khánh Ly tập luyện thể thao. Source: nhân vật cung cấp
Ngoài ra chị Khánh Ly cũng chia sẻ chương trình Active / Creative Kids của chính phủ NSW tặng voucher hàng năm cho trẻ trong độ tuổi đi học từ 4,5 đến 18 tuổi. Các em có thể dùng voucher để tham gia các hoạt động thể thao, âm nhạc, nghệ thuật.

Chị Khánh Ly đã dùng voucher được tặng để trả tiền học đàn piano cho con, và dùng để mua bộ sản phẩm học vẽ cho con. Chị nói rằng phụ huynh ở NSW có thể truy cập  để đăng ký nhận các voucher này.

Mời quý vị bấm vào biểu tượng Audio trong hình ở đầu trang để nghe nội dung cuộc trò chuyện với chị Khánh Ly.

Thông tin thêm về chương trình hỗ trợ của chính phủ NSW: 

Các bé từ 4.5t đến 18t tại tiểu bang NSW hàng năm được chính phủ tài trợ mỗi bé $300 vouchers để tham gia các hoạt động ngoại khoá như: học bơi lội, học nhảy,học vẽ, đá banh…

Với Active và Creative vouchers, các bé có thể sử dụng để tham gia học các lớp Nhảy, Võ, Vẽ, Gymnastics, Robotics, Coding, Public Speaking tại Elysian School. Creative voucher còn có thể sử dụng để mua Art Package tại Elysian School qua website:

Share