Phân nửa ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu là ở châu Mỹ trong khi Nữu Ước hết vắc xin

A pedestrian in New York

A pedestrian in New York Source: AAP

Con số người Mỹ chết vì COVID-19 ngang với số tử vong trong Thế Chiến 2. Việc nầy diễn ra khi thành phố Nữu Ước cạn hết vắc xin và Tổ Chức Y Tế Thế Giới đối diện với những kêu gọi phải tái cơ cấu, trong khi Âu Châu nhắm mục tiêu chủng ngừa ít nhất 70 phần trăm dân số trước mùa hè năm nay.


Số tử vong do COVID-19 tại Hoa Kỳ đã vượt quá 400 ngàn người, gần ngang bằng với số người chết trong đệ nhị thế chiến.

Con số nầy cũng gần ngang với con số ước lượng 409 ngàn người Mỹ chết trong năm 2019 về đột quỵ, bệnh tiểu đường, bệnh Alzheimer, bệnh cúm và sưng phổi cộng lại.

Ngay cả với việc vắc xin đến với người Mỹ có thể cuối cùng tiêu diệt được coronavirus, thì đại học Washington đưa ra con số tử vong là gần 567 ngàn người vào ngày 1 tháng 5 sắp tới.

Trên toàn cầu, đại dịch COVID-19 có thể là chất kích thích cần thiết để cải tổ Tổ Chức Y Tế Thế Giới WHO, đó là lời của một đồng chủ tịch thuộc Ủy ban Duyệt xét độc lập cho biết.

Được biết Ủy ban nầy được thiết lập để điều tra về sự đối phó toàn cầu với coronavirus, cho biết WHO hiện thiếu quyền hạn, không được tài trợ đầy đủ và đòi hỏi các cải tổ căn bản để cho tổ chức nầy có các tài nguyên cần thiết, hầu đáp ứng hữu hiệu hơn với các trận bùng phát của dịch bệnh chết người.

Đồng Chủ tịch của Ủy ban là cựu Tổng Thống Liberia, bà Ellen Johnson Sirleaf nói rằng, mục đích cuả Ủy ban là tìm hiểm xem làm thế nào để cải thiện sự đáp ứng của tổ chức trong các vụ bùng phát bệnh tật khác trong tương lai.

“Chúng tôi không đến đây để đổ lỗi cho ai, thế nhưng để tiếp cận những gì có thể được cải thiện và đưa ra các đề nghị xây dựng, hầu giúp cho việc đối phó nhanh chóng và tốt hơn trong tương lai".

"Phúc trình của Ủy ban ghi nhận các khu vực cho thấy, thời gian để hành động đã mất quá lâu”, Ellen Johnson Sirleaf .

Phúc trình của Ủy ban cho biết, vác viên chức Trung Quốc lẽ ra nên áp dụng các biện pháp y tế công cộng một cách mạnh mẽ hơn vào tháng 1 năm 2020, để trấn áp vụ bùng phát đầu tiên COVID-19 và cũng chỉ trích WHO, đã không tuyên bố tình trạng khẩn cấp cho đến ngày 30 tháng 1.

Bà Johnson Sirleaf và đồng chủ tịch là cựu Thủ Tướng Tân Tây Lan Helen Clark, cho biết, đại dịch cho thấy 194 quốc gia thành viên của WHO, phải hành động nhanh chóng để cải tổ tổ chức y tế quốc tế có trụ sở tại Geneva, gia tăng việc tài trợ và cho tổ chức nầy có nhiều quyền hạn, để thi hành các qui định y tế quốc tế.

Bà Clark cho biết các quốc gia thành viên WHO, phải đối diện với vấn đề trách nhiệm.

“Quí vị biết khi vụ nổ ở Chernobyl xảy ra, đó là lúc mà Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế có quyền lực được tăng cường lớn lao, trong đó có quyền thanh tra và tiếp cận".

"Nay có phải là lúc WHO và hệ thống y tế toàn cầu có quyền hạn cao nhất không?.

"Các nước hội viên sẽ phải đối diện với chuyện nầy”, Helen Clark.

Bà Clark cũng chỉ trích hệ thống báo động quốc tế, mà bà cho là đã lỗi thời.

“Ủy ban tin chắc rằng hệ thống quốc tế để báo động và đối phó, đã bị kẹt trong một hệ thống cũ kỷ trong thời đại tân tiến".

"Virus có thể lan truyền trong giây phút, chứ không phải cả ngày hay mất nhiều tuần lễ".

"Mặc dù nhiều người đã tận lực để giảm bớt mối nguy cơ của COVID-19 trong thời điểm đầu tiên, thì vẫn mất một tháng sau khi đã có báo động tại Vũ Hán, với hệ thống quốc tế có vẻ như đã lên tiếng mạnh mẽ về chuyện nầy”, Helen Clark.

Trong khi đó, Liên Âu đề nghị chủng ngừa chống COVID-19 cho ít nhất là 70 phần trăm người lớn tại các quốc gia thành viên Liên Âu vào mùa hè nầy, trong một cố gắng nhằm đối phó đại dịch COVID-19.

Việc nầy liên quan đến việc chủng ngừa hơn 200 triệu người, hầu hết được chủng 2 liều của vắc xin.

Được biết, chiến dịch chủng ngừa vắc xin được 27 quốc gia thành viên Liên Âu tiến hành, mỗi nước quyết định tiến độ và các nhóm ưu tiên.

Đến tháng 3, có ít nhất 80 phần trăm những người 80 tuổi được chủng và 80 phần trăm nhân viên y tế, cũng nên được chủng ngừa tại mỗi quốc gia trong Liên Âu, Phó Chủ tịch Ủy hội Âu Châu là ông Margaritis Schinas cho biết.

“Hôm nay chúng ta đề nghị rằng vào tháng 3 năm nay, 2021, các quốc gia hội viên Hội đồng Liên Âu nên chủng ngừa vắc xin ít nhất là 80 phần trăm các nhân viên y tế và xã hội và 80 phần trăm những người trên 80 tuổi".

"Chúng tôi cũng đề nghị là vào mùa hè năm nay, các quốc gia thành viên đã chủng ngừa ít nhất 70 phần trăm người lớn ở nước họ”, Margaritis Schinas.

Trong khi đó, giới chức y tế tại Tổ chức Y tế Liên Mỹ cho biết, có phân nửa trong số 94 triệu ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu, đó là 41 triệu người ở Bắc và Nam Mỹ.

Giám đốc là tiến sĩ Carissa Etienne nói rằng, trong 7 ngày qua, khu vực nầy ghi nhận khoảng 2 triệu rưỡi ca nhiễm bệnh mới và có thêm 42 ngàn người chết.

“Sự bùng nổ liên tục này trong các trường hợp là bằng chứng nghiêm trọng cho thấy, các khu vực và thế giới của chúng ta đang thất bại trong việc kiểm soát loại coronavirus này".

"Trên thực tế có quá nhiều nơi, các chính sách công không phù hợp với mức độ nghiêm trọng của tình hình, tôi đặc biệt lo lắng trong vài tuần tới".

"Trong toàn khu vực của chúng tôi, đặc biệt là ở Bắc và Nam Mỹ, nhiều bệnh viện đang hoạt động ở mức hoặc rất gần với công suất”, Carissa Etienne.

Còn thành phố Nữu Ước sẽ cạn kiệt thuốc chủng COVID-19 vào ngày mai thứ năm, mà không được tiếp tế thêm thuốc chủng mới.

Trong cuộc họp báo hàng ngày về coronavirus, Thị trưởng thuộc đảng Dân chủ Bill De Blasio cho biết, chương trình chủng ngừa sẽ phải đình hoãn.

“Nếu không nhận thêm vắc xin nhanh chóng, thì chúng tôi phải hủy bỏ các cuộc hẹn và không còn chủng ngừa nào nữa vào thứ năm cho đến cuối tuần, tại nhiều địa điểm của chúng tôi”, Bill De Blasio.

Với khởi đầu chậm chạp, thành phố Nữu Ước đã gia tăng nỗ lực chủng ngừa bằng các mở ra địa điểm chủng ngừa hoạt động 24 giờ mỗi ngày.

Cho đến nay, có gần 96 triệu người trên toàn cầu bị nhiễm COVID-19 và có hơn 2 triệu người chết.
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share