Thủ tướng viếng thăm binh sĩ Úc tại Iraq trong khi Tổng thống Trump loan báo rút quân khỏi Syria

Prime Minister Scott Morrison visiting Task Group Taji at Taji Military Complex in Iraq

Prime Minister Scott Morrison visiting Task Group Taji at Taji Military Complex in Iraq Source: AAP

Thủ tướng Scott Morrison viếng thăm 800 binh sĩ và nhân viên quốc phòng Úc tại căn cứ Taji ở Iraq cùng với Thủ tướng Iraq là ông Adil Abd El Mahdi.


Trong khi đó Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố sẽ rút quân khỏi Syria, một hành động gây ngạc nhiên ngay cả chính phủ ông.

Ông Trump cho rằng binh sĩ Mỹ không còn cần thiết do IS đã bị đánh bại, tuy nhiên nhiều người cho rằng IS vẫn còn là một hiễm họa trong vùng.

Thủ tướng Scott Morrison đã đến Iraq hôm thứ tư để gặp gỡ các binh sĩ thuộc lực lượng Đặc biệt và các binh sĩ Úc khác, trong nhiệm vụ huấn luyện cho quân đội Iraq.

Đây là cuộc viếng thăm của ông Morrison tại Trung đông, kể từ khi ông trở thành Thủ tướng hồi tháng 8.

Một chuyến viếng thăm A Phú Hãn đã bị hủy bỏ vì lý do an ninh, do khuyến cáo của Tư lệnh Quân đội Úc.

Thủ tướng du hành đến các địa điểm tiếp vận chiến lược của Úc tại Trung đông và cảm ơn các binh sĩ về sự hy sinh của họ, đặc biệt trong kỳ lễ Giáng sinh.

“Tôi xin gởi đến các bạn lời cảm ơn từ tôi và Jenny, cùng hai cô gái nhỏ của tôi và cũng nói lời cám ơn đại diện cho chính phủ Úc".

"Tôi đã ngồi trong Ủy ban An ninh Quốc gia trong 5 năm qua, một thời gian khá dài và cùng đưa ra các quyết định và đó là tại sao tôi có mặt tại đây. Quốc hội cũng cảm ơn các bạn, về mọi việc đã làm cho đất nước”, Scott Morrison.

Kể từ năm 2001, đã có hàng chục ngàn binh sĩ Úc phục vụ trong vùng nầy.

Binh sĩ Úc có mặt tại Baghdad và tại Taji hiện huấn luyện cho hơn 40 ngàn binh sĩ Iraq, kể từ khi sứ mạng nầy bắt đầu hồi năm 2015.

Mục tiêu của Quân đội Úc, là dần dần chuyển từ vai trò huấn luyện tại mặt trận, cho đến việc hướng dẫn lực lượng an ninh Iraq, qua việc đào tạo những huấn luyện viên người Iraq.

Trong chuyến viếng thăm, ông Morrison gặp gỡ vị Thủ tướng tân cử của Iraq, là ông Adil Abdul Mahdi tại dinh Thủ tướng ở Baghdad.

Thủ tướng Iraq nhấn mạnh đến nhu cầu, có sự hợp tác về an ninh để giúp giải phóng Iraq khỏi áp lực phiến quân IS, cũng như hoan nghênh nỗ lực của Úc trong việc cải thiện nền kinh tế Iraq.

“Iraq mong đợi sự tham dự rộng rãi của các công ty và những nhà đầu tư Úc, những công ty nổi tiếng về khả năng và sự đầu tư cùng sự tái thiết, cũng như tìm các công việc cho người dân Iraq, để tăng cường sự ổn định".

"Do sự ổn định của Iraq cũng là sự ổn định trong vùng và dẫn đến sự ổn định của toàn thế giới”, Adil Abdul Mahdi.

Nước Úc là quốc gia đóng góp quan trọng trong lãnh vực viện trợ nhân đạo cho Iraq, với con số lên đến 180 triệu đô la, từ năm 2014 cho đến 2020.

Trong khi phiến quân IS bị phần lớn bị đánh bại tại Iraq, các nhà lãnh đạo không vận động cho việc rút quân đáng kể nào trong số các binh sĩ Úc, hay giảm bớt viện trợ.

Thay vào đó, họ thảo luận việc làm thế nào viện trợ Úc có thể chi tiêu tốt hơn trong các công tác tái thiết và mang lại các dịch vụ thiết yếu cho mọi vùng ở Iraq.

Sau cuộc hop, ông Morrison cho biết một tương lai ổn định cho Iraq có nghĩa là, kiến tạo một nền kinh tế bền vững và công ăn việc làm cho giới trẻ tại Iraq.

“Các bạn dũng cảm khi đối diện bọn cực đoan quá khích và nay tình hình đòi hỏi một hình thức can đảm mới, để tái thiết nền kinh tế".

"Trong khi có quá nhiều người trẻ ở Iraq đang tìm kiếm công việc và hy vọng cho tương lai, vì công việc là quan trọng tại Iraq cũng như tại Úc, chúng ta cùng nhau cam kết tạo thêm nhiều công ăn việc làm và tôi hy vọng sẽ thấy được điều đó xảy ra ở đây và tại Úc nữa”, Scott Morrison.

Chuyến viếng thăm của ông Morrison đến Iraq, trùng hợp với lời loan báo của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, là ông sẽ rút quân Mỹ khỏi Syria và nói rằng IS không còn là một nguy cơ cho nước nầy.

Hành động nầy gây nhiều quan ngại về tương lai, cho bất cứ việc bố trí thêm nữa quân đội Úc, vốn có thể đối phó với một viễn tượng an ninh thay đổi trong vùng, nếu Mỹ rút quân.

Quyết định rút quân trùng hợp với việc kết thúc một chiến dịch hành quân có khoảng 2 ngàn binh sĩ Mỹ, tái chiếm một vùng lãnh thổ mà trước đây IS kiểm soát.

Tổng thống Trump nói rằng, nay là thời điểm để hành động.

“Chúng ta đã thắng và đến lúc chúng ta về nước, mọi chuyện đã sẳn sàng, rồi quí vị sẽ gặp họ nay mai".

"Họ là những anh hùng người Mỹ vĩ đại trên thế giới, bởi vì họ chiến đấu cho chúng ta".

"Họ giết chết bọn IS, vốn đã gây thương tổn cho thế giới và chúng ta hãnh diện khi họ đã làm được điều đó. Và tôi có thể nói với quí vị rằng, họ ở đó để săn lùng bọn chúng cho chúng ta".

"Không ai hạnh phúc hơn hay hãnh diện hơn là gia đình của họ, khi chúng ta phái họ đến một tình hình, mà họ đã hoàn tất công việc tốt đẹp cho rất nhiều người”, Donald Trump.

Chính phủ của ông Trump chưa đưa ra các chi tiết về việc rút quân, cũng như không xác nhận việc Tổng thống Trump, đã ra lệnh rút toàn bộ lực lượng Mỹ.
"Vì vậy câu trả lời ngắn gọn là, chúng ta nên hết sức quan ngại về chuyện nầy”, Greg Barton.
Thế nhưng những gì có vẻ rõ ràng, là Tổng thống đã qua mặt các cố vấn an ninh quốc gia hàng đầu của ông và các tư lệnh quân đội Mỹ, cũng như gây ngạc nhiên cho các chính trị gia, qua lời loan báo nói trên.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa thuộc tiểu bang South Carolina là ông Lindsey Graham, vốn là thành viên của Ủy ban Quân Vụ Thượng viện, thường là đồng minh mạnh mẽ với Tổng thống nói rằng, quyết định nầy sẽ có những hậu quả đáng tiếc.

“Nếu quyết định nầy là rút quân mọi lực lượng của chúng ta tại Syria bây giờ, rõ ràng là chúng ta sẽ cảm thấy ít an ninh đáng kể và đây là một hành động theo kiểu Obama".

"IS không tồn tại ngày nay, nếu đó không phải là quyết định của ông Obama, rút quân ra khỏi Iraq".

"Và tôi phải nói rằng, nếu ông Trump rút quân khỏi Syria và họ sẽ về nước như tôi nghĩ là việc nầy sẽ xảy ra, ông Trump sẽ là một lý do khiến bọn khủng bố IS trở lại”, Lindsey Graham.

Quyết định nói trên có thể khiến cho Mỹ chỉ còn có một ít lựa chọn, để ngăn tránh sự tái nổi dậy có thể xảy ra của IS và cũng có thể phá họai các nỗ lực ngoại giao, nhằm chấm dứt cuộc nội chiến Syria, nay bước vào năm thứ 8.

Thượng nghị sĩ Cộng hòa khác là ông Marco Rubio, cũng lên án quyết định nói trên.

“Trong suy nghĩ của tôi, quyết định rút quân của Mỹ khỏi Syria là một lỗi lầm hết sức lớn lao".

"Một sai lầm nghiêm trọng sẽ dẫn đến những hậu quả đáng kể, trong những năm tháng sắp tới”, Marco Rubio.

Trong khi việc kiểm soát của IS tại những khu vực ở Syria bị giảm nhiều, nhà nghiên cứu của Viện Lowy tại Sydney là ông Rodger Shanahan nói rằng, tuyên bố của Tổng thống Trump là IS bị đánh bại, là hoàn toàn không chính xác.

“Ông Brett McGurk là một người trong chính phủ Mỹ từ lâu chống lại IS, tuyên bố rằng những gì đạt được là một sự thắng trận lâu dài, thế nhưng một sự thắng trận như vậy chúng ta chưa đạt đến".

"Vì vậy dùng từ ngữ thắng trận, khi vẫn còn các vụ đụng độ với lực lượng của phiến quân tự xưng nhà nước Hồi giáo vẫn còn, thì tôi phải nói rằng hơi quá sớm”, Rodger Shanahan.

Ông Shanahan nói rằng, nó có thể khiến cho Liên Minh của người Kurd và dân quân Ả rập, được biết là lực lượng Dân chủ Syria gọi tắt là SDF, vốn được sự hậu thuẩn của Mỹ, nay bị bỏ rơi.

Được biết SDF là một, trong số các lực lượng tỏ ra hữu hiệu nhất, trong việc tiêu diệt IS, thế nhưng Thổ không tin tưởng vào các chiến binh người Kurd trong Liên Minh, do họ có dính líu đến Đảng Công nhân người Kurd, vốn là lực lượng gây ra cuộc nổi dậy tại Thổ từ năm 1984.

Với việc Hoa kỳ rút khỏi Syria, nhiều người quan ngại Tổng thống Syria, ông Bashar al Assad hiện được Nga, Iran và Thổ ủng hộ, sẽ chiếm phần kiểm soát mà ông Rodger Shanahan cho rằng, đó là mối quan tâm lớn lao cho lực lượng người Kurd.

“Trong những tháng qua họ đã hội đàm với Dmascus và họ hiểu rằng, Mỹ sẽ không ở lại Syria mãi mãi".

"Vì vậy họ có những cuộc đàm phán lâu dài với Damascus, thế nhưng tôi nghĩ đó là một khung cảnh hoạt động với việc rút quân nầy diễn ra".

"Điều đó có nghĩa là bất cứ thắng lợi trong việc thương thuyết nào của người Kurd đã đạt được trước đây, sẽ bị nhẹ đi chỉ trong một giờ mà thôi”, Rodger Shanahan.

Việc rút quân toàn bộ binh sĩ Mỹ tại Syria, thế nhưng vẫn để lại sự hiện diện đáng kể của quân đội Mỹ trong vùng, bao gồm 5200 binh sĩ dọc theo biên giới tại Iraq.

Giáo sư Greg Barton, chủ tịch phân khoa Chính trị Hồi giáo Toàn cầu, tại đại học Deakin ở Melbourne nói rằng, quyết định của Tổng thống Trump rút quân khỏi Syria, cũng có thể khiến cho mọi việc trở nên khó khăn hơn cho Úc nữa.

“Nếu ISIS chiếm được đất đai và nếu Iran và Nga, cùng Thổ Nhĩ Kỳ chiếm được vùng đông bộ Syria, nó sẽ ảnh hưởng đến những quyết định liên quan đến chúng ta".

"Liệu chúng ta có phải tăng phái binh sĩ đến để giúp đỡ việc huấn luyện binh sĩ tại Iraq hay Syria, hoặc liệu chúng ta phải đối đầu với một viễn ảnh an ninh bị thay đổi trong vùng".

"Vì vậy câu trả lời ngắn gọn là, chúng ta nên hết sức quan ngại về chuyện nầy”, Greg Barton.
Thêm thông tin và cập nhật Like 
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 



Share