'Thủ tướng May phải chịu trách nhiệm vì trì hoãn Brexit'

Prime Minister Theresa May addresses the nation in a video message filmed at her Chequers country retreat

Prime Minister Theresa May addresses the nation in a video message filmed at her Chequers country retreat Source: AAP

Thủ tướng Anh Theresa May nói rằng, bà đang đàm phán với các đảng để bảo đảm là Anh quốc sẽ rời khỏi Liên hiệp Âu châu bằng một bản thỏa thuận. Tuy nhiên, bà May hiện đang bị chỉ trích ngay bởi các thành viên trong đảng Bảo thủ. Họ đổ lỗi bà May bởi sự chậm trễ trong tiến trình Brexit.


Hôm Chủ nhật, ngày 7/4 vừa qua, Thủ tướng Anh, bà Theresa May lại lên truyền hình để giải thích cho người dân Anh những gì đang xảy ra với các cuộc đàm phán Brexit:

Bà May nói: "Đã gần 3 năm kể từ ngày người dân bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý để Vương quốc Anh rời khỏi Liên hiệp Âu châu. Chính phủ đang đàm phán về một thỏa thuận Brexit, mà mục tiêu tối ưu của tôi là thỏa thuận đó sẽ được thông qua Quốc hội và chúng tôi sẽ rời liên Âu trên cơ sở thỏa thuận đó. Tuy nhiên, đến giờ thì Quốc hội đã ba lần từ chối thỏa thuận đó và với hiện tình như bây giờ, tôi chưa thấy có tín hiệu gì cho thấy họ sẽ chấp nhận thỏa thuận đó”.

Điều chắc chắn là, trên đường phố nước Anh, người dân đang thất vọng về cách nước này xử lý vấn đề Brexit, cũng như việc Brexit được ưu tiên giải quyết hơn hầu hết các vấn đề quan trọng khác mà hiện Vương quốc Anh đang đối mặtTheo họ, hiện đang có rất nhiều thứ bộn bề cần giải quyết, nhưng có vẻ như tất cả đều đang bị trì hoãn chỉ vì Brexit.
"Hiện chỉ còn lại 2 lựa chọn. Một là tìm ra một thỏa thuận mới và sau đó được Quốc hội chuẩn thuận; hoặc Anh ở lại Liên hiệp Âu châu" - Thủ tướng Anh Theresa May
Dân biểu Jess Phillips nói rằng, các cử tri trong khu vực mà bà đại diện cho là, dường như những điều mà đối với họ là quan trọng, thì lại không được các chính trị gia quan tâm mấy.

Bà nhấn mạnh: “Tất cả những gì đang xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của các cử tri của tôi không được quan tâm. Những câu chuyện thực, cuộc sống thực, những vấn đề đang hiện hữu ở đất nước chúng ta, như bình thường thì đáng lẽ đã phải nằm trên trang nhất của các tờ báo, nhưng hiện lại đang hoàn toàn bị bỏ sang một bên”.

Anh sẽ phải rời khỏi LIên hiệp Âu châu vào ngày 12/4 tới, trừ khi bà May nhận được sự chấp thuận của EU về việc hoãn thời hạn Brexit. Khối này hiện cũng đã đồng ý cho sự tạm hoãn này.

Bà May hiện đang đề nghị Liên Âu lùi thời gian Brexit cho đến ngày 30/6, với hy vọng sẽ đạt được thỏa hiệp với đảng Lao động. Từ đó, thỏa thuận Brexit mà bà đệ trình có thể thông qua Quốc hội Anh trong vài tuần tới.

Bà nói rằng, thỏa thuận ban đầu của bà đã bị Quốc hội bác; rồi việc Anh có thể rời khỏi liên Âu mà không có thảo thuận nào cả cũng bị phủ quyết. Vậy thì, hiện chỉ còn lại 2 lựa chọn. Một là tìm ra một thỏa thuận mới và sau đó được Quốc hội chuẩn thuận; hoặc là Anh ở lại Liên hiệp Âu châu.

Bà đề nghị rằng, tất cả các đảng phái, nhóm chính trị trong Quốc hội Anh hãy cùng làm việc cho một thỏa thuận mới nếu muốn rời khỏi liên Âu.

Tuy nhiên, một số thành viên trong Đảng Bảo thủ của bà May lại xem các cuộc đàm phán giữa các đảng là sự phản bội lại với lời hứa Brexit.

Jacob Rees-Mogg, người ủng hộ quyết liệt cho Brexit, cho biết, do Quốc hội đã thông qua luật, quyết định Anh rời khỏi Liên Âu vào ngày 29/3, nên đáng lẽ điều đó đã phải xảy ra rồi.

Ông đổ lỗi việc chậm trễ này cho bà May: "Chính Thủ tướng đã yêu cầu gia hạn thời gian, chính Thủ tướng đã dung đặc quyền để thay đổi thời điểm rời khỏi liên Âu từ ngày 29/3 sang ngày 12/4. Tất cả đều thuộc trách nhiệm của bà ấy. Thủ tướng, bà May, đã đưa ra các sự chọn lựa nhằm ngăn việc chúng ta rời khỏi EU và bà ấy cần phải giải thích về chuyện đó“.

Ông Rees-Mogg cũng nói rằng, việc bà May muốn đàm phán với nhà lãnh đạo đảng Lao động đối lập, ông Jeremy Corbyn, nhằm xác định tương lai Brexit là sự lựa chọn nguy hiểm.

"Có một mâu thuẫn rất cơ bản, khi mới trước đó một tuần, còn nói rằng ông Corbyn rất nguy hiểm và không phù hợp với chuyện đàm phán; nhưng chỉ tuần sau thôi lại quyết định sẽ thương thảo với ông ta. Không thể có chuyện cả hai tuyên bố mâu thuẫn nhau như vậy đều đúnghết cả. Và tôi nghĩ, Thủ tướng đã lầm khi trao sự tin cậy cho ông Corbyn. Điều đó sẽ làm yếu đi nhận định chung của đảng Bảo thủ rằng, ông ta là một người theo chủ nghĩa Marx và sẽ gây nguy hiểm cho lợi ích của quốc gia này" – ông Mogg nói.

Tuy nhiên, trong khi vẫn chưa có một ý tưởng rõ ràng nào về việc nước Anh sẽ rời khỏi Liên hiệp Âu châu như thế nào, các nhà lãnh đạo của khối này đang ngày càng mệt mỏi trước những bất đồng nội bộ trong Đảng Bảo thủ của Anh và bất đồng ấy lại đang ảnh hưởng đến phần còn lại của châu Âu.

Ông Jean-Yves Le Drian - Bộ trưởng Ngoại giao Pháp, cho rằng, Anh cần tiếp tục thúc đẩy tiến trình Brexit, bởi tình trạng lừng khừng như thế này đang làm lung lay nền tảng của EU: “Chúng ta không thể sống triền miên với tiến trình Brexit. Đã đến lúc Anh phải rời khỏi khối. Và tôi nghĩ, chính quyền và quốc hội Anh cần nhận ra rằng, Liên hiệp Âu châu không thể tiếp tục chịu đựng các vấn đề của nội bộ chính trường Anh”.

Nếu các cuộc đàm phán giữa các đảng không thành công, bà May sẽ lên kế hoạch cho một loạt các cuộc bỏ phiếu khác tại Quốc hội để xem liệu có thể có một kế hoạch được đa số dân biểu ủng hộ hay không.


Share