Queensland có gì lạ? Võ đường Vovinam Chùa Phật Đà

Các võ sư và huấn luyện viên

Các võ sư và huấn luyện viên Võ đường Vovinam Phật Đà Source: Supplied

Được Võ sư Cao Tiên Sinh sáng lập vào năm 1986, Võ đường Vovinam Việt Võ Đạo ở chùa Phật Đà, Brisbane, Queensland, hiện nay do võ sư Vui Lê điều hành, cùng với sự trợ giúp của võ sư Tâm Lê cùng khoảng 30 (trong số đó có 2 nữ) huấn luyện viên. Các lớp có hơn 200 võ sinh từ 6 tuổi đến hơn 70 tuổi tham dự.


Theo như võ sư Tâm Lê cho biết thì vào năm 1986 Võ sư Cao Tiên Sinh là học trò của thầy Diệp Khôi ở Melbourne đã mở Võ đường Vovinam ở Qld. Sau một thời gian hoạt động, các võ sư do hoàn cảnh gia đình và công việc bận rộn, nên võ đường tạm thời ngưng hoạt động một thời gian, đến năm 2008 thì khánh thành võ đường tại chùa Phật Đà, và hoạt động liên tục cho đến nay.

Võ đường Vovinam Việt võ Đạo chùa Phật Đà số 36 Deodar St, Inala, Brisbane, hiện nay do võ sư Vui Lê điều hành, cùng với sự trợ giúp của võ sư Tâm Lê. Với khoảng 30 HLV trong đó có 2 nữ HLV, có hơn 200 võ sinh từ 6 tuổi đến hơn 70 tuổi, hoàng đai khoảng 30 người.

Nét đặc trưng của Việt Võ đạo tạo ra sự khác biệt so với các môn phái khác theo như võ sư Tâm Lê giải thích là Vovinam lấy căn bản từ môn võ vật cổ truyền Việt Nam. Từ đó khai dụng tinh hoa của các môn võ khác để lập ra môn phái Vovinam. Do đó khi các xem các bài biểu diễn đều thấy trong đó có Karate, Takewondo và khi thi đều có thi Vật cổ truyền Việt Nam. 

Hơn nữa, Vovinam Việt võ đạo, xem trọng cả hai mặt Võ thuật và Võ đạo như nhau.

“Tụi em rất chú trọng võ đạo – thứ nhất là khi các em thi lên đai, ở đây hay trên toàn thế giới, thì mức điểm để chấm là 50 – 50. Có nghĩa là dù anh có giỏi võ cỡ nào nếu rớt võ đạo thì anh vẫn rớt. Ngoài võ đạo, còn căn cứ vào “10 Điều tâm niệm của môn phái”.

Chúng tôi xin được giải thích thêm, Vovinam Việt Võ Đạo được sáng lập vào năm 1936 bởi Sáng tổ Nguyễn Lộc (1912 – 1960). Thời gian đầu hoạt động âm thầm cho tới năm 1938 mới công khai. Ông đề ra chủ thuyết “Cách mạng tâm thân” để thúc đẩy môn sinh luôn luôn canh tân bản thân, và hướng thiện về thể chất lẫn tinh thần.

Sau sự kiện 30/4/75, nhiều võ sư ra nước ngoài đã phổ biến Vovinam ra toàn thế giới. Hiện nay môn võ này có mặt trên hơn 40 nước

Năm 2009, Giải Vô địch Vovinam Thế giới lần thứ nhất được tổ chức tại Saigon.

Năm 2011, Vovinam lần đầu tiên được đưa vào chương trình thi đấu chính thức tại SEA Games (tức Đông Nam Á Vận Hội) kỳ thứ 26.

Để hiểu rõ thêm cấp bậc đai và ý nghĩa, võ sư Tâm Lê cho biết có tất cả 4 màu đai.

Màu Xanh của lam đai: tượng trưng cho niềm hy vọng mới dành cho võ sinh vừa bước chân vào ngành võ thuật. Cần 6 tháng để chuyển từ đai xanh nhạt lên xanh đậm. Cứ 6 tháng thi lên một vạch vàng. Sau 3 vạch vàng tức 6 tháng tới 1 năm thi lên hoàng đai.

Màu vàng của hoàng đai: biểu thị cho màu đất mang ý nghĩa võ thuật võ đạo trở thành bản thể vững chắc của môn sinh

Màu đỏ của hồng đai: là màu của máu lửa, với ý nghĩa võ thuật và võ đạo đã ngấm vào máu huyết lưu thông trong thân thể môn sinh.

Màu trắng của bạch đai: biểu thị màu tinh khiết, chân tịnh, với ý nghĩa võ thuật võ đạo đạt đến độ cao siêu vô hạn tượng trưng cho tinh hoa môn phái.

“Khi lên hoàng đai, thì tính bằng năm. từ 1-2 năm lên một vạch, từ 3 gạch trở lên thì 2 năm mới thi. Muốn lên chuẩn hồng đai, cần 4 năm. Lên Hồng đai cần 4-5 năm. Ở hải ngoại châm chước vì kg đủ hàng võ sư. Còn ở VN thì cần 6 năm để lên hồng đai,” Võ sư Tâm Lê giải thích.

Khi được hỏi, ngoài võ đạo, các em có được dạy thêm về lịch sử văn hóa Việt Nam không, thì được biết các em cũng được hướng dẫn trong tầm hiểu biết rõ ràng của các huấn luyện viên. Ngoài ra, vào những ngày Từ phụ, Từ mẫu, hoặc những khi có nơi nào gặp thiên tai, v.v… các em đều được nhắc nhở và giải thích để hiểu về lòng nhân ái và mối quan hệ gia đình xã hội – vì đó cũng nằm trong 10 điều tâm niệm.

Không chỉ rèn luyện võ thuật và võ đạo, mà võ đường còn rèn luyện nhân cách môn sinh qua các cuộc sinh hoạt tập thể như picnic và camping, “một năm phải có hai ngày, một ngày đi picnic sinh hoạt ngoài trời, một lần đi camping, mấy anh chị lớn tập cho các em nhỏ tự lập.”

Chúng tôi từng được chứng kiến các môn sinh trường Vovinam này tham gia các công tác sinh hoạt trong cộng đồng như Hội Chợ Tết, Ngày Làm Sạch nước Úc (Cleanup Australia Day). Khi được hỏi điều đó có nằm trong mục đích của Võ đạo không?

“Đó là một trong mười Điều Tâm niệm của môn phái Vovinam: Sống là phải sống vì xã hội, không phải chỉ sống cho riêng mình,” Thầy Tâm Lê trả lời.
Võ đường Vovinam Phật Đà
Võ đường Vovinam Phật Đà Source: Supplied
Một điều thú vị ở đây là khi được hỏi lý do vì sao học môn Vovinam này, ngoài mục đích chủ yếu là rèn luyện sức khỏe, thì nhiều phụ huynh trong thời gian chờ đợi con học võ, đã cùng tham gia, và rất nhiều trong số đó lại trở thành huấn luyện viên cho võ đường, như các anh Bùi Quang Phú, Dương Âu, Eddy Quang Đoàn, và như anh Phùng Trí Dũng chia sẻ “Đối với tôi thì lý do cũng giống các anh, cho con đi học, đợi ở ngoài, sau đó thấy sinh hoạt võ đường Vovinam mang lại ba mục đích thứ nhất là thể lực, thứ hai là rèn luyện tinh thần, thứ ba thì một điều quan trọng là nếu ở đây mình có một sân chơi tạo ra môi trường văn hóa Việt Nam.”

Thế còn những bạn trẻ thì sao? Cả hai bạn Corey Tú Nguyễn và Debbie Thảo đều chọn học Takewondo từ khi còn bé, và sau đó được gia đình khuyến khích học môn Vovinam, bởi vì theo Corey, “Đó là môn võ cổ truyền VN và qua đó em có thể làm quen và học hỏi từ những người thầy và bạn tốt”

Còn Debbie thì, “thầy Tâm và các huấn viện viên khác rất hiền và tận tâm trong việc luyện tập cho các em và xây dựng mối quan hệ tốt đẹp trong cộng đồng và xã hội qua việc làm thiện nguyện, bồi đắp tình bạn, học hỏi lẫn nhau”

Nói về vấn đề tập luyện, vì đa số các HLV đều là những người có công việc chuyên môn nên khá bận rộn, do đó khó luyện tập thường xuyên ở nhà, theo như anh Phú cho biết, “Tôi thì cũng có tập, nhưng mà thứ nhất lớn tuổi, thứ hai có gia đình nên công việc nhà cũng nhiều, một tuần giỏi lắm hai ba lần, mỗi lần từ một đến nữa tiếng. Nói chung tập ở nhà không bằng tập ở centre, có nhiều người tập chung, và những gì mình không hiểu thì có người hướng dẫn.”

Một điều rất hiển nhiên là luyện tập võ thuật sẽ mang lại lợi ích về thể lực và trí lực, tuy nhiên chúng ta hãy lắng nghe những chia sẻ rất thật của các huấn luyện viên để hiểu rõ hơn việc học võ tại võ đường.

Theo thầy Tâm thì mục tiêu của võ đường nhằm nhắm vào thế hệ sau, vận động tránh chơi game, học thêm văn hóa và tiếng Việt.

Theo anh Eddy Quang Đoàn thì, “Ngoài sức khỏe thì còn giúp trí óc linh hoạt hơn. Khi em tập chiến lược và bài quyền đầu óc sẽ linh hoạt hơn.”

Anh Phú cũng đồng ý với anh Quang, “Mình vô đây làm cho trí óc linh hoạt hơn vì nó phải hoạt động thành thử nó khỏe hơn.”

Đối với anh Dương thì ngoài việc tốt cho mental health thì còn, “học thêm tiếng Việt và phong tục Việt Nam”

Với anh Dũng, Vovinam giúp ích nhiều cho anh trong công việc giảng dạy ở đại học, “Tập Vovinam mang lại cho mình calm down và confident. Khi chúng ta tập võ thì phải follow up discipline…”

Vovinam lại giúp Corey “cải thiện được kỹ năng ứng xử trong giao tiếp xã hội. Trước đây em vốn nhút nhát, nhưng mọi người ở võ đường rất thân thiện và tử tế đã khiến em ngày càng involved và tự tin.”

Debbie thì chia sẻ, “có nhiều thứ để em học hỏi và thực hành không chỉ để rèn luyện thân thể mà còn rèn luyện tính kỷ luật. Ngoài ra còn giữ được sự cân bằng giữa đời sống cá nhân và công việc (Work life balance)”

Như chúng ta vừa theo dõi, Vovinam Việt Võ Đạo không chỉ mang lại lợi ích cho cá nhân mà nó còn mang lại lợi ích cho xã hội và là niềm tự hào cho dân Việt chúng ta. Thật đáng quý biết bao cho những anh chị em huấn luyện viên và các võ sinh ở võ đường Vovinam QLd đã chung tay góp sức, tự xoay sở tài chánh và tự tay xây dựng nên một võ đường khang trang trong khuôn viên chùa Phật Đà.

Chúng ta hãy nghe những lời tâm tình sau đây của võ sư Tâm Lê về vấn đề tài chánh của võ đường “Tất cả tụi em ở đây đều làm thiện nguyện hết, không ai có lương bổng, có khi còn bỏ tiền túi ra để tổ chức.”

Thiết nghĩ đây là một sinh hoạt hết sức hữu ích, giúp các thế hệ trẻ tuổi có cơ hội rèn luyện thân thể thêm cường tráng, khỏe mạnh và tinh thần thêm tự tin, đặc biệt hấp thụ tinh hoa của văn hóa Việt Nam.

Chúng ta hãy cùng nhau góp tay để giúp cho võ đường Vovinam nói riêng và phong trào Vovinam nói chung ngày càng phát triển rộng rãi hơn bằng cách cho con em, hoặc ngay cả đích thân, tham gia vào các lớp học.

Quý thính giả ở Brisbane có thể liên lạc với các võ sư Vui Lê số (0430-160-098) hay võ sư Tâm Lê (0428-775-001) hoặc đích thân đến võ đường ở số 36 Deodar St, Inala 4077 để tìm hiểu thêm.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung.


Share