Đức kêu gọi ra luật chống dùng Facebook phỉ báng người khác

Anas Modamani outside court in Germany

Anas Modamani outside court in Germany Source: AAP

Một vụ kiện diễn ra tại một tòa án ở Đức đã đặt ra vấn đề về việc sử dụng các trang mạng xã hội nhằm chống lại việc lan truyền các thông tin phỉ báng và nội dung gây tổn hại đến thanh danh của người khác.


Tháng 9 năm 2015, một người tị nạn Syria là Anas Modamani đã chia sẻ một tấm hình anh chụp chung với Thủ tướng Đức Angela Merkel tại một trung tâm tầm trú dành cho người tị nạn ở Berlin.

Tấm ảnh này sau đó đã được chia sẻ trên Facebook bằng rất nhiều tài khoản ẩn danh. Trong đó, nhiều bài viết so sánh hình ảnh anh Anas Modamani, người chụp selfie cùng thủ tướng Đức, giống với kẻ khủng bố Najim Laachraoui, từng đánh bom phi trường Brussels. Một số người bình luận "giống đến kinh ngạc", một số khác khẳng định luôn là bà Merkel đã "chụp ảnh với kẻ đánh bom giả làm người nhập cư".

Thậm chí nhóm hacker Anonymous còn chia sẻ hình ảnh này trên Facebook, thu hút đến hai triệu người xem. Tuy nhiên, Anas Modamani, nhân vật chính trong bức ảnh đã bác bỏ lời đồn ác ý. Anh không ngờ câu chuyện gây ra nhiều phiền toái đến thế.

Tưởng phải nói thêm Modamani, 19 tuổi, rời khỏi Damascus, Syria và đến Đức hồi tháng 9 năm ngoái. Anh đang sống với một gia đình người Đức ở Berlin, ngày ngày vẫn đến trường. Modamani hy vọng sẽ đưa được gia đình mình ở Syria tới Đức trong tương lai.

Anh Modamani đã kiện trang mạng xã hội FB sau khi công ty này không thể loại bỏ các bài viết và hình ảnh của anh bị sử dụng sai lạc.

Thế nhưng vụ kiện của anh đã bị tòa án Đức bác bỏ.

Trong một phán quyết sơ bộ, tòa án quận Wuerzburg chỉ ra rằng Facebook "không phải là thủ phạm, cũng không phải là người tham gia", mà cho rằng “những lời phỉ báng" được đưa ra bởi người dùng Facebook.

Công ty cung cấp mạng xã hội Facebook cho rằng họ hoạt động như một nhà cung cấp dịch vụ, và theo luật Châu Âu, FB không chịu trách nhiệm ngăn chặn các nội dung có tính công kích hay phỉ báng.

Anh Modamani đang mong mỏi một lệnh cấm tạm thời để yêu cầu Facebook chủ động xác định và loại bỏ các bài viết phỉ báng, thay vì chờ đợi người dùng FB báo cáo về chúng - như cách mà trang mạng xã hội này đang sử dụng.

Phát ngôn nhân của tòa án, Tobias Knahn giải thích quyết định của tòa án về việc những tấm ảnh của Modamani bị sao chép liên tục với mục đích xấu trên mạng.

"Tòa án chỉ có thể đưa ra lệnh cấm tạm thời với FB. Lý do là vì Facebook không phải là người cung cấp những tấm hình này, những tấm ảnh được đăng lên FB bởi một bên thứ ba, giấu mặt. Facebook không thể tuyên bố quyền sở hữu với nội dung này và không thể thay đổi nó".

Luật sư của anh Modamani, Chan-jo Jun, cho biết thân chủ của ông thất vọng với phán quyết này.

"Bức ảnh này tồn tại trên mạng trong suốt 10 tuần, và đến bây giờ vẫn còn ở đó".

Chan-jo Jun tin rằng Facebook không có sự can thiệp đúng mức bởi vì hình ảnh đã được chia sẻ rộng rãi giữa những người dùng FB với nhau.

"Chúng tôi phát hiện ra rằng FB không hề tự nguyện đưa những nội dung ăn khách ra khỏi trang mạng của họ. Do đó tấm ảnh này bị phát tán rất nhanh.Facebook đã giải thích với chúng tôi ba bốn tuần trước rằng họ không muốn xóa nội dung này.

Điều duy nhất họ làm là sẵn sàng chặn một số trang Facebook ở Đức. Họ không muốn xóa nội dung được ưa thích trên mạng. Cách duy nhất để thay đổi cách làm việc của Facebook là phải có một số hình thức trừng phạt thích đáng".

Anas Modamani có thời hạn một tháng sau khi bản án được ban hành để kháng cáo quyết định của tòa án.

Trong một tuyên bố, Facebook đã bày tỏ sự quan ngại của họ về tình hình của thiếu niên Modamani, nhưng cho rằng họ đã hành động một cách nhanh chóng khi ngăn chặn việc truy cập vào các bài viết có nội dung phỉ báng, sau khi gặp gỡ luật sư của anh Modamani.

Jacob Silverman là tác giả của nhiều bài viết về tác động của kỹ thuật số và phương tiện truyền thông xã hội đối với cuộc sống của người dân.

Ông nói với đài Al Jazeera rằng các công ty như Facebook phải làm nhiều hơn để chống lại sự lan truyền những nội dung không phủ hợp.

"Chúng tôi biết các công ty công nghệ lớn, đặc biệt là Facebook không đưa đủ nguồn lực vào tiến trình kiểm duyệt nội dung.

Việc này thường được thực hiện bởi một phần mềm tự động và các công nhân có mức lương thấp không có trình độ tay nghề cao, những người chủ yếu làm việc ở các nước đang phát triển.

Vì vậy, tôi nghĩ rằng bài học ở đây là Facebook và các công ty khác cần phải đầu tư nhiều nguồn lực hơn vào việc hạn chế những loại nội dung không phù hợp xuất hiện trên mạng, và đáp ứng với những tình huống khẩn cấp".


Share