Thế hệ Thứ Hai (Bài 40): Hoàng Khanh và những đóng góp trong lĩnh vực luật di trú Úc

site_197_Vietnamese_480469.JPG

Đến Úc cùng gia đình khi mới 9 tuổi, không biết tiếng Anh, hiện Hoàng Khanh là giảng viên Chương trình Luật Di dân tại Đại học Quốc gia ANU, anh cũng từng làm việc cho Cao Ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền, Tòa án Tài phán Tị nạn và Ủy ban Cải cách Luật của Úc.


Hoàng Khanh hiện là giảng viên Chương trình Luật Di dân tại Đại học Quốc gia Úc ANU, cũng là nơi anh làm nghiên cứu trong các lĩnh vực về luật di trú và người tị nạn. Hoàng Khanh đã trải qua một khoảng thời gian làm việc cho Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Nhân quyền và là chuyên gia pháp lý cho Tòa án Tài phán Tị nạn (The Migration and Refugee Review Tribunals).

Hoàng Khanh cũng từng làm việc tại Ủy ban Cải cách Luật của Úc (The Australian Law Reform Commission). Năm 2012, anh phụ trách các lĩnh vực về vấn đề di trú trong Phúc trình Luật Liên bang và Bạo lực Gia đình của Ủy ban Cải cách Luật. Bản phúc trình đã đề nghị một số cải cách về luật di trú của Úc để hỗ trợ tốt hơn cho các nạn nhân của vấn nạn bạo lực gia đình.

Kim Anh: “Anh Khanh đến Úc khi nào?”

Hoàng Khanh: “Tôi đến Úc cùng ba mẹ vào năm 1992. Chúng tôi được dì bảo lãnh sang Úc. Dì tôi đến Úc theo diện học bổng Colombo vào những năm 70.”

Kim Anh: “Anh Khanh sống ở đâu khi mới đến Úc?”

Hoàng Khanh: “Tôi sống ở Canberra vì đó là nơi dì tôi làm việc, các cậu và ông bà tôi cũng sống ở đây. Tôi trải qua phần lớn thời thơ ấu ở đây. Sau khi tốt nghiệp đại học, tôi chuyển đến Sydney. Tôi ở Sydney khoảng 7 năm rồi.”

Kim Anh: "Anh Khanh hiện sống ở Sydney nhưng dạy học ở Canberra?"

Hoàng Khanh: “Đúng vậy. Do hầu hết khóa học ở Đại học ANU theo chương trình dạy học trực tuyến nên tôi có thể làm việc qua mạng, tôi không cần phải có mặt nhiều ở trường.”

“Học kỳ tới tôi cũng sẽ giảng dạy tại trường Đại học New South Wales.”

“Tin tốt lành là hiện nay một số khóa học đã được chuyển dần từ dạy trực tiếp tại trường sang dạy trực tuyến qua mạng, điều này giúp cho giảng viên cũng như sinh viên có nhiều sự lựa chọn và linh động hơn.”

Kim Anh: “Anh Khanh vẫn còn nhớ những ký ức tuổi thơ trước khi anh sang Úc không?”

Hoàng Khanh: “Có chứ. Tôi vẫn còn nhớ nhiều điều trước khi đến Úc. Tôi đến Úc khi tôi 9 tuổi, không phải lớn lắm để nhớ được nhiều chuyện, nhưng không phải là nhỏ quá để không nhớ được gì hết.”

“Gia đình tôi di chuyển rất nhiều khi còn sống ở Việt Nam. Tôi sinh ra ở Hội An và ở đó phần lớn những năm đầu đời. Sau đó gia đình tôi chuyển ra Hà Nội, rồi ở Vĩnh Long một thời gian và chúng tôi cũng sống ở TP.HCM khoảng 6 tháng trước khi sang Úc.”

“Tôi nhớ khá nhiều thứ về Việt Nam, thời tiết, đường sá, những thứ nhỏ nhỏ như thế. Và tôi nhớ nhất là Hội An vì tôi trải qua phần lớn thời thơ ấu của mình ở đó, và Vĩnh Long nữa.”

Kim Anh: “Thế anh Khanh có trở về Việt Nam lần nào không?”

Hoàng Khanh: “Tôi có về Việt Nam khoảng 6 lần trong vòng 20 năm qua.”

“Tôi cũng dành thời gian để đi du lịch các nước khác nhưng về Việt Nam thì lúc nào cũng là điều tuyệt vời, đặc biệt là là trở về Hội An bởi nhiều thứ ở Hội An vẫn như cũ.”

“Ở TP.HCM hay những thành phố lớn khác của Việt Nam thì mọi thứ thay đổi nhanh chóng nhưng với không gian nhỏ hẹp như Hội An thì tôi cảm thấy mọi thứ gần như vẫn y nguyên như 20 năm trước đây. Và đó quả là cảm giác tuyệt vời khi trở về.”

Kim Anh: “Anh Khanh đã trải qua thời thơ ấu ở Úc như thế nào? Điều gì ở Úc khiến anh vẫn còn nhớ mãi khi vừa đặt chân đến nước Úc?”

Hoàng Khanh: “Tôi nhớ rất nhiều thứ. Tôi nhớ ngày đầu tiên đến Úc khi máy bay vừa hạ cánh. Tôi đến Úc vào tháng Bảy, tôi nhớ hình như là ngày 20 tháng 7, và thời tiết ở Canberra lúc đó rất lạnh. Tôi chưa từng trải qua cái lạnh như thế. Bà của tôi đã đưa cho tôi một cái áo lạnh, áo lạnh của phụ nữ. Tôi cảm thấy lạnh đến nỗi mình có thể chết vì lạnh ấy.”

“Sau đó, mọi thứ diễn ra rất nhanh. Chúng tôi ở nhà dì tại Canberra một thời gian. Và tôi được dẫn đến siêu thị. Có rất nhiều thứ mà tôi chưa từng thấy trước đây. Và cũng là lần đầu tiên tôi ngồi xe hơi vì thời gian đó ở Việt Nam hầu như chẳng có xe hơi.”

“Tôi đã trải nghiệm rất nhiều thứ lần đầu tiên trong 6 năm đầu ở Úc. Tôi cũng đến trường đặc biệt dạy tiếng Anh cho những trẻ em di dân giống như tôi.”

“Tôi học ở đó 6 ngày mỗi tuần cho đến khi vào học bình thường.”
“Một trong những trường hợp mà tôi đã từng giải quyết là một gia đình người Việt ở Sydney. Tôi đã phụ trách việc này khoảng 6 tháng và cuối cùng họ đã được cấp chiếu khán vào Úc. Họ đã từ Sydney đến Canberra để gặp tôi và nói cảm ơn. Đó quả thật là khoảnh khắc rất xúc động đối với tôi khi có thể giúp được một gia đình người Việt như thế.”
Kim Anh: “Khi anh đến Úc, tiếng Anh của anh không tốt lắm nhưng anh phải đến trường và học bằng tiếng Anh cùng bạn bè. Anh có lo lắng không?”
 
Hoàng Khanh: “Có và không. Trẻ con chơi với nhau có nhiều cách giao tiếp khác ngoài ngôn ngữ. Như tôi đã nói trước đó, đây là trường dạy tiếng Anh.”

“Trong vài tháng đầu tiên, chúng tôi hầu như không nói tiếng Anh với nhau, mỗi đứa nói một ngôn ngữ khác nhau. Và bằng cách nào đó, chúng tôi vẫn có thể giao tiếp được với nhau mà không cần tới ngôn ngữ.”

“Và khi tôi vào trường học bình thường, tiếng Anh của tôi vẫn chưa đủ nhưng tôi đã nhận được vài sự tiếp đón thân mật của các bạn học ở đây, tôi nhanh chóng kết bạn và điều đó giúp đỡ tôi rất nhiều trong việc cải thiện giao tiếp.”

“Khoảng thời gian 6 tháng học ở trường dạy tiếng Anh giúp tôi rất nhiều. Nếu cho tôi vào thẳng trường học bình thường thì chắc rằng tôi sẽ rất sợ và rất khó cho tôi trong việc tiếp xúc và giao tiếp với những đứa trẻ khác trong trường.”

Kim Anh: “Anh là người di dân và hiện anh đang làm việc trong lĩnh vực liên quan đến người tị nạn và di dân. Vậy thì có mối liên hệ nào giữa việc anh là người di dân với sự lựa chọn về nghề nghiệp của anh hiện nay?”

Hoàng Khanh: “Bản thân tôi là người di dân và lịch sử gia đình tôi cũng là người di dân. Dì của tôi đến Úc sau chiến tranh Việt Nam theo học bổng Colombo giữa hai chính phủ Úc và Việt Nam. Đầu tiên là dì tôi, và không lâu sau đó là ông bà tôi. Vài tháng sau, các cậu của tôi cũng đến Úc theo đường biển.”

“Trước khi gia đình tôi đến Úc vào năm 1992, cả gia đình bên mẹ của tôi đã đến Úc được một thời gian và ổn định cuộc sống mới.”

“Rõ ràng là có sự ảnh hưởng sâu sắc về bối cảnh gia đình đến quyết định làm việc trong lĩnh vực liên quan đến người tị nạn và di dân. Cộng đồng người Việt là một trong những cộng đồng có những ảnh hưởng rõ rệt đến văn hóa Úc.”

Kim Anh: “Trước khi dạy học ở ANU, anh đã từng làm việc tại Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị nạn và là nhân viên pháp lý tại Tòa án Tài phán Tị nạn. Anh có thể kể lại một vài câu chuyện khiến anh vẫn nhớ mãi cho đến bây giờ được không?”

Hoàng Khanh: “Có một câu chuyện mà tôi vẫn nhớ mãi cho đến bây giờ là khi tôi làm việc cho Cao ủy Liên Hiệp Quốc về Người Tị nạn tại Canberra, tôi làm việc thay mặt cho những người tị nạn bị Bộ Di trú hay Tòa án Tài phán Tị nạn từ chối. Tôi làm việc với bộ trưởng để thảo luận về những vấn đề liên quan đến việc liệu họ có thể xem xét lại về việc cấp chiếu khán cho những người tị nạn này hay không.”

“Một trong những trường hợp mà tôi đã từng giải quyết là một gia đình người Việt ở Sydney. Tôi đã phụ trách việc này khoảng 6 tháng và cuối cùng họ đã được cấp chiếu khán vào Úc. Họ đã từ Sydney đến Canberra để gặp tôi và nói cảm ơn. Đó quả thật là khoảnh khắc rất xúc động đối với tôi khi có thể giúp được một gia đình người Việt như thế.”

“Những câu chuyện như thế là nguồn động viên cho công việc của tôi. Trong lĩnh vực này, chúng tôi thường không nhận được nhiều kết quả thắng lợi như thế nên đây quả thật là dịp để ăn mừng.”

Kim Anh: “Vậy anh có làm với nhiều trường hợp người Việt hay không?”

Hoàng Khanh: “Bây giờ thì không trực tiếp bởi vì tôi dạy học là chủ yếu.”

“Nhưng tôi làm việc rất nhiều với Trung tâm Pháp Lý về Người Tị nạn. Công việc của tôi hiện liên quan nhiều đến việc gây ảnh hưởng đến chính sách của chính phủ về người tị nạn nhiều hơn là giải quyết các trường hợp cụ thể. Nhưng tôi luôn nghĩ đến các cộng đồng người tị nạn khi lên tiếng về các chính sách của chính phủ và người Việt Nam luôn tồn tại trong tâm trí của tôi.”

Kim Anh: “Anh Khanh sinh ra ở Việt Nam và lớn lên ở Úc, điều đó có nghĩa là anh có hai nguồn gốc. Anh có gặp khó khăn hay thách thức nào về hai nguồn gốc này của anh hay không?”

Hoàng Khanh: “Đây là câu hỏi hay vấn đề mà hầu hết người Việt thế hệ thứ Hai và bản thân tôi phải đối mặt. Tôi yêu nền văn hóa Úc cũng như văn hóa Việt và tôi cố gắng có thể dung nạp những điều tốt đẹp nhất từ cả hai nền văn hóa.”
 
“Văn hóa Việt đề cao những giá trị về học hành và gia đình, với tôi điều đó rất quan trọng.”

“Tôi đã từng có khoảng thời gian khó khăn hay mơ hồ giữa hai nền văn hóa, nhưng điều đó chỉ xảy ra trong thời gian tôi trưởng thành hay thời thanh thiếu niên khi cố gắng trả lời câu hỏi tôi là ai.”

“Đến bây giờ thì tôi cảm thấy mình may mắn vì có 2 nguồn gốc, và văn hóa Việt hay những giá trị trong nền văn hóa Việt vẫn chiếm phần lớn trong con người tôi.”

Share