Thế hệ thứ Hai (Bài 110): Jimmy Phạm - người anh lớn của hơn ngàn trẻ em đường phố Việt Nam

Jimmy Pham

Jimmy Phạm và các thành viên trong đại gia đình KOTO Source: KOTO

Điều gì đã khiến Jimmy Phạm có quyết định 'thay đổi cả cuộc đời' sau chuyến về Việt Nam lần đầu tiên vào cuối thập niên 90 và trụ vững suốt gần 20 năm qua cùng KOTO, trở thành người anh lớn thân thiết của cả hơn ngàn trẻ em đường phố?


Jimmy Phạm có bố là người Hàn Quốc, mẹ là người Việt Nam. Jimmy sinh ra ở Sài Gòn và rời Việt Nam đến Úc vào năm 1980. Anh học ở trường Hayton College ở Sydney và có bằng về quản lý du lịch vào năm 1993.

Anh quay về Việt Nam lần đầu tiên vào năm 1996 do công việc, điều hành tour du lịch.

Jimmy không bao giờ nghĩ rằng chuyến đi về Việt Nam năm 1996 lại trở thành một bước ngoặt trong cuộc đời anh.

"Ở Sài Gòn, tôi vô tình gặp bốn trẻ em lang thang bán dừa từ Mỹ Tho, các em cười với tôi rất vô tư, tôi dẫn các em đi ăn phở và nghe các em tâm sự. Trong suốt 2 tuần như thế, từ 4 em thành 10 em, 20 em, rồi 60 em. Tôi ngồi trên vỉa hè và lắng nghe câu chuyện của các em.

Từ nhỏ cho đến khi trưởng thành ở Úc, tôi chưa từng chứng kiến tận mắt những câu chuyện về sự nghèo khổ đến như thế.

Tôi thấy một bé gái mười mấy tuổi, mà tôi chưa từng thấy một nụ cười nào trên gương mặt em, bà mẹ cầm một cây gậy sắt rượt đánh em, trong khi em chạy vòng vòng và hứa rằng ngày mai em sẽ cố gắng bán được nhiều hơn để đạt được doanh thu mà mẹ mong muốn."

*Phim tài liệu ngắn về KOTO và Jimmy Phạm trong loạt chương trình "Changing Lives" do ABC TV Australia Network thực hiện



"Lúc ấy tôi có hai quyết định, một là giống như những người khác, về Úc đóng góp tiền cho chùa hay một số tổ chức từ thiện để giúp đỡ các em có hoàn cảnh như vậy, hai là đi theo chỉ dẫn của ông Mahatma Gandhi "You must be the change you want to see in the world" (Chính bạn phải là sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trong cuộc đời). Và tôi đã quyết định muốn trở thành sự thay đổi mà tôi muốn nhìn thấy trong cuộc sống này của tôi.

Bốn tháng sau, tôi trở về Việt Nam và xin được việc làm hướng dẫn viên du lịch. Tôi đọc hai cuốn sách về Việt Nam, trong đó có một cuốn sách gọi là "Bụi đời", và tôi chỉ có đúng 200 đô trong túi.

Trong thời gian làm việc, từ Campuchia đến Thái Lan, rồi Việt Nam, tôi gặp em trẻ nào khó khăn thì tự bỏ tiền túi của mình để nuôi các em.

Ba năm rưỡi sau, chính các em ở miền Bắc Việt Nam mà tôi đã bỏ tiền ra thuê nhà cho các em ở và cho các em đi học tiếng Anh, nói với tôi rằng: "Cách mà anh giúp đỡ chúng em là không hiệu quả lắm, anh cần phải giúp bọn em có một công việc".

Điều này cũng tương tự như nguyên lý thay vì cho em con cá ngày hôm nay, hãy cho em cần câu để em tự bắt cá và sống được cả đời.

KOTO sinh ra từ ý tưởng đó, không phải chỉ là trường dạy nghề mà còn là một mái ấm gia đình và các em là một thành viên thật sự trong gia đình này."
"KOTO buổi ban đầu gặp rất nhiều khó khăn. Có những khi hết tiền, tôi ngồi cùng các em gặm bánh mì mà không biết rằng mình sẽ đi đâu về đâu. Nhưng tôi luôn tin rằng một cánh cửa này đóng thì cánh cửa khác sẽ mở. Cho đến lúc này tôi vẫn tin vào điều ấy, bởi tôi tin tưởng vào những việc mình đang làm.

Tôi đến Việt Nam với ý định ban đầu là giúp đỡ một số đứa em thôi, mà đến bây giờ đã có hơn 1000 em nhận được sự giúp đỡ thông qua tổ chức KOTO.

Hết thử thách này đến thử thách khác. Mở ra một doanh nghiệp xã hội đầu tiên ở Việt Nam không hề dễ dàng chút nào, nhất là đối với một người như tôi không hiểu nhiều về văn hóa, ngôn ngữ Việt. Chưa kể là những khó khăn về mặt tài chính, lo lắng cho các em từ giấc ngủ, bữa ăn, thuê nhà cho đến thuê địa điểm kinh doanh để kiếm tiền.

Giống như một đại gia đình, tôi nuôi một đàn em, tôi đã hứa có trách nhiệm lo cho các em, tôi không thể nào đến lúc hết tiền thì nói với các em rằng các em ráng nhịn ăn vài tháng để anh đi xin thêm tiền. Khi nào anh có tiền thì mình lại tiếp tục nhé. Chắc chắn sẽ có những lúc tôi gặp khó khăn hay không đủ tiền nhưng các em mình luôn được đi trước."
Jimmy Pham
Jimmy Phạm (KOTO) Source: KOTO
"Ý định bỏ cuộc lúc nào cũng có, nhưng điều khiến tôi không bỏ cuộc là ít có người nào giống như tôi mỗi ngày thức dậy đến chỗ làm nhận sự chào đón nồng nhiệt với nụ cười của các em. Nụ cười ấy chứa đựng câu nói “cám ơn anh đã cho em tương lai”.

Nhiều người hỏi tôi là người Úc, hay người Việt hay người Hàn Quốc. Thật ra thì tôi không cần phải xác định tôi là ai hay thuộc tổ chức nào, tôi chỉ cần biết tôi chính là tôi và tôi tự hào rằng mình thuộc về tất cả những quốc gia ấy, và là một thành phần của thế giới.

Những hoạt động như bán chocolate, giúp đỡ những người ở Châu Phi, hay nhịn đói 48 tiếng để gây quỹ trong lúc tôi còn học ở trường đạo thuở nhỏ ở Úc; môi trường và nền giáo dục Úc với trọng tâm luôn hướng về xã hội, luôn phát triển bản thân mỗi con người đã phần nào góp phần giúp tôi làm được những việc như ngày hôm nay.

Mặc dù phần lớn thời gian hiện tôi sống ở Việt Nam nhưng mỗi năm tôi đều về Úc 3-4 lần. Tôi nhớ mẹ tôi nhất. Mẹ tôi hiện vẫn đang sống ở Úc. Mẹ tôi là một người phụ nữ tuyệt vời, nhờ mẹ mà tôi có thể hiểu được tại sao phụ nữ Việt Nam lại có sự hy sinh và tấm lòng bao la như vậy. Tôi đã học được những điều này từ mẹ mình.

Tôi tin rằng KOTO không chỉ là cần câu cho các em câu cá, mà còn là nơi dạy cho các em đạo đức, làm người thế nào để phục vụ cộng đồng, gia đình và ngành nghề của mình.”
*Sự kiện gây quỹ của KOTO diễn ra ở thành phố Melbourne, tiểu bang Victoria, Úc vào thứ Tư, ngày 20 tháng 9 năm 2017 bắt đầu từ 6 giờ 30 phút chiều tại The International of Brighton 81 Bay Street, Brighton, VIC 3186



 



 


Share