Thế hệ thứ Hai (Bài 183) Công dân toàn cầu Rachel Bùi

rachel bui

Rachel Bui Source: Supplied

Là một trong những nhà sáng lập và từng điều hành Diễn đàn Đối thoại Lãnh đạo trẻ Úc-Việt, sáng lập phòng thí nghiệm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Aires Lab, là đại sứ của tổ chức One Young World, tham gia Clinton Global Initiative University, Rachel Bùi mong muốn kết nối mọi người cùng tạo ra những thay đổi trong xã hội và đóng góp trở lại cho cộng đồng.


Diễn đàn Đối thoại Lãnh đạo Trẻ Úc-Việt (Australia-Vietnam Young Leadership Dialogue (AVYLD) được thành lập giữa năm 2016 theo sáng kiến của nhóm các bạn trẻ gốc Việt tại Úc.

Đây là diễn đàn phi lợi nhuận xuyên quốc gia được chính phủ Úc hỗ trợ thông qua Hội đồng Úc – ASEAN và các đối tác khác, tạo điều kiện cho các nhà lãnh đạo trẻ hai nước Úc và Việt Nam có cơ hội tìm hiểu và hợp tác để tăng
cường sự thịnh vượng về các mặt kinh tế, văn hóa và xã hội.

Diễn đàn đối thoại đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo trẻ hai nước diễn ra vào năm 2017 tại Sydney với sự tham gia của 20 nhà lãnh đạo trẻ đại diện cho Việt Nam và Úc trong các lĩnh vực nghệ thuật, tài chính, công nghệ, từ thiện, thương mại, khởi nghiệp, giáo dục và y tế để thảo luận, trao đổi và chia sẻ những ý tưởng sáng tạo, đổi mới nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa ở hai nước.

Diễn đàn AVYLD năm nay sẽ được tổ chức tại Việt Nam từ ngày 26/5 đến ngày 30/5 với sự tham dự của 22 nhà lãnh đạo trẻ của Úc và Việt Nam.

Là một trong những nhà sáng lập của Diễn đàn Đối thoại Trẻ Úc-Việt, đồng thời là giám đốc điều hành của diễn đàn năm 2016-2017, Rachel Bùi sinh ra ở Hong Kong và đến Úc khi cô 5 tuổi, Rachel Bùi hiện là một doanh nhân, nhà kinh tế học và nhà làm phim.

Sau khi tốt nghiệp bằng Cử nhân Danh dự chuyên ngành thương mại tại trường Đại học Monash, Rachel làm việc cho Bộ Ngân Khố và Tài chính tiểu bang Victoria, và sau đó là muru-D (Telstra) chuyên hỗ trợ những người khởi nghiệp ở Úc.

Rachel cũng là nhà sáng lập phòng thí nghiệm nghiên cứu trí tuệ nhân tạo Aires Lab và là đại sứ của tổ chức One Young World.

Rachel Bùi chia sẻ:

“Tôi sinh ra ở Hồng Kông, rồi di dân đến Úc và đã đi rất nhiều nước khác, tôi cảm thấy mình như một công dân toàn cầu, Việt Nam là một đất nước đang phát triển và có rất nhiều tiềm năng. Theo quan điểm của cá nhân tôi, tôi chỉ cố gắng làm tất cả những gì có thể, và bởi vì tôi là người Việt Nam, tôi muốn truyền đạt lại những gì mình đã được học hỏi ở Úc đến Việt Nam - đó là bước đầu tiên.”

"Tôi thường nói với mọi người là mình không thể lựa chọn nơi mình sinh ra. Tôi nghĩ rằng mình là người may mắn khi mẹ tôi đã quyết định gánh lấy những rủi ro, nguy hiểm để đến một nơi khác mà bà chưa từng đến đó bao giờ vì tương lai của bà và của cả tôi. Nhưng với nhiều người khác, họ không thể chọn lựa được nơi mình sinh ra. Vì thế, những gì mà tôi có thể làm được là khuyến khích mọi người cũng như thông qua những việc làm của mình để tạo nên sự thay đổi, cho dù đó là những thay đổi nhỏ, và tiếp tục mang đến những cơ hội cho những người không có tự do và cơ hội làm những gì mình mong muốn."

"Tôi rất hài lòng và biết ơn rằng mình đã được sinh ra và lớn lên trong một gia đình ở Úc, một đất nước có nhiều sự hỗ trợ cho giáo dục, y tế và nhiều vấn đề khác nữa. Tôi chưa từng nghĩ đến một đất nước nào khác có thể cho tôi được những cơ hội như vậy để đóng góp trở lại cho cộng đồng. Trên thế giới vẫn còn nhiều thách thức và tôi không thể một mình làm tất cả mọi việc. Đó là lý do dẫn đến sự ra đời của Diễn đàn Đối thoại Lãnh đạo Trẻ Úc-Việt, cũng như Aires Lab và những hoạt động khác liên quan - tất cả đều là để kết nối mọi người đóng góp trở lại cho toàn cầu.”



Mời nghe thêm chia sẻ của Rachel Bùi trong phần audio ở đầu bài viết.



Share