Hạt giống yêu thương (198) Nghệ sĩ James Nguyễn và nỗ lực hòa giải với người Thổ dân

Artist James Nguyen

Artist James Nguyen Source: Liverpool city council

Ngày 26/5 là ngày Toàn Quốc Xin lỗi - Sorry Day - là ngày người dân Úc bày tỏ sự hối tiếc vì đã ngược đãi người Thổ dân trong lịch sử. Và một nghệ sỹ gốc Việt cũng đã hòa cùng ngày này, cho ra đời một dự án nghệ thuật với mong muốn nâng cao nhận thức về lịch sử người Thổ dân, kêu gọi sự công nhận mảnh đất mà chúng ta đang sống ngày nay từng là nơi sinh sống của người Thổ dân.


James Nguyễn, một nghệ sỹ người Úc gốc Việt đang sinh sống tại Sydney, vừa cho ra mắt một dự án nói lên sự giao thoa giữa những chủ nhân đầu tiên của nước Úc, di dân và lịch sử nước Úc, tại Easthills Migrant Hostel, một nơi được dành cho người di dân tại Liverpool, Sydney.

Trong dự án, James Nguyen mong muốn nâng cao nhận thức về lịch sử người Thổ dân, kêu gọi sự công nhận mảnh đất mà chúng ta đang sống ngày nay từng là nơi sinh sống của người Thổ dân.



Lâu lắm không dám về nơi ấy 
Vùng đất nhuộm giòng máu tổ tiên
Có giòng suối ngọt thơm ngon
Có muôn đồng cỏ hoa vàng thương thương
Có ngôi nhà nhỏ xinh xinh
Có cha có mẹ họ hàng gần xa
Có muôn vàn ký ức tuổi thơ
Hái hoa, đuổi bướm bên đường
Nâng niu mái tóc cha già sớm hôm

Rồi một chiều hoàng hôn tím đỏ
Một đoàn lính rầm rầm bước tới
Người xua người ra khỏi nơi chốn ấy
Bước đi ngoảnh lại muôn vàn xót xa
Kìa ngôi nhà lá đơn sơ
Hằng đêm yên giấc trong tay mẹ hiền

Khi xa rồi bỗng thì nơi ấy
Từng dãy nhà vòm mọc lên như nấm
Ngạo nghễ cười đè nát chòi xưa
Cảnh đã lạ, cả người cũng lạ
Họ đem vào nhiều người mới lạ
nói không cùng một ngôn ngữ

Sau những lúc tàn chinh chiến
Lính đi rồi người còn ở lại
Xây phố thị trên mảnh đất thân thương
Sầm uất lắm
Đông đúc lắm nhưng toàn người xứ lạ


33 năm sau ngày bạn rời nơi ấy
Chúng tôi được vào mảnh đất yêu thương của bạn
Không cầm được nỗi xót xa vì nghĩ tới bạn
Xin muôn đời tri ân tổ tiên mảnh đất thanh bình này
Xin đa tạ

Bài thơ được mẹ của nghệ sỹ James Nguyễn sáng tác và đọc trong dự án nghệ thuật. Những thanh âm trầm đều gợi lại một miền ký ức xa xôi, tưởng đâu bà đang nhớ về quê hương cũ, thế nhưng đó lại là những lời tri ân đối với 'tổ tiên ngàn đời của mảnh đất thanh bình', là những chủ nhân đầu tiên của nước Úc.

James Nguyễn chia sẻ, khi còn nhỏ anh không có điều kiện tiếp xúc với người Thổ dân, và đa số người Việt cũng có sự kỳ thị đối với người Thổ dân, những định kiến như 'người Thổ dân lười, không cố gắng, không phát triển được cuộc đời'. Thế nhưng khi lớn lên có cơ hội gặp những người Thổ dân, anh tự so sánh họ cũng giống như di dân Việt, cũng là những người đã bị mất đất.
Từ đó, James Nguyễn bắt đầu lần mò lại lịch sử. Anh tìm ra Easthills Migrant Hostel, nơi gia đình anh lần đầu đặt chân tới Úc, trước đây là nơi sinh sống của người Thổ dân, và chỉ mới trước đó 33 năm. Nỗi xót xa đồng loại, sự thương cảm và có lẽ cũng có sự đồng cảm vì có chung lịch sử, James đã cho ra đời dự án nghệ thuật này.

Anh nói, người Việt chúng ta may mắn hơn vì chúng ta có một cuộc sống mới, một khởi đầu tại một vùng đất mới, nhưng người Thổ dân họ vẫn phải sống trên mảnh đất ngày xưa nhưng giờ đây không còn là của họ, phải chứng kiến sự mất mát mỗi ngày, điều đó dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội giồng như vết thương không bao giờ lành.

Trong dự án này chúng ta còn thấy hình ảnh một người đang bước đi rất khó khăn, chông chênh trên mái nhà, cố gắng sao cho không bị ngã. Theo lời nghệ sĩ James Nguyen giải thích, đó cũng chính là điều mà người Úc hiện nay đang phải đối mặt, nhìn có vẻ thanh bình nhưng mảnh đất mà chúng ta đang sống vẫn tồn tại nhiều bất ổn vì những vấn đề của người Thổ dân chưa được giải quyết.

Giai đoạn đầu của dự án đang được triển lãm tại Trung tâm Nghệ thuật Bankstown, và tại Phòng triển lãm Nghệ thuật quốc gia.

Mời bấm vào audio để nghe toàn bộ câu chuyện

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share