Hạt giống yêu thương (Bài 100) Khi giọng Bắc hay Nam không còn là khoảng cách

SBS

Vietnamese community in cultural festival Source: SBS

Câu chuyện "phân biệt, kỳ thị" những người Việt nói giọng Bắc tại Úc có lẽ là chủ đề không mới. Thế nhưng, tấm lòng bao dung và độ lượng của những người trong câu chuyện mà chúng tôi kể với quý vị sau đây, chắc hẳn sẽ mang đến một góc nhìn khác về định kiến này.


Câu chuyện về việc phân biệt giọng Bắc hay giọng Nam mà chúng ta bàn đêm nay trong chương trình Hạt giống yêu thương, bắt nguồn từ bức thư của một thính giả gửi về cho chương trình, tâm sự rằng chị qua Úc vài năm nay với chất giọng Hải Phòng đặc sệt. Ngày đầu đến Úc, đi đâu cũng nghe người ta nói sau lưng: “Ồ, Bắc Kỳ!”.

Ban đầu chị thấy ngồ ngộ, chà, sao qua đến Úc rồi mà vẫn còn chuyện kẻ Bắc người Nam. Ấy vậy mà, chỉ sau 3 năm, chính những người Việt đồng hương ngày nào xì xầm sau lưng chị về cái giọng Bắc Kỳ “nghe thấy ghét” lại trở thành những người hàng xóm tốt bụng, thật thà, sẵn sàng cưu mang chị khi ốm đau và trông chừng mấy đứa con nheo nhóc của chị mỗi khi mẹ làm hãng vắng nhà…

"Tôi ngỡ ngàng và thấy hụt hẫng"

Qúy thính giả hẳn đã từng nghe đến chuyện những người Việt thế hệ thứ Nhất, hay còn gọi là người Việt cũ, có thái độ kỳ thị hay có sự phân biệt với những người Việt nói giọng Bắc mới đến.

Đọc qua bức thư của chị Nga- một thính giả của SBS, Bích Ngọc quyết định tìm hiểu về đề tài này trong tiết mục Hạt giống yêu thương, bắt đầu từ bằng việc hỏi chuyện những người trẻ mới đến Úc định cư và học tập, để xem họ có những kinh nghiệm giống như vậy không.

Chị Hương Đặng, sống tại Melbourne cho biết: “Trước khi sang Melbourne, tôi không hình dung được sự phân biệt về Bắc Nam trong cộng đồng người Việt với nhau. Có một lần tình cờ tôi đi chơi cùng bạn bè ở Richmond, thì có một bác người Việt nhìn tôi với ánh mắt tức giận. Đó là lần đầu tiên tôi cảm thấy sốc như vậy”.

Chị Hương cảm thấy bất ngờ khi nhận ánh mắt khác lạ của người đồng hương trên đường phố Richmond. Anh Trung Lưu đến Úc với tâm trạng vô cùng háo hức với suy nghĩ “người Việt ở đây nhiều, mình sẽ được đón nhận và yêu mến”.

“Khi tôi mới qua, cảm thấy bỡ ngỡ, lúc đó tôi sống ở vùng Springvale. Khi thấy người Việt ở đây nhìn tôi hơi khác lạ, tôi thấy buồn lắm.

Một số bạn trẻ qua Úc nói giọng Bắc chia sẻ, họ cảm thấy khó tìm việc ở các nhà hàng, cửa tiệm có chủ là người Việt. Anh Thanh Nguyễn cho SBS biết:

“Thời gian đầu, cách đây 10 năm, tôi có nghe nói chuyện người Việt mới qua nói giọng Bắc khó xin việc. Nếu cả hai người nói giọng Bắc và Nam vào một của hàng người Việt xin việc thì họ hay nhận người Nam. Điều này tùy nơi và tùy người, một số nơi khách hàng của họ chủ yếu là người nói giọng Nam nên họ cần nhân viên nói giọng Nam…”
SBS
Chợ Bến Thành tại Richmond, nơi có đông người Việt sinh sống Source: SBS
Bắc cầu, lấp hố, xích lại gần nhau

Nghe qua 3 câu chuyện vừa rồi, hẳn quý vị có chút lo lắng, cảm thông cho những người Việt trẻ sau này, gặp phải những chuyện buồn khi bị đẩy ra khỏi cộng đồng của mình. Nhưng câu chuyện vẫn chưa đến hồi kết…

Sau khi gặp phải cái nhìn phân biệt đó, các bạn trẻ đã nhanh chóng tìm hiểu nguyên nhân của những hố sâu ngăn cách tình đồng hương.
“Sau đó tôi tìm hiểu và biết rằng do những khác biệt trong lịch sử và chiến tranh, nhiều người đã trải qua những điều mà tôi chưa từng hiểu trong quá khứ. Do đó có thể họ chưa vượt qua được cảm xúc, nên gặp những người từ Việt Nam qua đây học, thì vô tình trút giận lên chúng tôi”, chị Hương chia sẻ.
“Một số người có thể nghĩ rằng bạn nói tiếng Bắc tức là từ Bắc vào, tức là Cộng sản. Nhưng đó chỉ là thiểu số thôi. Khi đi làm tôi gặp rất nhiều người Việt ở tất cả các vùng, họ ban đầu có ái ngại khi nghe giọng Bắc nhưng khi hiểu và quen thân rồi, thì giọng nói không phải là vấn đề, anh Thanh Nguyễn cho biết.

Anh Trung lưu đã trải qua một quá trình tìm hiểu và gắn kết với những người đồng hương của mình

“Người Việt ở đây là người tị nạn. Tôi tìm hiểu cách đối xử, trò chuyện và sau khi đối thoại với họ được rồi thì họ nhìn tôi với con mắt khác trước đây”.

Việc rút ngắn khoảng cách cũng như lấp đầy chiếc hố ngăn cách và thu dần sự khác biệt đã mang lại sự kết nối, gần gũi thật bất ngờ.
“Bà con mình ở bên Úc đã từng trải qua thời gian khổ, vượt biên rồi đi làm vất vả, họ hiểu được cuộc sống. Cho nên nhiều cô bác rất thương mến, thông cảm cho các em du học sinh. Nhiều em làm ở công ty của tôi đứng ngoài mưa gió, các cô bác người Việt lại hỏi thăm trìu mến, người cho ổ bánh mì, người dặn dò giữ ấm…”
Để tìm hiểu nguyên nhân sâu xa hơn đằng sau sự e ngại, giữ khoảng cách của những người Việt thế hệ thứ Nhất, chúng tôi có cuộc trò chuyện với nhà giáo Thái Đắc Nhương, người soạn thảo bộ sách "Em học tiếng Việt" và đang dạy tiếng Việt tại Victoria.
SBS
Source: SBS
Ông cho rằng việc học tiếng Việt với thầy cô nói giọng Bắc và giọng Nam mang lại nhiều ích lợi cho các cháu thế hệ người Việt thứ Hai, thứ Ba tại Úc.

“Nhiều người phân biệt giọng bắc trước và sau 75. Lý do phân biệt là vì từ ngữ bị thay đổi. Trong khi miền Nam trước đây dùng tiếng Nôm giản dị, nhưng bây giờ dùng nhiều từ Hán Việt khiến người nghe thấy khó hiểu”.
"Giọng Nam và Bắc đóng vai trò rất quan trọng việc gìn giữ tiếng Việt tại hải ngoại vì nó hỗ trợ cho nhau về mặt dạy ngôn ngữ cách phát âm và chánh tả như từ có dấu hỏi ngã, từ có chữ v của giong người Nam và từ có chữ S của người có giọng Bắc và các từ có phụ âm t và c, có g hay không g phía sau của giọng người miền Nam”. Nhà giáo Thái Đắc Nhương
“Giọng Nam hay Bắc đều đóng vai trò quan trọng trong việc gìn giữ tiếng Việt hải ngoại, dù khách hàng nói giọng nào thì các em người Việt cũng sẽ hiểu. Giáo viên của trường tôi có cả người Bắc người Nam.”

“Tùy theo quan điểm chính trị của họ, hầu hết người Việt sống rất hài hòa với nhau. Nhiều tiệm tạp hóa hay quán ăn của người Bắc sau này đến đây lập nghiệp, cộng đồng người Việt đến ủng hộ đông lắm”.

Hướng tới một cộng đồng gắn kết

Úc là một đất nước mang đến cảm nhận chân thực nhất ý nghĩa của từ “đa văn hóa”- multiculturalism và “hòa hợp văn hóa” – harmony. Nét đa dạng văn hóa, tôn trọng sự khác biệt không chỉ thể hiện trong cuộc sống hàng ngày mà còn thấy rõ trong mọi mặt đời sống xã hội nước Úc.

Chúng ta thể hiện bản sắc văn hóa của dân tộc mình mà không cảm thấy lạc lõng, chúng ta yêu mến và trân trọng sự khác biệt của mọi người. Đó là thông điêp của tiến sĩ Hà Cao Thắng- chủ tịch cộng đồng người Việt tại NSW khi nghĩ về sợi dây gắn kết giữa người Việt cũ và mới, giữa thế hệ thứ Nhất và những người Việt mới đến sau này.
SBS
Một góc khu Footscray Source: SBS
“Hồi xưa thì còn có sự phân biệt Bắc Kỳ- Nam Kỳ, nhưng sau này chúng ta đều trưởng thành và hiểu rằng giọng nói không còn quan trọng, nhiều người Việt mới đến đây và chúng ta đều sống bình đẳng và hòa đồng hơn.”

“Chúng tôi không khuyến khích sự phân biệt chỉ vì giọng nói hay nguồn gốc của họ.”

Cộng đồng người Việt dù ở nơi đâu cũng thể hiện tấm lòng từ ái, thân thiện và hài hòa. Hạt giống yêu thương xin được kết thúc ở đây với ước mong của nhiều người về một cộng đồng Việt gắn kết, bao dung và hòa hợp…

“Nếu tìm được điểm chung và gạt bỏ quan điểm chúng ta sẽ gần nhau hơn”…

“Bên nước ngọt, bên nước mặn cùng hòa với nhau, mỗi người học ở nhau một chút, cộng đồng mình sẽ lớn mạnh, đoàn kết hơn”…

“Hãy bày tỏ cảm xúc bên trong một cách chân thành, thiện cảm thì sẽ không còn ngăn cách, khác biệt nữa”…

“Khi chúng tôi làm việc cùng nhau, chúng tôi hướng đến kết quả cuối cùng, khó khăn chỉ là bước đầu khi tìm hiểu nhau mà thôi…”

“Dù có chối bỏ thế nào, chúng ta đều là người Việt như nhau”…

Share