Hướng dẫn định cư: Sử dụng dịch vụ My Aged Care như thế nào?

Elderly Couple

Elderly Couple Source: Getty Images

Thực trạng già hóa Úc đang kéo theo nhu cầu ngày càng tăng về chất lượng các dịch vụ chăm sóc người cao niên. Tuy nhiên vẫn còn rất nhiều người chưa biết hoặc không biết cách tiếp cận những dịch vụ này.


Lĩnh vực chăm sóc người cao niên ở Úc đang chịu áp lực rất lớn nhằm đáp ứng nhu cầu đang ngày một gia tăng.

Theo một phúc trình mới nhất của Tổ chức Intergenerational, dân số Úc dự kiến sẽ đạt gần 40 triệu người đến năm 2055, với gần ¼ số đó ở độ tuổi trên 65.

Các dịch vụ chăm sóc người cao niên cũng đã thay đổi đáng kể trong 15 năm qua.

Một trong những thay đổi lớn nhất là sự ra đời của tổ chức My Aged Care, một trung tâm trực tuyến do Chính phủ sáng lập vào tháng Bảy năm 2015, tại đó người cao niên có thể yêu cầu dịch vụ chăm sóc được thiết kế theo nhu cầu riêng.

Nhân viên đại diện Hội đồng các cộng đồng sắc tộc của tiểu bang NSW, bà Terrie Leoleos, đã giải thích

“Nếu quý vị trên 65 tuổi và cần sự giúp đỡ thì điều đầu tiên là quý vị cần một dịch vụ chăm sóc tại nhà. Nếu quý vị có thẻ Medicare, thì quý vị có thể đủ điều kiện để nộp đơn đăng ký dịch vụ. Nhưng cách tốt nhất là quý vị nên gọi đến trung tâm My Aged Care, nói qua với họ về nhu cầu của quý vị là gì, và những người ở đây sẽ hỗ trợ quý vị, cũng như giúp quý vị những chuyện cần thiết để quyết định xem quý vị có đủ điều kiện đăng ký sử dụng dịch vụ hay không. Nhiều người cứ nghĩ rằng mình không đủ điều kiện, nhưng khi gọi đến My Aged Care thì họ đã rất ngạc nhiên khi phát hiện ra những dịch vụ họ thể tiếp cận tại Úc.”

Trung tâm My Aged Care cung cấp một loạt các dịch vụ từ những việc lặt vặt như cắt cỏ, đi mua sắm, hoặc lau chùi dọn dẹp, cho tới những yêu cầu phức tạp hơn như hỗ trợ tìm chỗ ở.

Các phương thức thanh toán cũng đa dạng và được thiết kế theo nhu cầu cá nhân.

Bà Terrie Leoleos cho biết có cả hỗ trợ cho những người khó khăn về mặt tài chính.

“Có phương thức trả trước một lần, hoặc có thể trả mỗi tháng hoặc mỗi lần thăm viếng, nhưng trung tâm cũng có những phương thức dành cho những người gặp khó khăn về mặt tài chính. Nếu quý vị gặp khó khăn trong việc thanh toán, thì quý vị nên thông báo tình trạng đó cho trung tâm. Không một ai sinh sống tại Úc cần dịch vụ tại My Aged Care mà lại không được hỗ trợ, tuy nhiên phải nhớ thông báo tình trạng của quý vị để họ có thể hỗ trợ quý vị một cách tốt nhất.”

Phúc trình về ‘Viễn cảnh năm 2020 cho người cao niên có nguồn gốc đa văn hóa và đa ngôn ngữ’ của  Hội đồng các cộng đồng sắc tộc ở Úc (FECCA) cho thấy các cộng đồng người di dân đang bị già hóa với tốc độ nhanh hơn các cộng đồng khác nói chung. Nha Thống kê Úc cho hay, trong vài năm tới, 30% dân số Úc từ 65 tuổi trở lên sẽ nằm trong nhóm cộng đồng có nguồn gốc đa văn hóa và đa ngôn ngữ (CALD).

Chủ tịch Y tế cho người cao niên thuộc tổ chức FECCA, bà Mary Patetsos cho biết, tổ chức đang kêu gọi ủng hộ nhu cầu của cộng đồng người di dân.

“Điều mà chúng tôi thực sự muốn nói ở đây là người Úc nằm trong nhóm cộng đồng có nguồn gốc đa văn hóa và đa ngôn ngữ cần phải biết rằng hiện đang có những dịch vụ dành cho họ và họ có thể trò chuyện về nhu cầu của họ bằng tiếng mẹ đẻ. Họ cần được nói chuyện với người ở trung tâm để biết về các dịch vụ như vậy và họ có thể lựa chọn các dịch vụ.”

Các thông tin tại trung tâm My Aged Care được đăng tải bằng nhiều ngôn ngữ.

Tuy nhiên, những người ủng hộ và các chuyên gia trong lĩnh vực này thì cho rằng để tiếp cận thông tin và dịch vụ vẫn còn nhiều phức tạp.

Nhân viên tư vấn cộng đồng và cũng là cựu nhân viên của My Aged Care, bà Rafaela Lopez nói, khả năng truy cập máy tính là một trở ngại đối với nhiều người.

“Những người trên 70 tuổi và chưa từng biết đến công nghệ sẽ rất khó tiếp cận thông tin, vì họ không thành thạo vi tính, họ vẫn gặp khá nhiều rắc rối trong việc sử dụng dịch vụ.”

Thực tế thì vẫn có hỗ trợ giúp người dân truy cập vào hệ thống.

“Sự hỗ trợ để truy cập vào những thông tin rất quan trọng. Bất cứ khi nào quý vị lo ngại về khả năng nói tiếng Anh, thì hãy liên hệ với Trung tâm Tài nguyên dành cho Di dân (Migrant Resource Centre), liên lạc với Hội đồng Cộng đồng sắc tộc địa phương, hoặc nhân viên đa văn hóa hoặc một nhân viên nói được ngôn ngữ của quý vị. Cho họ biết rằng quý vị có nhu cầu cần sử dụng dịch vụ chăm sóc nhưng không biết bắt đầu từ đâu, những nhân viên này sẽ giúp quý vị truy cập vào My Aged Care và nhận được sự hỗ trợ tốt nhất có thể.”

Trường hợp cụ bà Resti Sanz, 81 tuổi, đến từ Tây Ban Nha, sống một mình ở Melbourne.

Gần đây bà phải phẫu thuật đầu gối và bà đã sắp xếp dịch vụ chăm sóc người cao niên trước khi nằm viện.

Bà không sử dụng máy tính, nên bà đã gọi đến trung tâm cộng đồng địa phương, nhưng cũng không dễ dàng chút nào. Bà cho biết

“Tôi đã phải gọi rất nhiều cuộc điện thoại. Số điện thoại họ cho tôi là số ở Queensland, từ Queensland tôi nghĩ họ chuyển cuộc gọi qua Canberra, nói chung là tôi đã phải gọi rất nhiều lần để gặp được người cần tìm.”

Sau cuộc phẫu thuật, bà Resti giờ có thể sử dụng những dịch vụ mới tại nhà, giúp bà có thể đi tắm và vệ sinh, mà bà chỉ phải trả một khoản phí nhỏ.

Bà đã biết cách dễ dàng hơn để tiếp cận hệ thống dịch vụ và bà đang sử dụng gói dịch vụ người chăm sóc đến chăm sóc 2 tuần/lần giúp bà dọn dẹp với chi phí $15/tháng.

Vài ngày trước, bà đã yêu cầu có người dẫn bà đi  mua sắm, vì con gái bà không thường xuyên có mặt.

Người giám định đã đến thăm bà, và thậm chí khi bà không nói được tiếng Anh, bà vẫn không gặp khó khăn để giải thích yêu cầu của mình.

“Họ hỏi tôi có lái xe được không, tôi trả lời là có, nhưng lúc đó tôi đã bị bệnh rồi nên tôi nói tôi cần có người đưa tôi đi mua sắm. Họ hỏi tôi trong bao lâu, tôi nói ít nhất 6 – 8 tuần, và sau đó thì tôi có thể tự lái xe được. Họ đã ghi lại những yêu cầu của tôi, và giờ thì tôi đang chờ họ trả lời có được hay không.”

Vẫn có một số khó khăn nhất định về văn hóa khiến nhiều người không sử dụng dịch vụ của My Aged Care.

Bà Rafaela Lopez cho biết ở nhiều cộng đồng, con cái được cho là phải chăm sóc bố mẹ già

“Sẽ rất dễ nếu chỉ bước ra khỏi cửa và qua giúp đỡ chăm sóc cha mẹ, nhưng ở đây, nhiều lúc con cái mua nhà ở rất xa, nên sẽ rất khó để con cái chăm sóc cha mẹ khi cần.”

Rafaela Lopez nhấn mạnh rằng người dân đều có quyền sử dụng các dịch vụ này.

“Người dân đã trả tiền, đã đóng góp cho nền kinh tế đất nước và đây là quyền lợi của họ, họ phải được sử dụng dịch vụ, những dịch vụ này là đề giúp cho cuộc sống của những cộng đồng thoải mái hơn và họ có thể ở nhà lâu hơn.”

Nhưng cũng giống như nhiều chương trình mới khác, My Aged Care đôi lúc cũng hoạt động không trôi chảy.

Bà Terrie Leoleos khuyến khích người dân lên tiếng về những khúc mắc và đưa ra những đóng góp.

“Điều này rất quan trọng. Chúng tôi hiểu rằng có nhiều nhóm cộng đồng đa văn hóa và đa sắc tộc nên có những tập quán văn hóa khác nhau, chẳng hạn họ cho rằng không nên than phiền vì điều đó không lịch sự, phải biết ơn với những gì có được dù nó không hoàn  hảo. Nhưng đối với Chính phủ Úc nói riêng và Commonwealth nói chung thì chúng tôi muốn nghe người dân phát biểu, mỗi khi người dân thông báo cho họ biết điều gì chưa tốt, thì nhiệm vụ và công việc của họ là phải sửa chữa nó.”

Bắt đầu từ tháng Một năm 2017, Trợ lý Bộ trưởng Y tế và Chăm sóc người cao niên, Ken Wyatt đã công bố cấp thêm kinh phí hơn 8.5 triệu đô la cho chương trình Dịch vụ Đa mục đích dành cho người cao niên tại các cộng đồng vùng hẻo lánh và nông thôn. Thông cáo nói rằng các dịch vụ chăm sóc người cao niên phải được dành cho tất cả các cộng đồng sắc tộc trên toàn quốc.

Để biết thêm thông tin chi tiết, quý vị vui lòng ghé xem trang mạng của My Aged Care

hoặc gọi đến số điện thoại 1800 200 422.

Để biết thông tin về các dịch vụ bằng các ngôn ngữ khác

-
 


Share