Di dân trên đường gian nan tìm việc

linkedin.com

linkedin.com Source: linkedin.com

Với những người trẻ tuổi đến từ những nguồn gốc văn hóa khác nhau, tìm được việc làm là một chuyện đầy thách thức, những khó khăn nào họ phải đối diện, và tìm kiếm hỗ trợ ở đâu?


Ước muốn được làm việc

Khi lên tới một mức tuổi nào đó, thì hầu hết những người trẻ tuổi đều nuôi ước muốn tự kiếm tiền.

Nhưng không phải tất cả mọi người đều có được cơ may làm điều đó.

Phúc trình năm 2015 của tổ chức từ thiện Brotherhood of St Laurence cho thấy mức thất nghiệp trên toàn quốc trong độ tuổi 15-24 hiện là 12.2 phần trăm.

Và đây đây hầu như là nhóm người đặc biệt lâm vào cảnh ngộ này.

Đến 25 phần trăm trên tổng số những người trẻ tuổi ở Úc thuộc nguồn gốc tỵ nạn hay di dân.

Phần lớn đều có tiềm năng trở thành những người làm việc tích cực trong thị trường lao động, nhưng thường phải đối mặt với những thách thức.

Nadine Liddy hiện là Điều hợp viên toàn quốc của Mạng lưới Bênh vực cho Giới trẻ Đa văn hoá ở Úc, Multicultural Youth Advocacy Network Australia, gọi tắt là , vốn là cơ quan đứng đầu trên toàn quốc về giới trẻ sự vụ.

Bà cho hay giới trẻ có thể thiếu những hiểu biết căn bản về cách thức xin việc làm.

“Giới trẻ thuộc nguồn gốc không nói tiếng Anh thường có điều gọi là ‘vốn liếng về phương diện xã hội’ bị giới hạn rất nhiều trong bối cảnh nước Úc, những thông tin hay hiểu biết mà những người trong chúng ta, sinh ra ở một quốc gia cụ thể nào đó đương nhiên có được ngay tại đất nước đó.

“Đó là sự hiểu biết về các hệ thống, về văn văn hoá ở nơi làm việc, những hiểu biết về cách thức kiếm việc làm, hay chính xác hơn là về những gì cần phải làm, cách ăn nói, cách phục sức, cách xử sự, cách viết một lý lịch cá nhân.

“Những hiểu biết đó không tự nhiên có sẵn với người di dân, hay là họ chỉ có rất giới hạn” bà Liddy cho biết.

Sarah Yahya cũng đồng ý với những nhận xét đó.

Sinh ra ở Iraq, đến Úc năm 20017, hiện đang là sinh viên đi làm và là Đại sứ Giới trẻ của MYAN, cho biết kiếm được việc là chuyện rất khó khăn.

“Theo kinh nghiệm cá nhân, thì chính nguồn gốc tỵ nạn đã khiến tôi phải vật lộn vất vã mới tìm được việc làm. Tôi cũng có nhiều bạn bè từng trải qua tình cảnh tương tự.

“Nhiều người trong số đó đã được trả lương không theo đúng quy định của luật pháp, và đó là lúc tôi nhận ra mức độ phức tạp lớn lao đang vây quanh giới trẻ trong vấn đề tìm kiếm việc làm.”

Thiếu tiếng Anh, quỹ thời gian hạn chế

Rào cản thường thấy nhất của các công nhân ngoại quốc trẻ là khả năng thông thạo Anh ngữ thấp.

Những người khác phải đối đầu với nạn kỳ thị chủng tộc và đối xử phân biệt.

“Nói đến nạn kỳ thị chủng tộc và đối xử phân biệt trong thị trường lao động, là câu chuyện về những người trẻ tuổi chọn thêm một tên gọi mang âm hưởng Anglo Saxon trên CV, nhờ đó họ có nhiều triển vọng được phỏng vấn hơn khi nộp đơn xin việc”, bà Liddy từ MYAN cho biết.
Low levels of English proficiency
Source: Pixabay
Những yếu tố quan trọng khác là kinh nghiệm làm việc giới hạn và không được công nhận về trình độ học vấn và bằng cấp có từ trước.

Bà Liddy cho rằng, chính những vấn đề này dẫn đến kết quả là những người trẻ thuộc nguồn gốc đa văn hoá phần lớn được tuyển dụng làm những công việc không chính thức hay phù động.

“Hiện có nhiều việc làm không chính thức trên thị trường lao động, vì đó thường là loại công việc mà giới trẻ thuộc nguồn gốc tỵ nạn và di dân có thể kiếm được dễ dàng hơn.

“Một số công việc ở ngay trong trong cộng đồng của họ. Một số nằm trong các đại công ty giây chuyền thực phẩm đa quốc gia.

“Hiện có nhiều người trẻ tìm được việc làm ở miền quê hay tỉnh lẻ, liên quan nông nghiệp hay là hái trái cây, vì những công việc này không đòi hỏi kinh nghiệm hay khả năng Anh ngữ.”

Điều làm cho tình hình càng khắc nghiệt hơn là gánh nặng của việc học tập và làm việc cùng lúc.

Nhiều người trẻ không chỉ ghi tên vào một khoá học đòi hỏi nhiều nỗ lực, mà họ còn kỳ vọng hay cần phải tìm được việc làm.

Đây là điều mà sinh viên vừa học vừa làm như Sarah Yahya hiểu rất rõ.

“Đối với một số người thuộc nguồn gốc tỵ nạn, học vấn là điều rất quan trọng, vì đây là phương cách để chúng tôi tiến thân. Nhưng điều không may là là trong một số trường hợp chúng tôi phải vừa học vừa làm.

“Thật khó khăn để tìm được những chủ nhân có thể thoả hiệp với chúng tôi và nói "cậu có thể làm việc vào giờ giấc này, và có thể đi học lúc khác.”

Với tất cả những trở lực đó, tìm được việc có thể là một thách thức rất lớn.

Thay đổi cần đến từ các nhà nhân dụng

Nadine Liddy từ MYAN, kêu gọi chính phủ tiến hành những chương trình nhằm khuyến khích giới chủ nhân thuê mướn những người trẻ thuộc nguồn gốc đa văn hoá.

Bà nói rằng nhiều công ty không biết được những lợi ích của một lực lượng lao động trẻ tuổi đa dạng.

“Một điều khác thực sự quan trọng là chương trình nhắm vào giới trẻ dành cho các chủ nhân, vì những lợi ích thực sự trong việc tuyển dụng những người thuộc nhiều nguồn gốc văn hoá ở nơi làm việc.

“Chủ nhân hưởng lợi rất nhiều, không những từ việc hiểu rõ các nhu cầu đặc biệt của giới trẻ thuộc nguồn gốc tỵ nạn và di dân, mà còn hiểu rõ sức mạnh của họ nữa.

“Thường thì nhóm người trẻ tuổi này đã mang theo những kiến thức quốc tế, họ nói được hai ngôn ngữ, họ sẽ giúp cho quý vị có được những hiểu biết rộng rãi về nhiều nền văn hoá.”

Và bà Liddy khuyên những người trẻ tuổi hãy xin làm việc thiện nguyện hay thực tập như một cách thức để bước vào thị trường việc làm.

“Nếu họ có thể tìm được cơ hội làm việc thiện nguyện hay thực tập, thì chúng tôi sẽ cổ động cho việc tạo ra thêm những cơ hội như thế.

“Cái lối huấn luyện làm việc đó là một trong những phương cách hay nhất để cho giới trẻ học hỏi thế nào là làm việc ở Úc, đâu là những quyền hạn và trách nhiệm của công nhân.

“Chúng tôi cũng vận động chính phủ Úc tiến hành những chương trình nhân dụng nhắm vào những người trẻ thuộc nguồn gốc tỵ nạn và di dân, do bởi những rào cản đặc biệt mà họ phải đối đầu.”
networking
Thiếu các mạng lưới xã hội là một rào cản trên bước đường người di dân tìm việc ở Úc Source: Pixabay

Khám phá thị trường việc làm ‘ngầm’

Ngoài những cách kiếm việc thông thường như tìm trong mục tuyển dụng trên báo, qua internet, qua các đại lý giúp tìm việc của chính phủ, trang mạng Youth Central của chính phủ Victoria xem xét những cách thức tìm việc ít người biết đến, ví dụ, tìm đến những công việc bị che giấu.

Thị trường việc làm bị che giấu là gì?

Có nhiều công việc làm bị bỏ trống nhưng không bao giờ được quảng cáo. Những công việc không được quảng cáo đó gọi là thị trường việc làm bị che giấu.

Nếu chỉ dùng tìm việc trực tuyến hay đọc quảng cáo việc làm trên báo chí, thì bạn bị hụt mất rất nhiều công việc đang cần người còn bỏ trống.

Nộp đơn xin một công việc làm chưa được quảng cáo tuyển dụng sẽ làm gia tăng cơ hội kiếm được việc, vì không được quảng cáo nên có ít người biết đến, và điều này có nghĩa là sẽ có ít người nộp đơn hơn, tức là công việc đó ít bị cạnh tranh hơn.

Làm sao để bước chân vào thị trường việc làm bị che giấu?

Hai trong số những phương cách tốt nhất để tìm thấy những công việc không được quảng cáo là mạng lưới, networking và thứ hai là Col Calling, tức liên lạc trực tiếp với các công ty để hỏi thăm công việc cần người.

Networking - mạng lưới là gì?

Một mạng lưới là một nhóm người mà bạn quen biết và những người mà nhóm này quen biết, và cứ tiếp nối như thế.

Chắc hẳn bạn từng nghe câu nói "tôi nghe tin từ bạn của một người bạn", đó là một thí dụ về mạng lưới.

Thật vậy tất cả mọi ngươi đều có một mạng lưới. Những người học cùng trường với bạn, chơi thể thao hay làm việc thiện nguyện với bạn, tất cả đều nằm trong mạng lưới của bạn, và dĩ nhiên kể cả gia đình của bạn.

Bất cứ ai trong mạng lưới đó có thể nghe tin về một chỗ làm sắp cần người. Họ có thể cho bạn biết cách làm sao để xin công việc đó trước khi quảng cáo. Muốn biết thêm về mạng lưới, hãy vào Networking trên Youth Central.

Col Calling là gì?

Là liên lạc trực tiếp với các công ty để xin việc.

Nhiều người cảm thấy rất e ngại khi đến tận nơi hoặc gọi điện thoại để hỏi xem có cần người làm hay không, nhưng thực tế cho thấy hầu hết các công ty đều phản ứng rất lịch sự và thường giúp mở đường cho cơ hội kiếm việc.

Nếu bạn xử sự một cách lễ phép, thì rất ít ai trong giới doanh nghiệp lại làm khó dễ bạn, vì họ luôn muốn giữ hoà khí với mọi người.

Và ngay cả trong trường hợp bị từ khước một cách lạnh lùng, cũng chớ nên bỏ cuộc. Vì dù có gặp rắc rối thế nào đi nữa cũng đáng, nếu như cuối cùng bạn kiếm được việc làm hay ít là được mời đến phỏng vấn.
finding a job
Tìm sự trợ giúp ở đâu trên bước đường tìm việc? Source: Pixabay

Tài liệu hữu ích trên bước đường tìm việc

Trang mạng Youth Central của chính phủ Victoria

Trong đó có nhiều lời khuyên liên quan đến nghề nghiệp, bao gồm cách viết resume, tóm tắt thành tích học vấn và kinh nghiệm nghề nghiệp và cách thức xin việc làm.

Trang mạng của Dịch vụ Gia đình và Cộng đồng của chính phủ New South Wales

Trong đó có khung nối kết với các công việc làm dành cho giới trẻ và nghề nghiệp.

Thông tin về đào tạo và nghề nghiệp của chính phủ liên bang

Giúp khám phá thêm về các loại công việc làm, các khóa học, các ngành kỹ nghệ, và các công ty.

Share