Du học ở Úc (199) Nên làm gì sau khi tốt nghiệp?

Graduation

Source: Pixabay

Với những du học sinh đang chuẩn bị tốt nghiệp trong học kỳ này và học kỳ sắp tới, các bạn đã lên những kế hoạch gì cho mình chưa? Một số bạn đã vạch ra kế hoạch tỉ mỉ và chi tiết từ rất sớm trong khi một vài bạn khác lại vẫn còn phân vân giữa nhiều lựa chọn phù hợp theo sở thích, khả năng và triển vọng cho tương lai mình.


Kiếm việc làm ngay sau khi ra trường

Sau quãng thời gian 3-4 năm miệt mài đèn sách trong trường, nhiều bạn sinh viên háo hức sẵn sàng cho hướng đi tiếp theo: tìm việc làm.

Cũng chính công việc đầu tiên này sẽ là tấm vé để chính thức xác nhận bạn bước ra đời đón những thử thách hoàn toàn mới so với quãng thời gian còn là sinh viên.

Các công việc dành cho sinh viên mới tốt nghiệp thường ở vị trí khởi đầu (entry-level) hoặc quản trị viên tập sự (graduate program). So với vị trí khởi đầu , những chương trình quản trị viên tập sự thường sẽ có sự luân chuyển ở nhiều phòng ban, được làm việc và nhận sự hướng dẫn của  những người có chuyên môn cao và gia tăng cơ hội thăng tiến sau đó.

Tuy nhiên, các chương trình quản trị viên có độ cạnh tranh rất cao và quy trình tuyển sinh cho chương trình này thường sẽ bắt đầu từ trước hơn 1 năm. Vì vậy, các bạn thực sự quan tâm phải bắt đầu tìm kiếm từ rất sớm.

Ngoài ra, một lựa chọn thực tiễn nữa mà những du học sinh năm kế cuối và năm cuối đại học thường tham gia là thực tập.

Kinh nghiệm thực tập được xem là yếu tố giúp bạn trở thành ứng cử viên sáng giá hơn khi đăng cử vào các chương trình quản trị viên tập sự vừa kể trên. Hoặc khi bạn không tham gia vào chương trình đó, đi thực tập là hướng đi vô cùng đúng đắn để bạn ứng dụng ngay những kiến thức học được từ nhiều năm và thử năng lực chính mình.

Các khoá thực tập không bảo đảm bạn sẽ trờ thành nhân viên chính thức của công ty. Tuy nhiên, những lợi ích bạn đạt được cũng vô cùng giá trị.

Bạn sẽ tích luỹ thêm những kỹ năng chuyên môn hay các kỹ năng không thể học được trong nhà trường và xây dựng các mối quan hệ công việc có lợi sau này.

Một điểm cộng thêm cho việc đi thực tập đó là nếu may mắn, vị trí chính thức mở ra đúng lúc bạn hoàn thành kỳ thực tập và nhận được nhiều phản hồi tốt từ đồng nghiệp,  bạn sẽ là ứng viên có cơ hội cao được ưu tiên cân nhắc vào vi trí đó. Vì vậy hãy tận dụng mọi cơ hội để cho nhà tuyển dụng tiềm năng  thấy khả năng của bạn.

Hãy tìm đến tư vấn với phòng Hỗ Trợ Việc Làm trong trường để cập nhật những tin tuyển dụng mới nhất, các hội chợ nghề nghiệp cũng như thông tin các công ty tuyển dụng có kết nối với trường.

Để có một công việc ưng ý, bạn cần chủ động xây dựng thương hiệu cá nhân của mình. Điều này có thể được thực hiện thông qua việc tham dự những sự kiện kết nối với nhà tuyển dụng, hội chợ nghề nghiệp hay thông qua chính kênh truyền thông xã hội của bạn.

Sở hữu một tài khoản LinkedIn kèm theo một bản CV đầy đủ, chuyên nghiệp sẽ giúp bạn gây ấn tượng mạnh trong mắt những nhà tuyển dụng.

Khi ứng tuyển cho một vị trí công việc, đừng cố che giấu những điểm yếu của mình với nhà tuyển dụng hoặc thể hiện sự tự ti vì bạn mới tốt nghiệp thiếu kinh nghiệm. Thay vào đó, hãy trò chuyện một cách chân thành về dự định của bạn để khắc phục những điểm yếu này trong tương lai.

Bên cạnh đó, cũng đừng quên làm nổi bật những điểm mạnh của mình. Ngoài kinh nghiệm, nhà tuyển dụng còn mong muốn tìm hiểu sở thích, tính cách của ứng viên để đánh giá cách làm việc và độ cam kết với việc được giao của họ. Nhà tuyển dụng sẽ luôn muốn biết rằng những kiến thức, kinh nghiệm làm việc và hoạt động ngoại khoá trước đó của bạn sẽ giúp ích như thế nào cho công việc của bạn trong tương lai .

Đi làm ngay sau khi tốt nghiệp còn là cách để bạn hiểu hơn về những điểm mạnh, điểm yếu của bản thân. Khi trực tiếp bắt tay vào những công việc thực tế, bạn sẽ khám phá ra được mình làm tốt ở mảng nào, yêu thích lãnh vực nào, định hướng nào bạn đam mê và muốn theo đuổi lâu dài. Tất cả những điều này chỉ có thể được suy nghĩ và quyết định khi bạn thực sự đi làm.

Những ai đi làm vẫn có cơ hội học tiếp các chương trình, chứng chỉ sau Đại học nếu các bạn yêu thích. Hầu hết các trường đều mở ra chương trình bán thời gian, học online cho các bạn muốn vừa đi làm vừa nâng cao bằng cấp.  Nhiều công ty ủng hộ nhân viên học lên cao theo nguyện vọng bằng các chương trình tài trợ chi phí kèm theo các cam kết và lợi ích dài hạn của nhân viên với công ty đó.

Học lên cao

Đối với nhiều ngành học, việc học lên cao hơn để lấy bằng Thạc sĩ (Master) hay Tiến sĩ (PhD) khá phổ biến và đôi khi cần thiết cho sự nghiệp sau này của bạn.

Một tấm bằng cao hơn sẽ cho bạn nhiều cơ hội hơn, nhiều lợi thế khi xin việc, cũng như cho bạn nhiều kiến thức chuyên sâu vào lãnh vực mà bạn yêu thích. Ngoài ra, nếu như ngành học hiện tại không nằm trong danh sách tay nghề để bạn xin định cư sau này, bạn cũng có thể xem xét học tiếp một bằng khác để cho mình nhiều lựa chọn hơn.

Mở rộng những kiến thức bạn học được bằng kinh nghiệm làm việc hoặc học lên cao là cách để tăng hiểu biết, mài dũa chuyên môn và gia tăng cơ hội tương lai. Không chỉ vậy, học lên cao có thể giúp bạn nâng mức lương tiềm năng cao hơn.

Số liệu từ chương trình Điều tra dân số năm 2016 của Úc đã chỉ ra sự liên hệ chặt chẽ giữa bậc học của bạn với mức thu nhập bạn kiếm được tại Úc. Trong số đó, những nhân viên trong độ tuổi tầm 30 khi đã hoàn tất các chứng chỉ sau Đại Học kiếm được thu nhập trung bình cao nhất.

Nếu bạn chưa sẵn sàng để tham dự một khoá Cao học, bạn có thể cân nhắc đến các khoá học sau Đại học khác như Diploma hoặc Chứng chỉ Certificate với thời gian ngắn hơn.

Với mỗi khoá học  kéo dài tối thiểu thời gian sáu tháng , những phương án này sẽ giúp bạn linh hoạt hơn trong việc đưa ra quyết định lâu dài- có thể ngừng lại sau khi hoàn tất khoá ngắn hạn hoặc tiếp tục đăng ký chứng chỉ dài hơn như Diploma và Cao học.

Còn ai có sở thích theo đuổi về nghiên cứu, chứng chỉ dạng honours là con đường phù hợp để bạn thực hiện đam mê của mình. Đây cũng là lựa chọn phổ biến cho những ai dự định lấy bằng Tiến sĩ (PhD) hoặc xây dựng sự nghiệp theo hướng học thuật.

Thay đổi một hướng hoàn toàn mới

Có thể với nhiều bạn, những lựa chọn vừa kể trên vẫn chưa phải điều làm các bạn thực sự hài lòng. Bạn có thể vẫn đang phân vân giữa chuyện đăng ký tham gia khoá học tiếp theo hay bắt tay vào một dự án mà bạn muốn cam kết, và hơn hết là bạn vẫn loay hoay tìm hiểu thêm về bản thân mình.  

Một số bạn sinh viên sau tốt nghiệp bỗng dưng chuyển sang thích thú với một chuyên ngành hay lãnh vực mới. Tuy nhiên, các bạn cùng lúc lại cảm thấy lo lắng những nỗ lực mình bỏ ra cho tấm bằng đại học sẽ bị lãng phí.

Sự thực là có rất nhiều người suy nghĩ giống như bạn. Tuy nhiên, khi bạn hoàn tất bằng cử nhân chuyên ngành nào đó không có nghĩa bạn chỉ có thể theo mỗi chuyên ngành ấy. Ngược lại, tấm bằng đó là bước đệm để bạn rẽ hướng sang một chuyên ngành mới dễ dàng hơn. Trong chuyên ngành bạn học sẽ có nhiều môn có thể áp dụng được trong chuyên ngành khác. Do đó, một số bạn khi chuyển ngành học có thể đề nghị nhà trường xét miễn giảm một số môn dựa theo chứng chỉ bằng cấp mà bạn đã có. Điều tốt là bạn sẽ không phải bắt đầu lại mọi thứ từ đầu.

Kinh doanh riêng

Chúng ta hẳn đã từng nghe những câu chuyện thành công xuất hiện ở khắp nơi và không phải câu chuyện nào cũng đến từ những người có nhiều bằng cấp nhất.

Bạn có từng mong ước sẽ trở thành sếp của riêng mình?  

Khi là sếp của chính mình, bạn sẽ hoàn toàn được tự do trong mọi quyết định về tầm nhìn và định hướng cho mình.

Nếu có một ý tưởng gì đó, cho dù những ý tưởng đó vẫn chưa hoàn chỉnh, bạn cũng hãy dành thời gian nghĩ về nó và lập kế hoạch thực hiện.

Khi bạn kinh doanh một thứ gì đó riêng, dù nhỏ hay lớn, bạn vẫn sẽ thu về nhiều kinh nghiệm quý giá. Cho dù bạn kinh doanh thành công hay không, bạn vẫn sẽ chứng tỏ cho nhà tuyển dụng tương lai thấy được mình ở tâm thế sẵn sàng làm việc hết mình và đảm nhiệm nhiều phần công việc đa dạng. Những gì bạn trải qua sau trải nghiệm này sẽ mài giũa cho bạn trở nên thêm độc lập và kiên cường.

Tại Úc, có nhiều tổ chức phi chính phủ với sự giúp đỡ của các doanh nghiệp lớn vừa và nhỏ luôn tạo điều kiện cho các bạn sinh viên được trải nghiệm môi trường tự kinh doanh (start-up)  từ lúc còn trên ghế nhà trường.

Đi để trở về

Khi quyết định học lên cao hay đi làm, bạn sẽ phải gánh vác trách nhiệm cũng như cam kết về mặt thời gian.

Nhiều bạn sinh viên chọn gap year hay còn gọi là khoảng thời gian nghỉ ngơi sau khi tốt nghiệp. Khoảng thời gian này kéo dài từ 3 tháng đến 1 năm tuỳ theo hoàn cảnh của mỗi người. Một số ý kiến không ủng hộ cho rằng lãng phí thời gian, nhưng thực sự những ai đã trải qua gap year đúng cách  đều cho rằng khoảng thời gian này hoàn toàn hữu ích để các bạn trẻ  thử sức ở nhiều lãnh vực đa dạng và tìm được đam mê cho mình.

Khi đang trong gap year, bạn có thể vừa tham gia các hoạt động ngoại khoá vừa nhận thêm giờ công việc bán thời gian để có thu nhập, hoặc đi du lịch khám phá các nền văn hoá mới nếu có điều kiện.  

Có nhiều chương trình tình nguyện viên hoặc cơ hội việc làm ở nước ngoài sẽ giúp bạn học hỏi rất nhiều điều mới, đồng thời là một điểm cộng để bạn gây ấn tượng với những nhà tuyển dụng đánh giá cao kinh nghiệm quốc tế.

Bước đi đầu tiên sau khi bạn hoàn tất chương trình đại học của mình không nhất thiết phải làm ngay thứ đó thật lâu dài. Bạn hoàn toàn có thể dành thời gian tìm xem mình thực sự muốn gì và thử nhiều thứ hơn là ép bản thân mình ngay lập tức phải cam kết với công việc nào đó khi mình chưa cảm thấy hoàn toàn chắc chắn.

Hơn hết, đừng nghi ngờ bản thân. Hãy nhớ rằng có rất nhiều người luôn ủng hộ bạn, đó là gia đình bạn bè, và những phòng ban hỗ trợ sinh viên trong trường.

Visa nào dành cho bạn?

Sau tốt nghiệp, hầu hết các du học sinh cũng phải chuẩn bị hết hạn visa sinh viên. Do đó, các du học sinh cần chú ý quan tâm để bảo đảm những dự định của mình được diễn ra đúng hướng. Các bạn cần tìm hiểu,lựa chọn và chuẩn bị các thủ tục để chuyển tiếp sang loại visa phù hợp sau tốt nghiệp.

Visa 485

Post-Study Work Stream: Những sinh viên đã hoàn tất chương trình cử nhân, thạc sĩ hay tiến sĩ với thời gian học tối thiểu là 2 năm có thể xin visa 485. Với visa 485, bạn được phép ở lại Úc làm việc trong 2 năm để phát triển chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm, học hỏi cách thức tổ chức, vận hành, quản lý công việc từ các công ty của Úc.

Graduate Work Stream: Dành cho sinh viên quốc tế đã tốt nghiệp các ngành nghề thuộc danh sách tay nghề SOL – Skilled Occupation List. Visa này được cấp thời hạn là 18 tháng kể từ ngày cấp.

Bộ Di trú chính thức và thay thế bằng một loại visa mới, TSS visa. cho phép bạn sinh sống hợp pháp tại Úc và làm việc toàn thời gian cho chủ bảo lãnh tại vị trí công việc được bảo lãnh. Tuỳ vào các stream khác nhau mà thời hạn visa của bạn kéo dài từ 2 đến 4 năm. Để được bảo lãnh theo diện này, ngành nghề của bạn phải nằm trong .

Visa 189

Đây là dạng visa định cư Úc diện tay nghề tính điểm độc lập (theo bảng tính điểm định cư), không cần bảo lãnh. Nếu ngành bạn theo học thuộc danh sách ngành nghề ưu tiên trung và dài hạn (Medium and Long-term Strategic Skills List – MLTSSL), tích lũy đủ điểm theo quy định thì có thể nộp hồ sơ xin visa 189.

Vì thời gian xử lý visa 189 thường là từ 4-6 tháng, cộng với việc trước khi đủ điều kiện để nộp xin visa bạn cần phải hoàn thành nhiều bước khác nhau, bạn nên lên kế hoạch trước nếu bạn dự định ở lại Úc theo diện visa này.

Visa 190

Cho phép lao động có kỹ năng muốn làm việc tại Úc, được đánh giá theo thang điểm định cư tay nghề và được bảo lãnh bởi một cơ quan chính phủ của tiểu bang/ vùng lãnh thổ tại Úc. Trong đó, ngành nghề làm việc của bạn phải nằm trong danh sách ưu tiên STSOL hoặc MLTSSL.

Visa 189 và 190 có nhiều điểm tương đồng nên nhiều du học sinh dễ nhầm lẫn giữa 2 loại này. Cả hai đều là diện định cư tay nghề tính điểm. Tuy nhiên, visa 190 chỉ được cấp khi bạn được đề cử bởi một cơ quan chính phủ Úc.

Mỗi bang Úc có một danh sách tay nghề định cư riêng cho visa 190: ngành của bạn có thể nằm trong danh sách tay nghề độc lập visa 189, nhưng lại không nằm trong danh sách tay nghề định cư cụ thể cho tiểu bang Úc mà bạn muốn làm việc và sinh sống, thì bạn sẽ không được đề cử. Bạn có thể biết thêm chi tiết về các danh sách này thông qua website di trú chính thức của từng bang.

Nếu bạn có vợ/chồng là công dân Úc, hoặc có partner trong quan hệ (quan hệ không chính thức), bạn có thể ở lại Úc thông qua Partner Visa. Visa 820 là visa tạm thời cho phép bạn ở lại Úc sau khi nộp hồ sơ xin Partner Visa. Visa 801 là visa thường trú nhân Úc, được cấp sau 2 năm kể từ khi bạn có visa 820 và vẫn còn giữ quan hệ với vợ/chồng/partner của mình.

Tuỳ từng trường hợp cũng như hồ sơ năng lực cụ thể của từng người cộng với sự thay đổi liên tục của chính sách visa Úc mà bạn có thể cân nhắc để chọn hướng đi phù hợp nhất với bản thân

Điểm tin tại Úc

bags
En el proceso de preparar el equipaje hay que asegurarse de no llevar productos prohibidos, pero si tiene dudas, declare todos los productos antes de llegar. Source: Pixabay


Với các du học sinh đang hoặc sắp về Việt Nam thăm nhà, các bạn cần chú ý các thay đổi được cập nhật mới nhất về quy định hành lý trên máy bay vào nước Úc.

Theo đó, kể từ ngày 30/6, chính phủ Úc sẽ bắt đầu áp dụng những quy định mới về số lượng bột được đem theo trong hành lý xách tay trên các chuyến bay quốc tế, đồng thời cũng sẽ có những quy định nghiêm ngặt hơn về kiểm tra an ninh tại cửa soi chiếu.

Những luật mới sẽ không áp dụng cho những hành khách đi chuyến bay nội địa. Nhưng nếu hành khách đó khởi hành từ cổng bay quốc tế thì vẫn bị áp dụng luật.

Nếu hành lý xách tay của bạn có chứa các chất bột – bao gồm cả bột rời lẫn bột nén, bạn sẽ cần chú ý để tránh bị vứt hành lý của mình. Bột sẽ phải được trình báo riêng tại cửa soi chiếu an ninh cũng giống như chất lỏng.

Có hai loại bột cần phân biệt: bột hữu cơ bao gồm sữa bột em bé, bột café, bột protein và gia vị được phép mang lên máy bay. Trong khi đó, bột vô cơ như bột phấn, bột giặt, một vài loại bột tẩy rửa hay mỹ phẩm, bạn không thể đem lên máy bay hơn 350gr.

Mỗi tuần một điều không thể bỏ lỡ ở Úc

Surfers Paradise
Source: financeandmortgage.com.au


Địa danh nổi tiếng ở Queensland: Surfers Paradise.

Surfers Paradise nằm giữa Broadbeach và Main Beach dọc theo Đường cao tốc Gold Coast. Dải bãi biển được biết đến nhờ những con sóng luôn cuộn trào, với các khách sạn cao tầng và cuộc sống về đêm nhộn nhịp dọc theo bờ cát.

Đây là điểm đến phổ biến nhất của Úc. Nơi đây có tất cả mọi thứ bạn cần để vui chơi hay nghỉ ngơi thư giãn ở bãi biển. Ghé thăm địa điểm được ưa thích ở Gold Coast này, bạn có thể đắm mình trong ánh nắng mặt trời, những bãi cát vàng và lướt sóng quanh năm. Chính điều này làm cho đây trở thành nơi hoàn hảo để thoát khỏi cái lạnh mùa đông.  

Khi đến bãi biển, hãy ghé thăm các cửa hàng trong Mall Cavill các công viên nổi tiếng gần đây. Khi màn đêm buông xuống, hãy đến các khu chợ trên bãi biển được tổ chức mỗi tối thứ  tư và thứ sáu.

Surfers Paradise có nhiều lựa chọn chỗ ở phù hợp với mọi ngân sách. Về ăn uống ở đây cũng rất phong phú, từ quán ăn rẻ tiền đến các nhà hàng từng đoạt giải thưởng.

Đến cuối tháng sáu tại đây sẽ khai mạc lễ hội Surfers Paradise Festival với các tiết mục âm nhạc, thời trang, phim ảnh và nghệ thuật.

Thêm thông tin và cập nhật Like  

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share