Du học ở Úc (202) Tại sao du học sinh 'ngại' làm bài nhóm?

Groupwork

Source: Pixabay

Ở nước ngoài, sinh viên được khuyến khích học tập theo phương pháp chủ động và làm việc theo nhóm khá nhiều. Khác với sinh viên bản xứ vốn đã quen với phương pháp học tập này, nhiều du học sinh khá bỡ ngỡ và e ngại khi tham gia làm việc nhóm. Nhiều bạn nhút nhát và gặp nhiều khó khăn trong cách hoà nhập và phát huy năng lực bản thân khi làm việc nhóm cùng các sinh viên khác.


 “Mình nghĩ khi đi du học, làm bài nhóm là cách tốt nhất để mình học hỏi những văn hoá, những cách làm việc của các bạn đến từ nhiều nước khác nhau. Quá trình làm việc nhóm cũng sẽ cho chúng ta học được những kỹ năng hỗ trợ cho sau này mình đi làm. Bởi lúc đi làm, mình sẽ phải làm việc trong môi trường cùng những người khác nhau có những chính kiến khác nhau.” (Xuân Linh - du học sinh trường Đại học Swinburne ngành Marketing)

Ngoài Linh ra, một số bạn sinh viên khi được hỏi còn cho rằng các bạn thích làm bài cá nhân hơn là làm bài nhóm. Vậy lý do vì sao? Và có cách nào để các bạn làm việc nhóm hiệu quả hơn không?

Làm bài theo nhóm (Teamwork/ Group assignment): nhiều người cùng kết hợp làm chung một dự án hoặc chủ đề nào đó được đưa ra bởi giáo viên.  Mỗi thành viên sẽ đảm nhận một phần nhỏ trong dự án đó. Các thành viên trong nhóm sẽ tận dụng những ưu điểm của mình để cùng nhau hoàn thành một công việc nhanh và hiệu quả nhất. Điểm số của dự án sẽ chia đồng đều cho các thành viên trong nhóm. Trong một số trường hợp, giáo viên sẽ đánh giá mỗi thành viên dựa theo mức độ đóng góp trong quá trình làm việc nhóm cũng như khả năng thuyết trình của các bạn.

Làm bài cá nhân (Individual assignment): mỗi sinh viên sẽ làm bài độc lập tất cả các phần trên một chủ đề/ câu hỏi được đưa ra bởi giáo viên. Một số môn học mỗi sinh viên sẽ có chủ đề giống hoặc khác nhau tuỳ theo bộ môn và chuyên ngành. Đánh giá điểm số cuối cùng sẽ chỉ dành cho cá nhân sinh viên đó.

Lợi ích giữa làm bài nhóm và làm bài cá nhân

+ Làm bài theo nhóm

  • Những người có kỹ năng làm việc nhóm tốt thường có khuynh hướng giao tiếp tốt với người khác.
  • Một nhóm làm việc ăn ý còn giúp tăng năng suất và làm tăng hiệu quả công việc.
  • Nhiều cái đầu suy nghĩ luôn tốt hơn một: kiến thức và khả năng của một người thì luôn có một giới hạn nhất định, nó có thể gây nhiều khó khăn khi phải đối mặt với các vấn đề phức tạp nếu không có sự giúp đỡ của người khác. Mỗi cá nhân có kinh nghiệm và nền tảng khác nhau sẽ làm tăng sự sáng tạo của từng thành viên, cũng như cả nhóm. Khi các thành viên trong nhóm sử dụng các kỹ năng khác nhau, họ có thể nghĩ ra một giải pháp hiệu quả hơn so với một người làm việc trên cùng một vấn đề.
  • Làm việc theo nhóm giúp tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa các thành viên.
  • Khả năng làm việc nhóm tốt giúp bạn gây ấn tượng hơn với nhà tuyển dụng tiềm năng khi xin việc làm sau này. Nghiên cứu của Graduate Outlook Survey năm 2010 đã xếp làm việc nhóm nằm trong top 10 kỹ năng mềm chủ đạo mà các doanh nghiệp và công ty luôn tìm kiếm ở nhân viên.
  • Một lợi ích khác của làm việc nhóm đó là bạn học được rất nhiều. Ví dụ, một chủ đề khi thảo luận và đóng góp ý kiến từ nhiều người sẽ cho bạn vốn kiến thức sâu rộng và dễ hiểu hơn. Điều này xảy ra khi các thành viên cùng trao đổi những kiến thức, sẻ chia các thắc mắc và từ đó học được từ nhau để hoàn thiện.
  • Nếu bạn là người luôn đón nhận những phản hồi từ bạn bè, bạn sẽ biết được những điểm cần khắc phục trong cách viết bài hay phong cách thuyết trình của mình để có thể cải thiện cho các bài tập kế tiếp
  • Làm việc trong nhóm cũng là cách hay để bạn hiểu những điểm mạnh trong tính cách của mình. Nhiều sinh viên phát hiện mình thuộc tuýp giữ vai trò lãnh đạo trong nhóm, trong khi những người khác thấy mình phù hợp với việc quan sát hoặc thực hành.

+ Làm việc cá nhân

  • Bạn sẽ là người duy nhất được hưởng thành quả cuối cùng. Khi bạn làm bài một mình và đạt điểm cao, lẽ dĩ nhiên bạn sẽ vô cùng phấn khích vì đó thành quả của toàn bộ nỗ lực của mình. Điều này còn giúp bạn củng cố sự tự tin và hài lòng về bản thân khi được công nhận xứng đáng.
  • Bạn dễ dàng hơn trong việc tập trung. Bạn ít bị gián đoạn và không cần phải thay đổi và định hình để phù hợp với những người khác.
  • Khi làm bài một mình, bạn là người điều khiển lịch trình bạn sẽ làm bao nhiêu trong bao lâu. Bạn không cần phải đợi ai khác gửi phần của họ để bạn có thể tiếp tục bài của mình. Bạn sẽ không cần lo lắng nếu thành viên trong nhóm có lỡ quên bài lúc thuyết trình hay không. Hay bạn cũng không cần phải căng thẳng nếu gần sát ngày nộp bài mà thành viên nào đó vẫn chưa làm xong phần của họ.
  • Nếu bạn là tuýp người luôn muốn né tránh các mâu thuẫn, bạn sẽ vô cùng thích thú khi được làm bài một mình.
  • Làm việc một mình, bạn có toàn quyền quyết định về các ý tưởng của mình mà không cần thảo luận với ai. Từ những thứ lớn đến những thứ nhỏ nhất như dùng font chữ màu gì, nên có bao nhiêu slide, bạn đều phải tin vào bản thân mình và ra quyết định. Vì thế, bạn cũng phải chịu trách nhiệm cho kết quả minh sẽ đạt được.

Vì sao sinh viên “ngại” làm việc nhóm?

Nói đến lý do vì sao làm việc nhóm là nỗi ám ảnh của nhiều sinh viên, chúng ta có thể liệt kê một vài điểm sau đây:

  • Áp lực của nhóm thống nhất một ý kiến từ nhiều quan điểm khác nhau. Những kiểu người không thích mâu thuẫn thường ứng xử theo hướng ít rắc rối nhất có thể. Vì vậy, họ thường đồng tình với một giải pháp nào đó nhóm đưa ra nhưng trong lòng lại bất mãn.
  • Nhóm gặp phải cá nhân có tính cách độc tài, và luôn muốn mọi người phải theo ý mình. Điều này càng tệ hơn nếu cá nhân đó là trưởng nhóm.
  • Một vài thành viên quá lệ thuộc vào các thành viên khác trong nhóm. Đây cũng là một vấn đề thường gặp phải trong làm việc nhóm. Với tâm lý “điểm nhóm là điểm chung, mình không làm thì cũng có người khác làm”, nhiều bạn thờ ơ, ỷ lại vào các thành viên khác gây sự đóng góp không công bằng giữa mọi người.  Nhiều bạn bị ám ảnh bởi phải “gánh team" hay còn gọi là phải một lúc vừa làm phần của mình vừa phải làm luôn phần của người khác trong nhóm.

Để làm việc nhóm hiệu quả, chúng ta nên thực hành những kỹ năng gì?

  1. Trong buổi họp nhóm đầu tiên, các bạn cần  thống nhất những nguyên tắc chung cho nhóm. Nếu sự tự tin của các thành viên trong nhóm không đồng đều, bạn có thể bầu ra một người nhóm trưởng để lên kế hoạch cho nhóm. Thống nhất với nhau về cách liên lạc, phương tiện giao tiếp nhóm, các buổi họp, hạn nộp bài, cách hỗ trợ lẫn nhau cũng như chia sẻ quan điểm về cách làm việc của các thành viên trong nhóm.
  2. Sau khi lên nguyên tắc chung cho nhóm, phân bổ công việc và bảo đảm lượng công việc được chia đều công bằng cho từng thành viên. Nêu rõ thời hạn nộp bài cho từng người. Nếu nhóm bạn chuẩn bị cho bài viết, cử ra một đến hai người đảm nhận việc tập hợp từng phần của mỗi thành viên để sắp xếp thành bài hoàn chỉnh và chia sẻ cho nhau xem qua trước khi nộp. Nếu nhóm chuẩn bị cho bài thuyết trình, cần lên lịch cụ thể để cả nhóm gặp và duyệt bài cùng nhau trước đó.
  3. Nghĩ trước về các mâu thuẫn có thể xảy ra trong nhóm và có kế hoạch giải quyết cụ thể. Giải quyết mâu thuẫn hiệu quả sẽ  giúp các thành viên hiểu nhau hơn và giúp bạn làm việc với nhóm tốt hơn
  4. Luôn sẵn sàng lắng nghe và học hỏi từ các bạn khác trong nhóm. Mỗi người sẽ có những sở trường riêng và điều này sẽ giúp ích cho nhóm khi có thể phát huy tất cả khi làm bài cùng nhau. Ví dụ, thành viên giỏi về thiết kế sẽ đảm nhận việc làm Powerpoint Slides cho nhóm, thành viên giỏi viết sẽ đảm nhận việc sửa bài, thành viên giỏi thuyết trình sẽ nói các phần chính của bài. Cố gắng phát huy điểm mạnh của từng thành viên thay vì tập trung vào các khuyết điểm của họ.
  5. Tạo mối liên hệ giữa các thành viên trong nhóm. Nếu bạn xem các thành viên trong nhóm như những những người bạn và muốn xây dựng quan hệ với họ, bạn sẽ không cảm thấy làm việc nhóm là gánh nặng nữa. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các nhân viên trong các tổ chức, hội nhóm làm việc hiệu quả với nhau khi họ tin tưởng và hỗ trợ lẫn nhau. Vì vậy, nếu cảm thấy một thành viên trong nhóm làm việc không hiệu quả, bạn có thể hỏi thăm họ và đề nghị giúp đỡ thay vì phàn nàn và chỉ trích họ.
  6. Không chỉ có trách nhiệm với công việc được giao mà bản thân mình cần có trách nhiệm với công việc của cả nhóm. Làm việc nhóm cần phối hợp với các thành viên khác để hiệu quả công việc đạt cao nhất và đúng tiến độ. Nhưng nếu thiếu đi sự trách nhiệm, nếu bạn ỷ lại hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao nghĩa là bạn đang làm ảnh hưởng đến cả tập thể nhóm.
  7. Khi làm việc nhóm bạn hãy bỏ qua hết sự ích kỷ cá nhân, không chấp nhất những chuyện nhỏ, tỵ nạnh với đồng đội của mình, trách va chạm, mâu thuẫn… Hãy thẳng thắn một cách khéo léo khi nêu quan điểm cá nhân của bản thân mình, góp ý cho bạn sửa đổi. Có như thế, người khác hay chính bản thân mình mới nhận biết được những lỗi lầm cần sửa chữa. Tránh việc nói xấu, tỵ nạnh sẽ làm ảnh hưởng đến tình đoàn kết của cả nhóm

Điểm tin tại Úc

MVISC Thunder Camp
Source: MVISC Fanpage


Đến hẹn lại lên, các hội sinh viên Việt Nam tại Úc lại tưng bừng với các hoạt động đón mừng các tân sinh viên sang Úc du học và hoà nhập với môi trường mới.

Một trong những hội sinh viên Việt Nam kỳ cựu nhất ở Melbourne- MVISC sẽ tổ chức .

Đến với MVISC Thunder Camp, các bạn sinh viên sẽ tham gia vào các trò chơi đòi hỏi sự vận động trí não thật thông minh và thật "ăn ý" với đồng đội để mang chiến thắng về cho đội của mình.

Với những ai đã từng tham gia các camp của MVISC năm ngoái, các bạn đều vô cùng háo hức bởi hoạt động này không chỉ mang về những kinh nghiệm cắm trại bổ ích mà còn giúp các bạn có những trải nghiệm mới lạ, thú vị và đậm chất “du học sinh" với những kỷ niệm đầy ắp tiếng cười.

+ Thời gian: 3/8/2018 – 5/8/2018

+ Địa điểm:

+ Chi phí: từ $170- $180/ người chưa bao gồm sleeping bag

+ Hạn chót đăng ký: 1/8/ 2018

+ Tìm hiểu chi tiết tại .

+ Đăng ký tại .

Mỗi tuần một điều không thể bỏ lỡ tại Úc

Umbrealla Winter Sounds
Source: www.umbrellaadelaide.com


Sự kiện nổi bật trong tuần này là lễ hội âm thanh tại thành phố Adelaide xinh đẹp của bang Nam Úc diễn ra từ ngày 13 đến hết 29 tháng 7 năm nay. Đây là năm thứ 3 sự kiện này diễn ra ở Adelaide.

Adelaide được chính thức công nhận là Thành phố Âm nhạc bởi UNESCO, và sự kiện này như một phần khẳng định cái tên đó.

Lễ hội kéo dài trong suốt hai tuần được xem là dịp để Adelaide khoác lên mình không khí rực rỡ của âm nhạc và nghệ thuật giữa mùa đông giá lạnh. Năm 2017, lễ hội đã tổ chức 300 sự kiện nhạc sống xuyên suốt 100 địa điểm xung quanh trung tâm thành phố.

Điểm đặc biệt mới lạ của sự kiện trong năm nay đó chính là lễ hội sẽ lưu diễn đến các khu vực ngoại thành của thành phố.  


Share