Du học ở Úc (203) Biến sở thích thành nghề nghiệp, tại sao không?

Hobbies

Source: Pixabay

Bạn chọn nghề nghiệp theo tiêu chí nào? Vì việc nhẹ lương cao? Theo khuynh hướng xã hội? Theo số đông bạn bè? Hay theo sở thích cá nhân? Hầu như có rất nhiều người lựa chọn ngành học hay sự nghiệp vì những lý do vừa nêu nhưng rất ít người theo sở thích của mình. Vậy lý do là gì?


Làm sao chọn ngành nghề phù hợp?

Nhiều người cho rằng sở thích chỉ là thú vui lúc nhàn rỗi để thư giãn đầu óc sau những giờ bận rộn quay cuồng của cuộc sống. Thậm chí chúng ta từng nghe nhiều bậc phụ huynh phản đối khi con cái bày tỏ ý muốn được theo đuổi đam mê “ một cách chuyên nghiệp và nghiêm túc". Bởi những sở thích hay đam mê đó không theo xu hướng xã hội, có tương lai không ổn định, khiến nhiều phụ huynh lo lắng, muốn con cái mình theo hướng đi mang tính an toàn cho tương lai hơn.

Tuy nhiên, theo Joyce Reynolds , chuyên gia hướng dẫn về kinh doanh chia sẻ trên rằng khi chúng ta lựa chọn nghề nghiệp theo sở thích, năng khiếu, đó sẽ là định hướng tuyệt vời để chúng ta đạt được những thành tựu trong sự nghiệp.

Chỉ có số ít người khi được hỏi đã lựa chọn ngành học đúng theo sở thích. Hoặc có học theo sở thích đi chăng nữa, cũng rất nhiều người sau đó rẽ hướng nghề nghiệp trái ngành hay sở trường của mình.

Dường như tiêu chí lựa chọn sự nghiệp của nhiều người đều theo mẫu số chung là cơ hội việc làm, sự thuận tiện, hay những lợi ích nghề nghiệp đó mang lại. Hầu như rất ít người nhận ra rằng chỉ khi chúng ta thực sự yêu thích và đam mê công việc gì đó, chúng ta mới có lý do để làm công việc đó lâu dài, để kiên nhẫn hơn vào những thời điểm công việc ít mang lại cho chúng ta sự hài lòng nhất.

Nếu ai đó đang phân vân vậy làm cách nào để tìm được sự nghiệp phù hợp? Câu trả lời là hãy  tự hỏi bản thân: Mình thích làm điều gì?

Nếu câu trả lời là một trong những sở thích của bạn thay vì các nghề nghiệp mà nhiều người đang tư vấn cho bạn, thì bạn nên dành thời gian suy xét lại. Có thể đến lúc bạn nên chuyển hướng biến sở thích của mình thành công việc toàn thời gian hoặc bán thời gian.

Nếu bạn đang lo lắng sở thích chưa là lý do đủ mạnh để bạn theo đuổi và biến nó thành nghề nghiệp thì tác giả Bryan Lee có chia sẻ trên blog cá nhân của anh rằng quy trình để bạn thành thạo một lãnh vực nào đó chia làm ba giai đoạn: 

Biến sở thích thành chuyên môn

Sở thích thường bắt nguồn từ tâm lý yêu thích điều gì đó. Khi mang sự yêu thích đó để rèn giũa một kỹ năng hay ngành nghề, như là chơi ghita, làm thơ hay chơi đá bóng, bạn đã bắt đầu vào quá trình để dần dần thành thạo kỹ năng đó.
Qua thời gian, sự đam mê sẽ là động lực xúc tác khiến bạn làm nhiều hành động khác như quan sát những người đã thành thạo để học hỏi theo họ. Từ sự quan sát và không ngừng học hỏi đó, bạn sẽ sáng tạo ra phương thức của riêng mình, và luyện tập không ngừng để thuần thục chuyên môn đó.
Sự yêu thích là hạt mầm của sự chú ý, dẫn đến luyện tập miệt mài và cuối cùng sẽ cho bạn kết quả là kỹ năng thuần thục mình mong muốn.
Tuỳ thuộc vào từng sở thích của bạn yêu cầu đơn giản hay phức tạp, sau đây là một số gợi ý cho bạn tham khảo.

  • Đem sở thích của bạn dạy cho người khác: Dạy đàn, dạy nấu ăn hay dạy ngôn ngữ nếu đó là những sở thích của bạn.  Bạn có thể học thêm các chứng chỉ giáo dục để đủ điều kiện dạy trong các trường học, cơ sở giáo dục, hoặc mở lớp riêng ở nhà, hay thiết kế một khoá học online dạy những người quan tâm  trên các trang điện tử về giáo dục.
  • Sáng tạo và kinh doanh các sản phẩm vật dụng bạn yêu thích: Ví dụ, bạn là người đam mê về rượu. Bạn có thể kinh doanh những loại rượu nhập từ những vùng khác nhau và phân phối. Hay nếu bạn thích rượu và thời trang, bạn có thể sản xuất những chiếc áo thun mang thông điệp của những loại rượu khác nhau và bán cho những ai cũng có sở thích về rượu giống bạn.  Tác giả Nancy Collamer- người sáng lập trang web Mylifestylecareer.com cho rằng “ Những người có sở thích nào đó thường rất đam mê và sẵn sàng chi trả cho những thứ liên quan đến sở thích của họ.’’ Như các cổ động viên bóng đá thích sưu tầm áo cầu thủ họ yêu thích hay các nhãn hàng cũng dùng hình ảnh đội bóng nổi tiếng để thu hút các khách hàng của họ. Nếu bạn biết cách sử dụng sở thích của mình lôi cuốn những người chung sở thích, bạn sẽ tạo được thu nhập trên ngành nghề phù hợp với mình.
  • Viết hay nói về sở thích của mình: Nếu yêu thích một lãnh vực hoặc chủ đề nào đó, bạn sẽ thích dành thời gian tìm hiểu, bổ sung kiến thức và luyện tập nó. Do đó, bạn có thể viết các cuốn sách về nấu ăn khi bạn có niềm đam mê nấu nướng, chế biến thực phẩm hay trở thành diễn giả chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết trong lĩnh vực mình say mê. Nhiều người có năng khiếu hội họa và gu thẩm mỹ, họ có thể sáng tác truyện tranh, thiết kế cho những tờ báo, tạp chí lớn hoặc những nhà xuất bản. Bạn yêu thích làm đẹp, bạn có thể viết blog chia sẻ về các bí quyết làm đẹp, sức khỏe hay thể dục thẩm mỹ.
Tuy nhiên, để không nhầm lẫn giữa sở thích và thú vui tức thời, bạn cần dành thời gian suy xét thật kỹ để đánh giá xem sở thích của mình có thực sự xứng đáng để bạn dành thời gian và tâm sức theo đuổi biến nó thành công việc ổn định trong tương lai hay không.

Đây có phải là thời điểm thích hợp để theo đuổi sở thích không?

Một số người nói thời gian tốt nhất để làm bất cứ điều gì là ngay bây giờ, nhưng biến sở thích của bạn thành công việc đòi hỏi phải đúng thời điểm. Hãy vạch ra khung thời gian bạn cần để chuẩn bị, vận hành và cân nhắc về cuộc sống cá nhân của mình.

Nếu bạn đang học một chuyên ngành khác và sắp tốt nghiệp, thì việc chuyển đổi chuyên ngành sẽ lãng phí thời gian và tài chính của gia đình không phải là lựa chọn tốt nhất vào thời điểm này. Hoặc nếu bạn đang có việc làm toàn thời gian, thì hãy thử bắt đầu sở thích như nghề tay trái (ngoài giờ) trước để bảo đảm tài chính của bạn không bị rủi ro.

1.Đây có phải là thời điểm thích hợp để theo đuổi sở thích không?

Một số người nói thời gian tốt nhất để làm bất cứ điều gì là ngay bây giờ, nhưng biến sở thích của bạn thành công việc đòi hỏi phải đúng thời điểm. Hãy vạch ra khung thời gian bạn cần để chuẩn bị, vận hành và cân nhắc về cuộc sống cá nhân của mình.

Nếu bạn đang học một chuyên ngành khác và sắp tốt nghiệp, thì việc chuyển đổi chuyên ngành sẽ lãng phí thời gian và tài chính của gia đình không phải là lựa chọn tốt nhất vào thời điểm này. Hoặc nếu bạn đang có việc làm toàn thời gian, thì hãy thử bắt đầu sở thích như nghề tay trái (ngoài giờ) trước để bảo đảm tài chính của bạn không bị rủi ro.

2. Bạn có kiên trì để biến giấc mơ thành hiện thực?

Hành động để biến giấc mơ của bạn thành hiện thực đòi hỏi một “liều lượng” lớn kiên trì, trong từng ngày và về lâu dài. Để có sự chuẩn bị tốt nhất, hãy viết ra những mục tiêu bạn cần đạt được trong thời gian ngắn hạn, dài hạn và những việc cụ thể bạn cần làm để có thể bắt đầu công việc yêu thích và kiểm tra sự kiên nhẫn và sự bền bỉ của bạn từ đó.

3. Sở thích của bạn có thể kiếm được tiền không?

Phần lớn mọi người duy trì công việc với mục đích nhằm bảo đảm các nhu cầu cơ bản của cuộc sống. Mặc dù tiền không phải là ưu tiên đối với một số người nhưng nhiều người khác phải tìm cách để kiếm sống. Sở thích của bạn có thể tạo ra tiền để giúp bạn bảo đảm cuộc sống không? Nếu không, bạn có thể làm gì để cân đối thu chi và không bị mắc nợ trong lúc ấy? Hãy chia sẻ với những người có kinh nghiệm về tài chính hoặc người thân, thầy cô, bạn bè để hiểu rõ hơn về các lựa chọn, rủi ro và tiềm năng cho sự nghiệp trong tương lai .

4. Bạn có thể dạy, thuyết trình hoặc viết về sở thích của mình không?

Tìm hiểu về phạm vi hoạt động của sở thích là một cách hay để có cái nhìn mới về tiềm năng công việc. Bạn có thể dạy người khác về sở thích của mình, thuyết trình hoặc thậm chí viết về nó. Chẳng hạn, nếu sở thích của bạn là các trò chơi điện tử thì bạn vẫn có thể viết bài để chia sẻ về trải nghiệm của mình cho những người có nhu cầu.

5. Bạn có thể xử lý tốt những lời chỉ trích?

Bạn bè, gia đình hay những người quan trọng khác sẽ có ý kiến riêng và lời khuyên khác nhau về nỗ lực và kế hoạch của bạn. Các phản hồi, cả tích cực và tiêu cực, có thể là một điều đầy thách thức trong việc biến sở thích của bạn thành công việc lâu dài.

6. Bạn có thể tận hưởng sở thích đó về lâu dài không?

Đây là câu hỏi quan trọng nhất trong tất cả. Bạn có từng nghĩ sẽ như thế nào nếu sở thích này gắn với bạn trong tất cả hoạt động trong cuộc sống không? 

7. Bạn có chịu được chuyện phải luyện tập sở thích này mỗi ngày liên tục nhiều giờ mà không thấy chán?

Hãy dành nhiều thời gian khám phá những gì bạn thực sự đam mê cũng như kiểm tra mức độ yêu thích của mình trước khi suy nghĩ chuyện biến sở thích thành nghề nghiệp tương lai. Nếu bạn thích điều gì đó nhưng không thể chịu được việc phải làm nó mỗi ngày hoặc  việc luyện tập nó liên tục không khiến bạn thấy hứng thú thì tốt nhất bạn nên tách biệt sở thích và sự nghiệp.

Còn ví dụ như bạn đam mê chơi đàn và có thể chơi mỗi ngày hàng giờ không thấy chán cũng như luôn háo hức được tập luyện để trở nên thuần thục hơn, bạn có thể xét đến việc biến sở thích chơi đàn thành công việc để kiếm tiền.

Chúng ta dành 1/3 thời gian mỗi ngày để làm việc. Vì vậy, hãy tìm một công việc để bạn thực sự tận hưởng nó.

Điểm tin tại Úc

University of Melbourne
Source: theage.com.au


Một tin tức gây khá shock cho giới giáo dục tại Úc tuần qua là việc trường Đại học University of Melbourne đình chỉ 18 sinh viên trong đó có du học sinh do sử dụng giấy chứng nhận sức khoẻ giả mạo từ những địa chỉ bác sĩ trực tuyến.

Hôi sinh viên của trường Melbourne cho rằng các sinh viên có vấn đề về sức khoẻ thường gặp khó khăn khi đặt hẹn với cơ sở khám sức khoẻ hoặc chi trả cho các chi phí y tế.

Vì vậy, họ tìm đến sự giúp đỡ từ các cộng đồng trực tuyến như Reddit, Yeeyi, Baidu và Wechat và trở thành đối tượng của các nhân vật giả danh bác sĩ ở trên đó để đơn giản hoá chu trình và tiết kiệm chi phí.

Bà Phoeobe Churches, quản lý về công đoàn và pháp lý của trường phát biểu với rằng: “Chi phí để du học sinh phải trả cho một cuộc hẹn với cơ sở y tế thường khoảng từ $70 đến $100- tạo điều kiện cho  những địa chỉ làm giấy tờ chứng nhận y tế giả mạo trục lợi với  chỉ  khoảng $20".

Những cái tên bác sĩ trên giấy tờ giả mạo là những người không có bằng cấp hành nghề và cũng  không đại diện cho những cơ sở y tế được chứng nhận.

Thông tin cho biết các sinh viên này đến từ năm chuyên ngành khác nhau. Khoảng một nửa số sinh viên đã nhận quyết định đình chỉ hoàn toàn. Trong đó, có sáu trường hợp đang  chờ kháng nghị lên hội đồng học thuật.

Tin tức nàh cũng là một cảnh báo cho các bạn du học sinh tại Úc nên cẩn trọng với những thông tin dịch vụ không chính thống với giá rẻ. Bởi những dịch vụ không hợp pháp đều chứa những rủi ro cho visa của bạn và nghiêm trọng hơn là tương lai của bạn sau này.

Mỗi tuần một điều không thể bỏ lỡ ở Úc

Fireside
Source: theherald.com.au


Thưa quý vị và các bạn du học sinh, mùa đông có lẽ là dịp để những lễ hội mang màu sắc và không khí ấm áp lan toả khắp các thành phố , trong đó có thủ đô Canberra với lễ hội Fireside diễn ra từ 18/8 – 02/9.  Lễ hội kéo dài cả tháng này chắc chắn sẽ giúp người dân và những ai thăm thành phố thời điểm này sẽ thấy vô cùng thú vị bên những ngọn lửa xua tan cái lạnh giá.

Những người đam mê ẩm thực sẽ yêu thích ngày hội ấm cúng của những món ăn và các loại rượu vang nổi tiếng dành cho khí hậu lạnh của vùng này.

Đến với Canberra vào tháng 8, chúng ta có thể thưởng thức món kẹo dẻo nướng và một tách chocolate nóng bên đống lửa ở Hall, chỉ cách Canberra có 25 phút lái xe. Ở ngôi làng Gundaroo nổi tiếng về ẩm thực, chúng ta còn có dịp được nếm món pizza nướng trên củi trong những chuồng ngựa cũ hay ăn một bữa tối ngon lành, ở đó ánh sáng của những ngọn lửa như nhảy múa qua từng món ăn.

Sau đó, chúng ta đến thăm những ruộng nho ở Lake George hay nhấm nháp rượu Muscatel. Những người cất rượu ở địa phương sẽ giới thiệu các loại rượu phong phú trong vùng – và những khí hậu ở những nơi đặc biệt khác nhau tạo nên các loại rượu này.

Thức ăn và rượu không phải là  đặc trưng duy nhất của Fireside Festival.  Điểm nhấn ở đây là buổi biểu diễn của Dàn Nhạc Giao Hưởng Canberra trong phòng bảo tồn rượu vang chứa đầy thùng rượu.

Ngoài ra, chúng ta còn được dịp chứng kiến ngọn lửa sáng tạo tại các triển lãm nghệ thuật được thổi bùng thú vị, những buổi đọc thơ do các nhà thơ địa phương tổ chức hay những buổi biểu diễn nghệ thuật làm gốm trên những lò nung bằng củi.

Vào cuối ngày, thú vui thư giãn với màn xoa bóp bằng đá nóng trước khi chìm vào giấc ngủ tại một ngôi nhà gỗ ở vùng nông thôn, một căn nhà trọ có điểm tâm hay một khách sạn trong thành phố Canberra là lựa chọn của những vị khách yêu thích không khí lễ hội Fireside.

Nếu ai đó đang tìm một địa điểm lý tưởng để trốn đông bên những ánh lửa bập bùng ấm áp, thì Canberra sẽ là một lựa chọn thú vị để bạn trải nghiệm.

Tìm hiểu thêm .
Truffle
Source: Weekendnotes
Ngoài ra, còn có một lễ hội thú vị khác tại Canberra mà quý vị và các bạn có thể tham gia là lễ hội nấm truffle kéo dài từ tháng 6 đến hết tháng 8. Đây là lễ hội ăn mừng mùa nấm truffle bội thu – loại nấm được xem là nổi tiếng và đắt nhất thế giới. Vào suốt 3 tháng diễn ra lễ hội, các bạn có thể đến thăm vườn nấm truffle và đi hái nấm truffle bằng cách theo chân những chú chó được huấn luyện với khứu giác cực nhạy để đánh hơi tìm ra dấu vết của loài nấm quý hiếm này. Người ta thường gọi là đi “săn” truffle vì loại nấm này mọc hoàn toàn tự nhiên trong rừng, hình dáng nhỏ bé, bề ngoài giống củ khoai tây lại nằm ẩn mình dưới các gốc cây nên không hề dễ dàng để tìm thấy.

Tại lễ hội này, bạn sẽ được tìm hiểu về nguồn gốc của loài nấm truffle, chiêm ngưỡng các buổi hướng dẫn nấu ăn của các đầu bếp tài hoa mà nguyên liệu chính là nấm truffle. Tất nhiên sẽ không thể thiếu được cơ hội thưởng thức các món ăn tuyệt vời này.

Tìm hiểu thêm bằng cách bấm vào .


Share