Du học ở Úc (177) Du học sinh mang mác ‘Việt kiều’ - vui hay buồn?

Có thai ngoài ý muốn là nỗi ám ảnh của nhiều du học sinh

Có thai ngoài ý muốn là nỗi ám ảnh của nhiều du học sinh Source: Pixabay

Nếu chuyện quà cáp hay chơi đẹp khi về nước khiến bạn phiền lòng, ngao ngán. Tại sao bạn phải gồng mình lên làm gì?


Thềm đón năm mới Tết Nguyên Đán đang đến rất gần. Nhiều người Việt, trong đó có các du học sinh đang tất bật mua sắm chuẩn bị chuyến bay về thăm quê hương và gia đình. Thế nhưng, xen lẫn giữa cảm xúc háo hức về thăm nhà là những nỗi lo. Khi nhiều bạn du học sinh đi một thời gian trở về, người thân bạn bè ở Việt Nam bỗng gắn chọ họ mác ‘Việt kiều’.

“Đi nước ngoài về là thành Việt kiều, mà Việt kiều là phải chơi sang”

Cái mác ‘Việt Kiều’ đó còn gắn liền với những suy nghĩ và mong đợi vô lý từ những người ở nhà. Phần lớn người thân của họ nghĩ rằng, xứ người là ‘miền đất hứa’ nên kiếm tiền rất dễ dàng, và chắc là ‘ở bển’ sống sung sướng lắm.

Từ đấy, hình thành suy nghĩ ‘thâm căn cố đế’ rằng cứ “sang bển” là thành Việt kiều, Việt kiều là người giàu có, Việt kiều về nước thế nào chẳng có quà cáp, bao cả gia đình, người thân ăn uống, mua sắm, du lịch.

Điều đó chẳng những làm mất niềm vui cho các du học sinh mà ngược lại còn trở thành gánh nặng cho các bạn.

V, một du học sinh ở Brisbane than thở:

“Mỗi khi về thăm nhà em vừa vui lại vừa rầu. Vui thì ai cũng hiểu, nhưng rầu là tốn kém quá. Tốn kém cho mình thì ít mà quà cáp thì nhiều. Quà cho gia đình, cho họ hàng, cho bạn bè thân, xã giao, người quen. Chuyện em đi du học ai cũng biết. Mỗi lần về là mọi người lại gọi ‘Việt kiều’ về, không có quà cáp cũng thấy kỳ.”

Một sinh viên tên Bình ở Sydney thì chia sẻ những khó khăn:

“Mình sang Úc đi học và còn đi làm thêm để chi trả sinh hoạt phí. Mỗi tháng mình dành dụm không được bao nhiêu hết. Tích cóp được bao nhiêu, mình dành mua vé về thăm nhà, Vậy mà mỗi lần về, tiền mình dành dụm cả năm xài có mấy tuần là hết sạch. Mọi người ở Việt Nam nghĩ bên Úc làm đươc nhiều tiền lắm nên mỗi khi đi ăn uống tụ tập với nhau là mình phải trả hết. Khi mình muốn phản đối thì mọi người hiểu lầm bảo mình Việt kiều mà keo.”

Cùng chung cảnh ngộ, Hòa, một sinh viên ở Sydney kể lại:

“Năm đầu tiên, mình mua vé về thăm nhà nên báo trước với bạn bè và người thân biết. Ai ngờ đâu hết người này đến người nọ nhắn nhờ mình mua đồ giùm. Rồi lúc mình về Việt Nam, họ nhận đồ xong không trả tiền lại cho mình. Mình hỏi thì họ nói Việt kiều về thăm nhà mua quà có bao nhiêu đâu mà tính toán quá vậy. Mình đứng hình luôn. Kể từ đó, mỗi khi về là mình im thin thít không báo cho ai hết, chỉ cho gia đình biết thôi. Mình thấy ngán ngẩm vì nhiều người ở Việt Nam cứ định kiến hễ người Việt sang nước ngoài là Việt kiều, có việc làm là giàu, về Việt Nam thì phải chơi sang, chơi xộp cho khỏi mất mặt.”

Du học sinh cũng có những vất vả nhưng chẳng bao giờ dám nói ra

Nước ngoài hay được xem là giấc mơ đổi đời của một số người. Nhưng ở trong chăn mơi biết chăn có rận.

Đời sống du học sinh nhiều lắm vất vả gian nan. Cuộc sống du học chỉ màu hồng khi các bạn đi theo học dạng học bổng chính phủ hay xuất thân từ gia đình có điều kiện. Những trường hợp còn lại, đa phần đều phải lăn lộn mưu sinh nơi xứ người.

Kế mưu sinh không dễ dàng khi Úc không phải là thiên đường, ngôn ngữ của họ không phải tiếng mẹ đẻ của chúng ta, kinh nghiệm và vốn sống địa phương của du học sinh thì hạn chế.

May mắn chỉ mỉm cười với những bạn đủ kiên trì, nghị lực để tìm cơ hội cho mình.

Có những bạn chấp nhận nuốt ngược nước mắt vào trong khi làm ở những nơi trả sai luật,  bị ăn chặn tiền lương, chịu bị chủ nhân bắt nạt vì mong muốn có được việc làm nhiều giờ và thu nhập trang trải sinh hoạt bản thân.

Đâu phải ai cũng biết đằng sau vẻ ngoài tươm tất, nụ cười rạng rỡ khi về thăm nhà kia là những chuỗi ngày làm lụng vất vả, tích cóp từng đồng.

Lương Úc một giờ chuyển đổi sang tiền Việt Nam nghe có vẻ cao nhưng lại chẳng là gì so với chi phí đắt đỏ ở Úc. Nhiều bạn chỉ vì mong có thêm tiền mua quà cáp cho những người ở nhà mà cố chịu làm thêm giờ nhận lương bằng tiền mặt , rồi làm cả cuối tuần, làm thêm 2, 3 công việc, đến khuya về thì mệt nhoài, mắt cay xè ráng thức học bài mà không dám than vãn với ai.

Các bạn nói ra thì sợ người xung quanh cười chê. Dẫu gì thì đi du học là lựa chọn của các bạn, là kỳ vọng của gia đình các bạn. Chia sẻ thì mấy ai đủ tinh tế để hiểu hay chỉ là cơ hội để họ áp đặt quan điểm quy chụp cho là các bạn tằn tiện.

Văn hoá và tư tưởng cũ như là thói quen. Chúng vẫn ở đó, và cần nhiều thời gian để thay đổi phát triển.

Chúng ta là những người trẻ, sang môi trường mới để mở mang và tiếp thu những điều văn minh. Vậy thì cớ gì chúng ta lại tự gò bó mình vào những định kiến cũ kỹ tạo áp lực cho bản thân ?

Cuộc sống du học đã đủ áp lực với gánh nặng cơm áo gạo tiền rồi. Thế thì chúng ta hãy thả lỏng bản thân mình một chút, để mỗi chuyến đi về thăm nhà trở nên nhẹ nhàng hơn. Hãy mở lòng và chia sẻ hoàn cảnh của mình tại Úc với người thân ở nhà để họ hiểu. Cuộc sống nơi xứ người không phải tất cả đều màu hồng như nhiều người nghĩ mà có nhiều hơn một gam màu. Đó là màu của những khó khăn, vất vả, màu của những nỗ lưc, phấn đấu.

 Chia sẻ không phải ca thán mà để có thêm động lực cho chúng ta cố gắng mỗi khi cuộc sống nơi xứ người trở nên bấp bênh, khi ta yếu lòng, bởi vì gia đình sẽ không bao giờ quay lưng với chúng ta.

Ngoài ra, nếu chuyện quà cáp hay chơi xộp khi về nước khiến bạn phiền lòng, ngao ngán. Tại sao bạn phải gồng mình lên làm gì?

Chúng ta không thể làm hài lòng tất cả mọi người, mà chúng ta chỉ cần làm hài lòng những người thât sự quan trọng với chúng ta, đó là gia đình.

Hãy thành thật với bản thân, với mọi người. Hãy chia sẻ để những người thật sự yêu mến, thật sự quan tâm đến chúng ta hiểu ta trân quý những đồng tiền của mình bởi đó là mồ hôi nước mắt, là giá trị lao động đánh đổi bởi thời giờ, công sức để kiếm được.

Hãy làm những gì bạn cảm thấy hạnh phúc, không hổ thẹn với lương tâm, không làm gia đình thất vọng.

Còn những người khác, họ vì thực dụng tìm đến bạn. Vậy lý do gì để bạn phải oằn vai gánh vác những đòi hỏi của cái mác Việt Kiều họ áp lên bạn?

Điểm tin tại Úc

AFC - Vietnamese U23 team
Source: AFC
Thứ 7 tuần vừa qua, có một sự kiện nức lòng tất cả các Hội Sinh Viên Việt Nam tại Úc.

Đó là Trận chung kết tranh cúp AFC giữa đội tuyển U23 Việt Nam và Uzbekista tại sân vận động Thường Châu, Trung Quốc.

Tỷ số chung cuộc là 1-2 nghiêng về đội tuyển Uzbekista đến từ Tây Á.

Tuy nhiên, trận đấu đã diễn ra những khoảnh khắc ấn tượng và gây xúc động cho nhiều người hâm mộ.

Sự tự tin, bình tĩnh, chuyên nghiệp và nỗ lực cống hiến không biết mệt mỏi đã giúp U23 Việt Nam được LĐBĐ châu Á (AFC) trao giải thưởng Fair-play (Đội bóng có lối chơi đẹp nhất ).

Các khán giả xem trực tiếp, xem tại nhà hay xem qua Internet tại Úc đều xem các cầu thủ đội tuyển U23 là những người hùng bởi tinh thần thi đấu thép đáng ngưỡng mộ dưới thời tiết tuyết rơi khắc nghiệt với cái lạnh dưới âm độ C tại Trung Quốc.

Khoảnh khắc các bạn dùng tay cào tuyết để chuẩn bị sẵn sàng cho bạn mình đá phạt còn đẹp hơn cả khoảnh khắc cầm cúp trên tay. Các chàng trai nỗ lực hết mình vì niềm tin của người hâm mộ chứ không nghĩ đến bản thân.

Giải đấu U23 châu Á khép lại với chiến tích Á quân châu lục cho Việt Nam.

Đây có thể là sự tiếc nuối khi đội không thể lên ngôi cao nhất, nhưng là cánh cửa mở ra nhiều kỳ vọng với lứa cầu thủ được xem như "thế hệ vàng" mới.

Uzbekista trở thành nhà vô địch của giải đấu, nhưng đội tuyển U23 Việt Nam, huấn luận viên và các chàng trai của đội đã thực sự là nhà vô địch trong lòng tất cả người hâm mộ.

Mỗi tuần một điều không thể bỏ lỡ ở Úc

Lần trước chương trình đã cập nhật các lễ hội tết Nguyên Đán sẽ diễn ra tại tiểu bang Victoria. Số này, mời quý thính giả cùng tiếp tục cập nhật các lễ hội đón tết Mậu Tuất tại New South Wales.

1/ The Uncommon Feast: Lunar New Year 2018

Thời gian: Thứ 4, ngày 7/02 từ 18h tới 19h30

Địa điểm: Tòa thị chính Ashfield

Sự kiện văn hóa đặc biệt tổ chức tại Tòa thị chính Ashfield, với sự góp mặt của các nhà văn châu Á – Úc nổi tiếng như Lachlan Brown, Wai Chim, …  

Đến tham gia, chúng ta sẽ nghe họ chia sẻ về văn hóa, bản sắc và các nét đẹp ẩm thức.

 “The Uncommon Feast” với điểm nhấn là buổi biểu diễn đàn tam thập lục, giới thiệu văn hóa trà đạo, có cả đồ ăn nhẹ và sách được bán, giới thiệu.

2/ Lunar New Year tại Parramatta

Thời gian: Thứ 6 ngày 16/02/2018, từ 16h30 tới 21h30

Địa điểm: Quảng trường Centenary, Parramatta

Dừng chân và tận hưởng các tiết mục văn hóa trình diễn tuyệt vời của các nghệ sĩ người Việt, Trung Quốc và Hàn Quốc.

Ngoài ra các bạn còn được tham dự các hoạt động bao gồm làm đèn lồng, tham gia các lớp nấu ăn, và thưởng thức ẩm thực.

Vào cuối lễ hội là màn trình diễn pháo hoa, thắp đèn lồng và múa lân.

3/ Lunar New Year tại Cabramatta

Địa điểm: Cabramatta Freedom Plaza, Fairfield Council.

Thời gian:  Thứ 7 ngày 03/03 tới ngày 04/03, tại 1A Dutton Ln, Cabramatta NSW 2166

Lễ hội bao gồm nhiều món ẩm thực tuyệt vời đến từ Việt Nam, được tổ chức có múa sư tử và rất nhiều sự kiện giải trí cho cả gia đình.

4/ Lunar New Year Festival tại Georges River

Thời gian: thứ 7 ngày 10 tháng Hai, bắt đầu từ 10h.

Địa điểm: Đường Forest, Trung tâm Georges River

Sự kiện kéo dài tự 10h tới 16h với nhiều gian hàng, hoạt động và các buổi trình diễn trên sân khấu. Ngoài ra vào buổi tối tại Hurtville, có một cuộc diễu hành đường phố nhiều màu sắc tại đường Forrest.

5/ Lunar New Year Celebrations tại Blacktown

Địa điểm: Blacktown City Council

Thời gian: Thứ 6 ngày 16 tháng 2, từ 17h – 21h

Khu vườn Chang Lai Yuan Trung Quốc tại Nurragingy Reserve sẽ được khoác một lớp áo sặc sỡ để chào đón năm mới.

Cùng gia đình, bạn bè đến tham gia vào sự kiện với nhiều màn trình diễn âm nhạc, ẩm thực và hội trợ. Còn có không gian cho trẻ em vui chơi, học làm đèn lồng, trang trí quạt,… múa sư tử và pháo hoa.

6/ Ryde Lunar New Year Celebrations

Địa điểm: Eastwood Plaza, Eastwood

Thời gian: CN ngày 17 tháng Hai, 24 tháng 2 và 3 tháng Ba.

Năm 2018 đánh dấu kỷ niệm 10 năm của lễ hội mừng năm mới âm lich, do đó thành phố đã lên kế hoạch tổ chức rất nhiều sự kiện đặc sắc. Đến và  tham gia thi nấu ăn vào thứ 7 ngày 17 tháng hai lúc 10h. Hội chợ đêm năm mới vào thứ bảy ngày 24 tháng hai từ 16h và ngày kỷ niệm chính vào 2 tháng 3 từ 11h.

7/ Sydney Chinese New Year Festival

Thời gian: Thứ 5 ngày 16 tháng hai tới chủ nhật ngày 4 tháng 3

Địa điểm: Trung tâm Sydney

Hơn một triệu người sẽ tụ tập tham giao 80 sự kiện đắc biệt tại lễ hội tết nguyên đán tại Sydney, khiến sự kiện này trở thành một trong những lễ hội mừng năm mới lớn nhất ngoài Trung Quốc. Tham dự để tìm kiếm con vật tuổi của mình giữa hang ngàn đèn lồng treo khắp thành phố và hòa vào dòng người thưởng thức văn hóa ẩm thực truyền thống tại phố người Hoa. Đặc biệt năm nay Sydney sẽ được trang hoàng bởi một đèn lồng khổng lồ mô tả linh vật của năm mới.

Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share