Thảm sát Thiên An Môn: Ký ức khủng khiếp ở cả hai phía

Guo Jian

Artist Guo Jian making a diorama of Tiananmen Square using raw pork mince in 2014. Source: Supplied

Hai nhân chứng tại quảng trường Thiên An Môn trong cuộc đàn áp diễn ra vào năm 1989 đã kể lại cho SBS News rằng cái ngày kinh hoàng đó đã thay đổi cuộc đời họ mãi mãi. Vào thời điểm đó họ là những người đứng ở hai phía đối nghịch, nhưng giờ đây ba thập niên trôi qua, họ có cùng mong muốn là không để cho sự kiện Thiên An Môn bị chôn vùi trong quên lãng.


Guo Jian là một trong hàng ngàn sinh viên những người đã xuống đường với sự thôi thúc và niềm hy vọng về một xã hội minh bạch và dân chủ cho Trung Hoa đại lục.

"Vào khoảng thời gian từ 1985-89, đó là khoảng thời gian mà tôi nghĩ nó cởi mở nhất trong lịch sử Trung Quốc. Vào thời gian đó đã có những mong muốn rất mạnh mẽ về một sự thay đổi."

Hy vọng về một sự thay đổi đó đã dẫn ông tham gia vào cuộc biểu tình và cùng với hàng trăm sinh viên khác tuyệt thực yêu cầu chính quyền đối thoại với sinh viên.

Vào những tuần trước khi xảy ra vụ đàn áp đẫm máu kinh hoàng, Guo Jian nói các sinh viên rất lạc quan tin tưởng vào việc mình làm là sẽ đạt được mục đích.

"Tât cả chúng tôi nghĩ rằng tình huống này sẽ phải kết thúc, có nghĩa là chúng tôi sẽ thắng. Không ai có thể ngờ rằng quân đội lại có thể nã súng vào chúng tôi. Chúng tôi chỉ nghĩ rằng bât quá họ khiêng chúng tôi đi vì chúng tôi đang tọa kháng, hoặc tệ hơn là đánh rồi lôi kéo chúng tôi đi mà thôi."

Vào những giờ đầu tiên của ngày 4/6 quân đội và xe tăng đã tràn vào quảng trường.

"Trong làn khói và ánh sáng mờ mờ chúng tôi nhìn thấy bóng dáng của binh lính và các chiếc xe tăng đang tiến về phía chúng tôi, và đó là lúc tôi hiểu chuyện gì đang xảy ra."

Guo Jian và bạn mình đã bỏ chạy và núp trong một bệnh viện gần đó.

"Khi chúng tôi chạy tới phía trước chúng tôi thấy máu khắp mọi nơi, đầy trên đất và máu dầy lên chứ không phải là nó loang. Và trong bệnh viện thì tràn ngập người bị thương và người chết."

Cựu quân nhân Li Xiao Ming, nhớ lại những gì đã xảy ra ở tư thế là người trực diện với những người biểu tình.

Vào năm 1989 Li Xiao Ming nằm trong đội quân được lệnh ti ến về quảng trường Thiên An Môn để đàn áp phong trào sinh viên bằng bất cứ giá nào.

Ông cảm thấy may mắn vì chỉ huy sư đoàn của ông đã tảng lờ lệnh trên đưa xuống là đưa quân tiến vào quảng trường Thiên An Môn sau khi tin tức về cuộc tàn sát đẫm máu đang diễn được tiết lộ.

Vì thế ông đã cho sư đoàn tiến quân chậm và chỉ đến quảng trường vào ngày 5/6 lúc mà cuộc nã súng và tàn sát đã bớt hẳn.

"Vào lúc đó tôi cảm thấy kinh hoàng và hổ thẹn, cho dù lúc đó khi tôi vào tôi đã không còn nhìn thấy một các xác nào nữa nhưng tôi đã nhìn thấy bằng chứng, tôi n hìn thấy máu và những vết đạn. Tôi cảm thấy hổ thẹn và có lỗi."

Hiện nay Li Xiao Ming đang sống ở Úc và hối tiếc vì đã tham gia trong đội quân đàn áp chính người dân của mình.

Gần đây ông gặp Fang Zheng, một cựu sinh viên tham gia biểu tình người đã mất hai chân vì cố cứu một bạn học trong cuộc đàn áp ở Thiên An Môn.

Ông Li kể lại đó là một giây phút xúc động.

"Tôi cảm thấy kinh khủng ngay cả lúc này, dù 30 năm đã trôi qua. Đây là lần đầu tiên tôi gặp người thủ lãnh sinh viên, tên của anh là Fang Zheng. Anh đã cố gắng bảo vệ một người bạn cùng lớp nhưng cả hai chân của anh đã bị xe tăng cán qua. Tôi nghĩ điều đó thật khó mà diễn tả nổi, tôi nghĩ đó là tội ác chứ không phải là một tai nạn."

Guo Jian cũng đã tới Úc sống từ năm 1992.

Tuy nhiên những gì đã xảy ra 30 năm trước vẫn còn ám ảnh ông cho đến ngày hôm nay.

"Mỗi khi nghe tiếng xe cứu thương hay tiếng còi xe cảnh sát hay xe cứu hỏa thì lập tức tôi nghĩ ngay tới những gì đã xảy 30 năm trước và nó làm tôi bồn chồn bất an giống như thể là sắp sửa có một vụ nổ súng hay nã đạn một lần nữa. Cảm giác đó chưa bao giờ rời tôi, nó vẫn còn ở đây ở ngay đây."

Để đánh dấu 30 years, Guo Jian đang phục hiện lại mô hình về cuộc tàn sát đẫm máu Thiên An Môn.

Mô hình này được ông làm một lần vào kỳ kỷ niệm đánh dấu 25 năm thảm sát Thiên An Môn. Nó được làm bởi 160 kg thịt heo sống thế nhưng nó đã bị phá hoại trước khi có thể trình làng với công chúng.

Và lần này thì ông hy vọng mô hình mới này có thể ra mắt công chúng.

"Nghệ thuật sắp đặt là sức mạnh của tôi. Tôi có thể gởi thông điệp tới mọi người qua tác phẩm và tôi muốn mọi người biết về sự kiện này và tôi sẽ không bao giờ quên những gì đã xảy ra ở Quảng trường Thiên An Môn."

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Thêm thông tin và cập nhật Like   

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share