Thế hệ trẻ trong nước nghĩ gì về ngày 30/4?

A street in Hanoi, Vietnam.

A street in Hanoi, Vietnam. Source: Pixabay

“Ngày 30/4 có phải ngày thống nhất, ngày để ăn mừng không?” là câu hỏi mà SBS Việt ngữ đặt ra cho những bạn trẻ sinh sau năm 1975, đang sinh sống và làm việc ở miền Bắc Việt Nam.


Cả sáu người được hỏi đều là những người đã đi học và lớn lên trong chế độ XHCN, chưa từng đi du học để có thể nói rằng phương Tây đã ảnh hưởng đến suy nghĩ của họ.

Họ đã nói gì về ngày 30/4?

Anh D., một thanh niên sống ở Hà Nội - “Cái gọi là “ngày giải phóng” là ngày khiến bao nhiêu người đang rất đau buồn”

Không hiểu họ đặt mục tiêu gì, họ muốn thêu dệt nên chiến thắng của họ, nhưng mà họ không biết được rằng bao nhiêu người, đồng bào ở hải ngoại, thậm chí cả ở trong nước cũng đang rất đau buồn vì những ngày như vậy. Và những việc đáng ra phải làm nhiều hơn là làm sao để hoà hợp hoà giải, để gắn kết cả một cộng đồng đoàn kết người Việt trên toàn thế giới, thì họ lại không làm.

Anh T., người lớn lên trong một gia đình Đảng viên - “người dân khi được tiếp cận với mạng xã hội đã thay đổi nhận thức về ngày 30/4”

Không khí trước ngày 30/4 là điều rất dằn vặt và nặng nề. Đặc biệt tôi thấy nhận thức của những người ở khu vực phía bắc, ta gọi nôm na là người bên thắng cuộc, thì phải nói rất tâm tư.

Tâm lý của người dân khi được tiếp cận với internet, tiếp cận những sự thật của lịch sử, họ rất buồn. Họ trao đổi, hỏi nhau trên mạng, và chia sẻ với nhau những câu chuyện mà từ trước đến nay chúng tôi không biết, chúng tôi bị che giấu. Tôi nghĩ là sự suy nghĩ về 30/4 sẽ không bình thường như những năm khác.

Anh B. thanh niên bươn chải sống với đủ thứ nghề ở Sài Gòn - “’ngày giải phóng’ chỉ là cuộc chiến giúp Tàu Cộng và Liên Xô”

Cái thời điểm ngày xưa ngồi dưới mái trường, thì ngày 30/4 gọi là ngày giải phóng. Sau này hiểu ra được sự thật lịch sử thì ngày 30/4 là một ngày buồn của dân tộc Việt Nam, một ngày nhuộm máu quê hương. Người ta thường gọi là tháng Tư đen. Ngày mà người Cộng sản Bắc Việt đã vào đánh, giết, cướp quê hương của người miền nam Việt Nam Cộng hoà.

Cái mà người Cộng sản cho là cuộc giải phóng đó chỉ là trận đánh giúp cho Tàu Cộng và Liên Xô để họ cố tình xây dựng lên lịch sử và truyền thống để mị dân.

Anh K., một thanh niên sống ở miền Nam, được giáo dục hoàn toàn ở trong môi trường xã hội chủ nghĩa -“không có ngày 30/4 có lẽ tốt hơn”

Giải phóng miền nam thống nhất đất nước là cách nhìn nhận của em khi còn đi học thôi, bởi vì em đã biết được hậu quả của ngày đó. Trong gia đình, dòng họ em cũng có những người chết. Và em biết cuộc sống trước và sau 1975 như thế nào cho nên em đánh giá đó là ngày rất đau thương, ngày không tồn tại luật pháp, thậm chí họ có thể giết người công khai mà không cần chờ đợi tới pháp luật. Nếu không có ngày đó thì sẽ tốt hơn.

Chị T. người đã xuống đường phản đối Trung Quốc lấn chiếm biển đảo Việt Nam - “Hơn 40 năm sau ngày 30/4 đã đủ cho thế giới thấy sự phi nhân của Cộng sản”

Ước mơ lớn nhất đối với mình, trong đất nước mình, là được tự do. Tự do thực sự theo ý nghĩa của tự do, chứ không phải tự do trong một nhà tù lớn như thế này. Hơn bốn mươi năm là quá đủ, quá đủ cho cả mọi người trên thế giới và cả đất nước đã nhận thấy sự phi nhân và bất nghĩa của Cộng sản, của nhà cầm quyền này. Nó chỉ là một hệ thống tuyên truyền và dối trá, nó là một cái bánh vẽ.

Người dân cũng nhận ra được đấy, nhưng trong một chính quyền dùng bàn tay sắt cai trị như thế này, dùng nhà tù và đàn áp, thì người dân vốn đã lo cơm áo gạo tiền đã rất vất vả rồi nên người ta thường né những vấn đề về chính trị. Cái bánh vẽ đó người ta nhận ra được thì chúng nó lại dùng nhà tù. Nên mình ước mơ hai chữ tự do, thực sự tự do, chứ không phải tự do trên giấy tờ, không phải trên những ký kết của nhà cầm quyền này đối với thế giới để họ nhận lại được một lợi ích nào đó cho họ.

Anh D., một người thanh niên ở Hà Nội - “gia đình mình đã không còn tổ chức ăn mừng ngày 30/4 nữa”

Ngày xưa ở nhà mình mọi người hay có truyền thống, mà mình thấy nhiều nhà người miền bắc cũng thế, đó là kỷ niệm ngày thống nhất đất nước 30/4.

Nhưng mình nhớ rõ là đến ngày 30/4/2012, là một năm sau khi mình đi biểu tình, thì ở nhà mình chính mình là người khởi xướng một cuộc cãi vã rất khốc liệt về ngày 30/4.

Ở nhà mình bây giờ cũng chia thành hai phe, một phe vẫn ủng hộ, và mình nghĩ là vẫn sợ Cộng sản, và phe còn lại là thấy rõ bản chất của chế độ và cho rằng cần phải thay đổi, và họ cũng nhìn nhận về 30/4 một cách rất khác.

Để mà nói về ngày này thì rất dài, nhưng chỉ nói một câu của ông Võ Văn Kiệt là “ngày có hàng triệu người vui, nhưng cũng có hàng triệu người buồn” và nó dấy lên một cuộc tranh cãi ngay giữa mâm cơm, và từ đó gia đình mình cũng không tổ chức ngày 30/4 nữa.

** Tên nhân vật đã được thay đổi

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share