Anh trước mối đe dọa về một Brexit không có thỏa thuận

British Prime Minister Theresa May and  European Commission President Jean-Claude Juncker

British Prime Minister Theresa May and European Commission President Jean-Claude Juncker Source: AAP

Các nhà ngoại giao tuyên bố, Vương quốc Anh và Liên minh Âu châu đang tiến gần hơn đến một thỏa thuận pháp lý nhằm tránh việc Anh rời khỏi khối vào tháng tới mà không có thỏa thuận nào cả. Tuy nhiên, mối đe dọa của một Brexit không có thỏa thuận cũng như những hậu quả nhãn tiền của nó, đang đòi hỏi cả hai bên phải cấp bách hành động.


Vương quốc Anh sẽ ​​khỏi Liên hiệp Âu châu vào ngày 30/3 tới. Với tình hình hiện nay, rất có khả năng là nước này sẽ rời khối Liên hiệp Âu châu mà không có thỏa thuận nào cả. Và điều này có thể sẽ gây ra nhiều thiệt hại cho nền kinh tế lớn hàng thứ năm trên thế giới này.

Hiện thì cả Liên hiệp Âu châu lẫn vương quốc Anh đều khẳng định, họ đang làm hết sức để tránh chuyện đó, tức là nguy cơ về một Brexit không có thỏa thuận.

Tuy nhiên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker lại tỏ ra không mấy lạc quan vào kết quả của những nỗ lực như vậy.

Ông nói: “Nếu không có thỏa thuận nào và thực sự thì tôi cũng không thể loại trừ khả năng này, thì điều này sẽ gây ra hậu quả kinh tế và xã hội khủng khiếp, cho cả Anh lẫn các quốc gia Âu châu khác. Và bởi vậy, những nỗ lực của tôi hiện tập trung vào việc tránh không để những điều tồi tệ nhất xảy đến. Tuy nhiên, tôi không lạc quan cho lắm khi nói về chuyện này”.

Còn phía bên kia của các cuộc đàm phán, Bộ trưởng Tài chính Anh Philip Hammond thì có chút lạc quan hơn.

Ông nói: “Tôi luôn nói rõ ràng rằng, việc không có thỏa thuận sẽ dẫn đến kết quả rất tồi tệ cho đất nước này. Vì vậy, tất cả những gì tôi làm hàng ngày đều xoay quanh việc bảo đảm là chúng ta sẽ tránh được điều đó. Và cách để tránh một Brexit không có thỏa thuận là ký kết thỏa thuận mà chúng ta thương lượng được với Quốc hội. Và điều đó có nghĩa là, chúng tôi phải giải quyết cho được các quan ngại mà các nghị sĩ đã nêu lên. Đó chính xác là những gì chúng tôi đang làm vào lúc này”.

Việc đồng ý với một bản thỏa thuận để được Quốc hội Anh chấp nhận vẫn còn là một vấn đề.

Điểm ngẽn lớn nhất hiện nay vẫn là cái gọi là ‘chốt chặn cuối’  (‘backstop’ trong tiếng Anh) với Ireland, tức thỏa thuận duy trì đường biên giới mềm giữa Cộng hòa Ireland và vùng lãnh thổ Bắc Ireland của Vương quốc Anh như hiện nay, ngay cả trong trường hợp là trong tương lai, thỏa thuận thương mại hậu Brexit giữa Vương quốc Anh và Liên hiệp Âu châu không thể được ký kết.

Điều này rất quan trọng, bởi Bắc Ireland là một phần của Vương quốc Anh, trong khi Ireland là một quốc gia riêng biệt và cũng là một thành viên của Liên hiệp Âu châu.

Quốc hội Anh đã yêu cầu Thủ tướng Anh Theresa May nhằm thay thế 'chốt chặn cuối'. Tuy nhiên, Liên hiệp Âu châu tỏ ra không mặn mà với việc đàm phán lại.

Sau vòng đàm phán mới nhất, diễn ra đầu tuần này, chính phủ Anh cho biết là họ sẽ không thúc đẩy chuyện này một cách tích cực nữa.

Chính phủ Anh cho biết, họ đang làm việc nhằm bảo đảm rằng, chốt chặn cuối phù hợp về mặt pháp lý; cũng như tìm các thỏa thuận thay thế.

Sau chuyến thăm của Thủ tướng Anh đến Brussels nhằm thuyết phục Liên hiệp Âu châu chấp nhận đề xuất mới của London giúp cứu vãn thỏa thuận Brexit trước nguy cơ đổ bể, phe đối lập Anh chỉ trích bà May.

Nhà lãnh đạo phe đối lập của Anh, ông Jeremy Corbyn nói rằng, bà May quá cứng đầu và đang gây nguy hiểm cho đất nước khi làm vậy.

“Vấn đề là bà Thủ tướng cứ khăng khăng với bản thỏa thuận của mình, cho dù bà ta đã và đang câu giờ bằng cách nhấn vào mối đe dọa của sự không có thỏa thuận với tất cả những thiệt hại mà nó gây ra, khi đàm phán” – ông Corbyn nhấn mạnh.

Ông Corbyn tiếp tục bảo vệ ý tưởng mà ông từng trình ra trước Quốc hội, là đưa Brexit hoặc các thỏa thuận Brexit, ra trưng cầu dân ý. Nhưng Quốc hội đã không ủng hộ cho ý tưởng đó.
“Brexit là triệu chứng cho thấy sự tan rã của Liên minh châu Âu. Và đây chỉ là một trong nhiều triệu chứng. Có thể là nó đặc biệt ấn tượng bởi sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc, nhưng nó cũng chỉ là một phần của động lực đang làm phân rã khối này" - cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp, Yanis Varoufakis.
Đề xuất về việc đưa các thỏa thuận Brexit ra trưng cầu dân ý cũng có nguy cơ tiến gần tới một đề xuất của một số nhà vận động chống Brexit, rằng nên trưng cầu dân ý lần thứ hai về việc Anh rời khỏi Liên hiệp Âu châu. Ý tưởng này bị những người ủng hộ Brexit đả kích kịch liệt, nói rằng đây là ý kiến của những nhà chính trị ăn hại, thua cuộc và thiếu thực tế.

Tuy nhiên, ông Corbyn bảo vệ ý tưởng mà ông từng đưa ra trước Quốc hội nói trên. Ông nói rằng, bất kể trong cuộc trưng cầu dân ý về Brexit năm 2016, người dân đứng về phía nào thì họ đã và sẽ không không muốn xảy ra những hậu quả như vậy của Brexit.

Tuy nhiên, cựu Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp, ông Yanis Varoufakis - người từng nổi tiếng với những cuộc tranh cãi với Liên hiệp Âu châu - lại cho rằng, Liên hiệp Âu châu đang suy yếu và việc Vương quốc Anh muốn ra khỏi khối này là một biểu hiện của sự suy yếu đó.

“Brexit là triệu chứng cho thấy sự tan rã của Liên minh châu Âu. Và đây chỉ là một trong nhiều triệu chứng. Có thể là nó đặc biệt ấn tượng bởi sẽ dẫn đến hậu quả thảm khốc, nhưng nó cũng chỉ là một phần của động lựcđang làm phân rã khối này. Bi kịch chúng ta bây giờ là một cuộc đàm phán được gọi là đàm phán giữa Brussels và London nhưng cả Brussels lẫn London đều không đưa lợi ích của người dân châu Âu lên đầu trong danh sách ưu tiên của họ khi đàm phán” – ông Yanis Varoufakis nói.

Và với việc bà May vẫn cố gắng để có được những thay đổi đối với thỏa thuận Brexit trước khi đưa ra Quốc hội bỏ phiếu thêm lần nữa, những ưu tiên đó trong thỏa thuận sẽ sớm trở nên rất rõ ràng hơn.


Share