Thủ tướng Anh không còn nhiều sự lựa chọn cho Brexit

Britain's Prime Minister Theresa May.

Britain's Prime Minister Theresa May. Source: AAP

Thủ tướng Theresa May sẽ phải yêu cầu Liên minh Âu châu gia hạn ngày nước Anh ra khỏi khối này, mặc dù không chắc kéo thêm một thời gian có giải quyết được gì khi mà quốc hội bác bỏ thỏa thuận Brexit hiện có trong khi Brussels đã loại trừ khả năng tái đàm phán.


Thủ tướng Anh Theresa May ngày càng lún sâu vào tình thế tiến thoái lưỡng nan.

Ngày hôm qua chính phủ của bà một lần nữa đệ trình thỏa thuận Brexit với hy vọng sẽ được thông qua mặc dù quốc hội đã bác 2 lần trước đó. Nhưng Chủ tịch Quốc hội, John Bercow, không cho tiến hành biểu quyết trừ khi có những thay đổi đáng kể trong thỏa thuận của bà May.

"Chính phủ không thể đệ trình ra quốc hội một thỏa thuận cũ, hay nói chung không khác gì so với tuần trước, vốn đã bị bác với 149 phiếu," ông Bercow nói.

Nay thì bà May không còn sự lựa chọn nào khác là phải qua Brussels xin trì hoãn ngày Anh quốc phải ra khỏi EU.

Nhưng chưa chắc xin trì hoãn là được. Thương tuyết gia của EU về Brexit, Michel Barnier nói rằng các lãnh đạo của EU cần biết một cách chắn chắc tại sao Anh quốc muốn trì hoãn.

"Mục đích và kết quả của sự gia hạn là gì? Và làm sao bảo đảm về cuối của sự gia hạn khả dĩ đó chúng ta không phải lại rơi vào tình trạng cũng y như hiện nay?"

Chủ biên chính trị của đài truyền hình ITV ở Anh, ông Robert Peston, nghĩ xin trì hoãn ngắn hạn thì may ra, chứ Thủ tướng May sẽ không xin được trì hoãn lâu hơn.

"Tôi nghĩ họ sẽ nói là nếu Anh quốc trì hoãn, bà May sẽ phải cung cấp thêm chi tiết. Ví dụ hoãn đến cuối tháng 6 thì gia hạn đó để làm gì? Có thể là để bà tìm cách thông qua thỏa thuận."

"Nhưng sẽ rất khó để trì hoãn lâu hơn nữa bởi vì bà không thể chắc làm sao để có được đa số trong quốc hội như hiện nay," ông Peston nói.

Phóng viên Bianca Nobilo, của đài CNN theo dõi chuyện Brexit lâu nay nói bà May có 2 sự lựa chọn, một là thuyết phục EU nhân nhượng trong thỏa thuận Brexit, hoặc vận động sự ủng hộ của đại đa số dân biểu để quốc hội có thể biểu quyết lần thứ ba.

"Bà Theresa May cần thuyết phục EU để đem về một sự nhân nhượng đáng kể nào đó. Nhưng chúng ta đã biết giới lãnh đạo Âu Châu loại trừ khả năng đó rồi. Như vậy bà May có đạt được gì không phải chờ xem."

"Bà ấy có thể tìm cách thay đổi quyết định của chủ tịch quốc hội nhưng phải cần có sự ủng hộ của đa số các dân biểu."

"Còn một khả năng nữa mà người ta bắt đầu nói đến đó là sự can thiệp của Hoàng gia. Bà May thật sự không còn nhiều sự lựa chọn," phóng viên Nobilo bình luận.

Nhiều chính trị gia ở Anh nghĩ rằng EU tất nhiên sẽ gia hạn ngày Anh quốc ra khỏi EU. Tuy nhiên Brussels chỉ làm vậy kèm theo một số điều kiện.

Thương thuyết gia của EU Michel Barnier cảnh báo rằng EU đã chuẩn bị sẵn sàng nếu Anh quốc rời khỏi EU mà không có thỏa thuận.

"Mọi người nên hoàn tất việc chuẩn bị cho tình huống ra khỏi EU mà không có thỏa thuận. Về phía EU chúng tôi đã chuẩn bị rồi. Nghị viện Âu châu và Hội đồng Âu châu đã thông qua hầu hết các biện pháp dự phòng rồi."

Chủ biên Âu Châu của đài BBC Katya Adler nhận xét rằng EU không tin tưởng lắm vào thủ tướng Anh và cảm thấy khó chịu khi các chính trị gia ở Anh có vẻ hướng nội mà không màng đến sự tốn kém nếu trì hoãn ngày ra khỏi EU.

Nhưng cho dù bà May có thể xin gia hạn được lâu hơn, phó chủ biên chính trị của đài SkyNews, Beth Rigby nghĩ rằng ghế thủ tướng của bà May đang rất bấp bênh. 

"Các dân biểu không muốn ra khỏi EU mà không có thỏa thuận. Không cần biết 30 hay 40 dân biểu ủng hộ Brexit theo bà May nhưng mà đại đa số các dân biểu đều không muốn."

"Cho dù nếu họ đồng ý để bà May gia hạn lâu hơn ngày ra khỏi EU thì bà cũng sẽ rơi vào tình huống còn bấp bênh hơn. Tôi nghĩ các dân biểu ủng hộ Brexit trong Đảng Bảo thủ đang tìm một cách nào đó để loại bà May," phóng viên Rigby tiên đoán.

Ngày hôm qua một số dân biểu hàng ghế sau thuộc phe ủng hộ Brexit đã công khai yêu cầu bà May từ chức.

Share