Thủ tướng Anh không thể tận hưởng “Ngày Tự do” vì bị cách ly

UK's Boris Johnson in self-isolating after COVID-19 contact

UK's Boris Johnson in self-isolating. Source: Reuters

Thủ tướng Anh Boris Johnson đang kêu gọi mọi người thận trọng khi hầu hết các hạn chế COVID-19 được dỡ bỏ ở Anh. Nhưng bản thân ông Johnson không thể tận hưởng cái được gọi là “Ngày Tự do”, khi ông phải tự cách ly 10 ngày.


Hôm nay (19/7) được gọi là 'Ngày Tự do' ở Anh, khi nước này dỡ bỏ hầu hết các hạn chế coronavirus.

Nhưng Thủ tướng Boris Johnson và Bộ trưởng tài chánh Rishi Sunak không được tự do, phải tự cách ly 10 ngày sau khi họ được cho là có tiếp xúc gần với Bộ trưởng Y tế Sajid Javid đã dương tính với COVID.

"Chúng tôi đã xem xét ý tưởng về việc chúng tôi tham gia chương trình thử nghiệm, cho phép mọi người tiếp tục làm việc và xét nghiệm hàng ngày. Nhưng tôi nghĩ điều quan trọng hơn là mọi người tuân thủ các quy tắc giống nhau, và đó là lý do tại sao tôi sẽ tự cách ly đến ngày 26 tháng Bảy. Tôi biết điều đó rất khó chịu. Nhưng tôi thực sự kêu gọi mọi người bám sát chương trình và có hành động thích hợp khi được cơ quan y tế yêu cầu." - ông Boris Johnson nói. 

Tỷ lệ nhiễm mới ở Vương quốc Anh đang thuộc hàng cao nhất thế giới, với hơn 48.000 ca nhiễm mới và 25 ca tử vong trong 24 giờ qua.

Một trong các nhà khoa học hàng đầu của chính phủ cảnh báo số trường hợp có thể lên tới 200.000 mỗi ngày, trong bối cảnh không còn bắt buộc đeo khẩu trang ở hầu hết các nơi, các giới hạn cuộc tụ tập và sự kiện được dỡ bỏ và các hộp đêm mở cửa trở lại.

Nhưng ông Johnson khẳng định rằng nguy cơ có thể kiểm soát được vì hiện nay hơn 2/3 dân số trưởng thành của Anh đã chích ngừa đầy đủ.

"Đây là thời điểm thích hợp, nhưng chúng ta phải hành động thận trọng. Chúng ta phải nhớ điều đáng buồn là virus vẫn còn ở ngoài kia. Các ca bệnh đang tăng lên, quý vị có thể thấy mức độ lây lan cao của biến thể Delta. Nhưng chúng tôi cảm thấy an ủi và hài lòng vì rõ ràng là chương trình tiêm chủng quy mô lớn đã làm suy yếu mối liên hệ giữa các ca nhiễm, nhập viện và tử vong.”

Tại Pháp, biến thể Delta đang tiếp tục lây lan nhanh, với hơn 12.500 trường hợp mới được phát hiện.

Số ca nhiễm cũng gia tăng ở Hy Lạp, dẫn đến việc đảo Mykonos phải đặt lại lệnh giới nghiêm hàng đêm. Điều này khiến du khách Hy Lạp có nhiều phản ứng trái chiều.

"Điều đó không tốt cho đảo Mykonos, không tốt cho việc kinh doanh ở đây cho những người làm việc ở đây." – một nam du khách nói.

"Nhưng tôi nghĩ vì sự an toàn của mọi người, cá nhân tôi không bận tâm, tôi nghĩ sự an toàn tốt hơn là lờixin lỗi." – một nữ du khách cho biết.
Tại Hoa Kỳ, hàng triệu người vẫn chưa chích ngừa coronavirus, mặc dù vắc-xin đã có sẵn.
Khoảng 186 triệu người ở Hoa Kỳ đã chích ngừa ít nhất một liều, và hơn 161 triệu người hiện đã tiêm chủng đầy đủ.

Nhưng bác sĩ phẫu thuật Vivek Murthy nói với CNN rằng khi số ca COVID-19 ngày càng gia tăng ở mọi tiểu bang, ông lo lắng cho những gì sắp tới.

"Chúng tôi thấy 99,5% số ca tử vong do COVID-19 ở Hoa Kỳ vào thời điểm này là ở những người chưa chích ngừa. Vì vậy điều quan trọng là chúng ta phải thực hiện mọi biện pháp để bảo đảm mọi người có thông tin mà họ cần biết về vắc-xin, bảo đảm họ được chích ngừa càng nhanh càng tốt. Đó là cách nhanh nhất, hiệu quả nhất để thoát khỏi đại dịch này."

Biến thể Delta cũng làm gia tăng số ca nhiễm trên khắp Indonesia, nơi đang trở thành tâm dịch mới, với gần 45.000 ca nhiễm mới và 1.000 ca tử vong được ghi nhận.

114 bác sĩ Indonesia đã tử vong vì COVID-19 từ ngày 1 đến ngày 17 tháng 7 - chiếm hơn 20% số nhân viên y tế tử vong kể từ đầu đại dịch.

Tại Thái Lan, hơn 1.000 người đã biểu tình kêu gọi Thủ tướng Prayuth Chan-ocha từ chức vì không xử lý tốt đại dịch. Nước này tiếp tục chứng kiến ​​số ca nhiễm hàng ngày gia tăng với mức cao kỷ lục là 11.397 trường hợp.

Chính phủ Thái Lan đã cấm tụ tập nhiều hơn 5 người ở Bangkok. Nhưng người biểu tình mong muốn có biện pháp hiệu quả hơn.

Chính phủ quản lý kém và nếu chúng tôi không làm bất cứ điều gì thì sẽ chẳng có gì thay đổi. Chúng tôi muốn có một biện pháp kịp thời hơn. Họ nên mở rộng tầm nhìn và nhìn xem người dân sống như thế nào chứ khôngthể giống như một nhà độc tài. Tôi cảm thấy rất thất vọng."

Trong khi đó, các nhà tổ chức Thế vận hội Tokyo đang báo cáo ca nhiễm COVID-19 đầu tiên trong làng vận động viên, dẫn đến những lo ngại về sự an toàn của Thế vận hội. Hai cầu thủ từ Nam Phi có kết quả xét nghiệm dương tính với coronavirus, trong khi 10 trường hợp mới khác có liên quan đến Thế vận hội cũng được phát hiện.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share