Tiếp xúc khói bụi ô nhiễm làm tăng nguy cơ đau tim

Thick smoke obscures the Sydney Opera House and Sydney Harbour  bridge

Thick smoke obscures the Sydney Opera House and Sydney Harbour bridge Source: AAP

Các nhà nghiên cứu Úc cảnh báo tiếp xúc với khói bụi từ cháy rừng có thể nguy hiểm đến tính mạng – ngay cả với những người không mắc các chứng bệnh liên quan tới hô hấp. Nghiên cứu mới chỉ ra rằng chỉ cần tiếp xúc với không khí ô nhiễm trong ba ngày sẽ khiến bạn có khả năng lên cơn đau tim.


Mùa cháy rừng năm nay đối với nước Úc đã trải qua nhiều nỗi đau đớn – tuy nhiên các nhà nghiên cứu nói khói bụi từ cháy rừng còn có thể khiến tim ngừng đập.

Giáo sư Kazuaki Negishi là Trưởng  Khoa Y,  thuộc trường Đại học Sydney. Các nghiên cứu sinh của ông tham gia vào một nhóm nghiên cứu quốc tế, làm việc tại Úc và Nhật Bản, để tìm hiểu về sự ảnh hưởng của việc tiếp xúc ngắn hạn với không khí ô nhiễm và liệu chuyện này có liên quan tới các căn bệnh về tim hay không. Ông nói:

‘Những vật chất nhỏ bé trong khói bụi từ cháy rừng và xe cộ có mối quan hệ nhân quả với các bệnh về tim mạch, bao gồm các cơn đau tim và suy tim.’

Nghiên cứu quốc tế của Úc và Nhật đã chỉ ra mối liên quan giữa khoảng 250,000 trường hợp đau tim và thời gian bệnh nhân tiếp xúc với khói bụi ô nhiễm.

Các nhà nghiên cứu định nghĩa mức độ không khí ô nhiễm là khi trong một mét khối không khí chứa 25 vật chất bị ô nhiễm.

Tuy nhiên, trong mùa cháy rừng năm nay, nhiều nơi tại Melbourne, Sydney và Canberra đo được trong một mét khối không khí có hơn 500 vật chất bị ô nhiễm.

Giáo sư Negishi cho biết kết quả cảnh báo nguy cơ xảy ra cho những người khỏe mạnh bình thường, chứ chưa nói đến những người đã mắc các vấn đề về hô hấp.

‘Chúng tôi biết được từ nghiên cứu này và trong lịch sử nghiên cứu của vấn đề, những người trên 65 tuổi có nguy cơ cao hơn, bên cạnh đó các đối tượng dễ bị tổn thương là trẻ em, nữ giới nói chung và phụ nữ đang mang thai.’

Nghiên cứu mới thu thập dữ liệu từ các khu vực bị cháy rừng tại Hoa Kỳ, Brazil và Úc – đã tiết lộ khói bụi từ xe cộ và cháy rừng là hai mối lo ngại lớn lao nhất đối với bệnh tim.

Nghiên cứu cũng cho biết chỉ có 1 trên 10 người bị lên cơn đau tim ngoài đường có thể sống sót. Điều này khiến các bác sĩ phải nhắc nhở bệnh nhân đến thăm khám phải bảo vệ mình thật tốt trong những tuần lễ sắp tới.

Bác sĩ Chris Zappala là Phó Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Úc và là một bác sĩ làm việc tại Brisbane.

Ông nói nguy cơ mắc bệnh tim có thể được giảm bớt phần nào nếu mọi người hạn chế thời gian hoạt động ngoài trời, nhất là trong những ngày nhiều khói bụi và ô nhiễm.

‘Xin các bạn cứ tiếp tục những hoạt động thường nhật với các phương pháp bảo vệ sức khỏe thông thường, tuy nhiên nếu có thể bạn nên làm mọi thứ trong nhà. Chẳng hạn thay vì đi hồ bơi ngoài trời thì hãy chọn một hồ bơi có mái che trong nhà, thay vì chạy bộ ngoài đường để bị hít khói thì hãy sử dụng máy tập chạy.’

Bác sĩ cũng đề nghị loại khẩu trang P2 có khả năng bảo vệ nhất định. Tuy nhiên sau nhiều tuần xảy ra cháy rừng, khói bụi lan tràn, và tình hình dịch bệnh coronavirus đang leo thang, loại khẩu trang này đã bị hết hàng tại các hiệu thuốc khắp cả nước.

Cô Ana Fantin là phụ tá dược sỹ, tại một hiệu thuốc ở phía Bắc thành phố Sydney, nhiều tuần nay cô nói có rất nhiều khách hàng nháo nhào đến tìm mua khẩu trang.

‘Mỗi hiệu thuốc đều lưu trữ một số lượng nhất định, không chỉ vậy, những nhà cung cấp cho chúng tôi cũng lưu trữ một lượng khẩu trang rất lớn – tuy nhiên họ cũng bị hết hàng và không còn có thể cung cấp cho các tiệm thuốc nhỏ’.

Các tác giả của nghiên cứu hy vọng những khám phá mới này sẽ thúc giục các chính phủ trên thế giới tìm cách làm sạch không khí.

Số liệu cho thấy sự ô nhiễm chỉ tăng thêm ở các thành phố lớn – và các nhà nghiên cứu lo ngại con số bệnh nhân bị lên cơn đau tim sẽ tăng lên theo.

Chính phủ liên bang cam kết sẽ tài trợ 5 triệu đô la cho nghiên cứu về ảnh hưởng sức khoẻ tâm thần và vật lý lâu dài từ mùa cháy rừng năm nay.

Share