Tình trạng thiếu nguồn cung vắc-xin COVID-19 làm chậm nỗ lực tiêm chủng ở nhiều nước

Vaccine trial

A health worker holds a syringe with a dummy vaccine to a volunteer during a nationwide dry run for Covid-19 vaccine at Darya Ganj. Source: Sipa USA Naveen Sharma / SOPA Images/Sipa

Các quốc gia trên thế giới đang chạy đua để tiêm vắc-xin ngừa COVID-19, nhưng tình trạng thiếu nguồn cung vắc-xin đã khiến một số nước phải tìm giải pháp mới. Vương quốc Anh, Hoa Kỳ và Ấn Độ gần đây đã bắt đầu tiêm chủng cho người dân, trong khi một số nước vẫn chưa thể bảo đảm bất kỳ liều vắc-xin nào.


Vương quốc Anh đã ghi nhận những ngày liên tiếp tồi tệ nhất trong cuộc chiến chống coronavirus, khi mỗi ngày có hơn 50.000 ca nhiễm mới.

Nhằm ứng phó với tình trạng nhiễm bệnh tăng cao mà lại không đủ vắc-xin, chính phủ Anh đã công bố chiến lược tiêm chủng kết hợp hai loại vắc xin khác nhau trong hai lần tiêm chủng, mặc dù chưa có  bằng chứng nào về hiệu quả của việc kết hợp như vậy.

Chính phủ Anh cũng có kế hoạch hoãn tiêm chủng liều thứ hai vì muốn có thể tiêm liều thứ nhất cho nhiều người hơn. Điều này khiến nhiều người có thể phải đợi 12 tuần giữa hai lần tiêm, thay vì ba tuần như được khuyến nghị.

Giám đốc Y tế của Bệnh viện Brighton và Sussex, George Findlay, cho biết các chuyên gia y tế vẫn đang xem xét các bằng chứng trước khi hoãn tiêm chủng liều thứ hai.

“Chúng tôi sẽ dành một chút thời gian để xem xét điều đó. Chúng tôi nghĩ rằng có một số nhóm rất dễ nhiễm bệnh và cần được chủng ngừa trong thời gian ngắn hơn. Nhưng chúng tôi nhận thấy việc kéo dài đến 12 tuần sẽ giúp chúng tôi tiêm vắc xin lần đầu cho nhiều người hơn và bảo vệ cộng đồng lớn hơn.”

Thế nhưng chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Hoa Kỳ, ông Anthony Fauci không đồng ý với kế hoạch hoãn tiêm liều vắc xin thứ hai của Anh.
“Qua thử nghiệm lâm sàng chúng tôi biết rằng thời gian tối ưu giữa hai lần tiêm đối với vắc-xin của Moderna là 28 ngày và Pfizer là 21 ngày.”
Tại thành phố Knox, tiểu bang Indiana của Hoa Kỳ, hàng trăm người từ 75 tuổi trở lên đã xếp hàng chờ chủng ngừa, khi cả nước đã có hơn 20 triệu ca nhiễm trong tuần.

Thượng nghị sĩ Mitt Romney chỉ trích chính phủ vì đã không đạt được mục tiêu tiêm chủng cho 20 triệu người Mỹ trước năm 2021, chỉ có gần 3 triệu người đã được tiêm phòng. Ước tính nước này đã mất đi hơn 300.000 sinh mạng vì COVID-19.

Ấn Độ là quốc gia gần đây nhất chuẩn thuận vắc xin của Đại học Oxford và AstraZeneca, và vắc xin của Bharat Biotech. Cả hai loại vắc xin này đều đang được sản xuất tại Ấn Độ và được phép sử dụng hạn chế trong tình huống khẩn cấp.

Thủ tướng Narendra Modi đã hoan nghênh động thái này:

“Một bước ngoặt quyết định để củng cố tinh thần chiến đấu! Xin chúc mừng Ấn Độ, chúc mừng các nhà khoa học và các nhà cải cách. Người dân rất tự hào vì cả hai loại vắc-xin được chuẩn thuận sử dụng khẩn cấp đều được sản xuất tại Ấn Độ.”

Ấn Độ cũng đã cấp phép cho một nhà sản xuất vắc xin trong nước thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba và hy vọng sẽ tiêm chủng cho 300 triệu người trong số 1,35 tỷ dân trong sáu đến tám tháng đầu năm nay.

Tại Nga, những ai được tiêm vắc xin ngừa COVID sẽ được cấp chứng nhận tiêm chủng điện tử, nhưng vẫn chưa rõ chi tiết sử dụng loại chứng nhận này.

Nga đã tiến hành chương trình tiêm chủng đại trà ngừa COVID-19 bằng vắc-xin Sputnik V sản xuất trong nước, hiện vắc-xin này vẫn đang trong quá trình xác định tính an toàn và hiệu quả.

Bộ trưởng Y tế Nga Mikhail Murashko cho biết: 

“Hơn 1,5 triệu liều vắc xin đã được phân phối trên toàn nước Nga. Việc tiêm chủng đang diễn ra tích cực. Theo dữ liệu tổng hợp, hơn 800.000 người đã được tiêm chủng.”

Trong khi đó, Hà Lan sẽ tiêm phòng cho 30.000 nhân viên y tế khẩn cấp trong những ngày tới khi chính phủ phải đối mặt với nhiều lời chỉ trích vì tụt hậu so với các nước châu Âu khác.

Còn Vatican trong tháng 1 này cũng sẽ nhận đủ liều vắc xin COVID-19 để bảo vệ tất cả 450 cư dân, bao gồm cả Giáo hoàng Francis. Vatican đã ghi nhận 27 ca nhiễm và không có trường hợp tử vong vì coronavirus.

Trong khi đó, triển vọng đối với Somalia rất ảm đạm. Chưa tới 27.000 cuộc xét nghiệm đã được tiến hành ở quốc gia có hơn 15 triệu dân này. Somali đã ghi nhận ít hơn 4.800 ca nhiễm và 130 trường hợp tử vong, và sẽ là nước cuối cùng nhận được vắc xin với số lượng đáng kể.

Hassan Mohamed Yusuf là một người vô gia cư 45 tuổi đã mất ba đứa con vì các triệu chứng giống như cúm.

“Là người ăn xin trên đường phố, chúng tôi bị hạn chế di chuyển vì virus này vì ai cũng sợ bị nhiễm, chúng tôi không thể đến gần người khác để cầu xin giúp đỡ. Nỗi sợ này là có thật và chúng tôi bất lực.”

Trong khi đó ở Mexico, các nhà chức trách đang nghiên cứu trường hợp một nữ bác sĩ 32 tuổi gặp phản ứng bất lợi với vắc-xin Pfizer-BioNTech. Người phụ nữ này đã bị co giật, khó thở và phát ban trên da, kèm các triệu chứng của bệnh viêm não tủy: một chứng viêm não và tủy sống.

Bộ Y tế Mexico cho biết nữ bác sĩ này có tiền sử dị ứng thuốc và lưu ý rằng chưa có bằng chứng cho thấy vắc-xin có phản ứng bất lợi tương tự trong các thử nghiệm.

Còn tại Úc, Tổng trưởng Y tế Greg Hunt cho biết nước Úc đang "đi trước kế hoạch" của liên bang để triển khai vắc-xin COVID-19, khi chính phủ đã hoàn tất hợp đồng với Novavax để bảo đảm hơn 40 triệu liều vắc-xin có thể được cung cấp vào nửa đầu năm 2021. Ông Hunt cũng công bố hơn 10 triệu đô la tài trợ cho sáu dự án nghiên cứu bao gồm một loại vắc-xin mới không cần bảo quản ở nhiệt độ siêu lạnh.

Để biết các biện pháp hỗ trợ đang được áp dụng để đối phó với đại dịch COVID-19 bằng tiếng Việt, hãy truy cập sbs.com.au/coronavirus.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share