Úc tăng lãi suất lên 0.85% - đợt tăng lớn nhất trong hai thập kỷ qua

Reserve Bank of Australia (RBA) head office in Sydney, Tuesday, June 7, 2022. The Reserve Bank of Australia board holds its monthly meeting ahead of an announcement on interest rates. (AAP Image/Bianca De Marchi) NO ARCHIVING

Source: AAP

Ngân hàng Trữ kim Úc (RBA) hôm nay thông báo tăng lãi suất tiền mặt lên 0.85%. Đây là lần tăng lãi suất lớn nhất trong hơn hai thập kỷ và nó trùng với việc giá khí đốt và điện cũng tăng mạnh, điều này sẽ khiến nhiều người phải đối mặt với một mùa đông đầy khó khăn.


Lần tăng lãi suất mới nhất có thể sẽ khiến nhiều người sắp sửa và đang sở hữu nhà phải lo lắng.

Và cùng với việc giá điện và khí đốt đồng loạt tăng cao, rất nhiều người sẽ phải đối mặt với một mùa đông đầy khó khăn.

Ông John Robertson, Giám đốc điều hành của tổ chức thiện nguyện Foodbank tại New South Wales và ACT, nói rằng một số gia đình đang phải sống trong hoàn cảnh không có những thứ thiết yếu.

“Chúng tôi bắt đầu thấy các gia đình đang phải chuyển sang chế độ ăn hai bữa một ngày thay vì ba bữa, bởi vì thực phẩm giờ đây trở thành hạng mục không thể chi tiêu tuỳ tiện trong ngân sách gia đình được nữa.”

Ông Robertson cho biết tổ chức thiện nguyện của ông - vốn đã được mở rộng – nhưng vẫn đang phải đối mặt với nhu cầu hỗ trợ ngày càng tăng.

“Con số bữa ăn mỗi tháng mà chúng tôi cung cấp đã tăng từ 6 triệu lên gần 9 triệu bữa ăn, và chúng tôi dự kiến con số này sẽ ngày càng cao hơn vào cuối năm nay. Điều đáng buồn là đối với nhiều người, việc có một bữa ăn mỗi ngày đang trở nên khó khăn hơn trong tình hình áp lực chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.”

Có khoảng 3.5 triệu người đang sở hữu nhà trên khắp nước Úc, nhiều người trong số họ sẽ bị ảnh hưởng ngay lập tức bởi việc tăng lãi suất từ ​​0.35% lên 0.85%.

Đây là lần tăng lãi suất lớn nhất kể từ năm 2000, và trong suốt những năm qua rất ít lần lãi suất tăng.

Một tuyên bố từ Philip Lowe, Thống đốc Ngân hàng Trữ kim, cho biết nguyên nhân chính là do lạm phát gia tăng bởi tác động của các yếu tố quốc tế và trong nước.

Bộ trưởng Ngân khố Liên bang Jim Chalmers thì nói rằng tình hình sẽ phải trở nên tồi tệ hơn trước khi bắt đầu khởi sắc trở lại.

“Cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt này đã diễn ra trong khoảng thời gian tốt nhất của thập kỷ, sẽ mất hơn hai tuần rưỡi để xoay chuyển - chúng tôi đã trả lời trước và trung thực về điều đó.”

RBA dự đoán lạm phát, hiện đang ở mức 5.1%, sẽ tiếp tục tăng trong năm nay trước khi quay trở lại mức mục tiêu là 2% đến 3% vào năm tới.

Điều đó sẽ phản ánh chi phí sinh hoạt ngày càng tăng, bao gồm cả việc tăng giá điện và thực phẩm.

Bộ trưởng Ngân khố cũng lưu ý người dân rằng việc lãi suất tăng sẽ khiến chính phủ khó trả nợ hơn.

“Quyết định hôm nay, ngoài sức ép lên ngân sách gia đình, cũng sẽ khiến chính phủ liên bang khó khăn hơn trong việc phải trả khoản nợ nghìn tỷ đô la trong Ngân sách.”

Phát ngôn đối lập về Ngân khố, Angus Taylor, cho rằng điều đó có nghĩa là chính phủ mới sẽ phải cắt giảm các cam kết chi tiêu mới. Ông nói:

“Điều quan trọng nhất mà chính phủ có thể làm để kiềm chế lãi suất và kiềm chế lạm phát là kiềm chế chi tiêu của mình.”

Nhưng Thủ tướng, người đang có chuyến thăm song phương tới Indonesia, đã từ chối bình luận.

“Jim Chalmers sẽ có phản hồi. Tôi đã có một chính sách, tôi đã nói điều này trong chuyến thăm đầu tiên của mình (và) tôi định sẽ tiếp tục chính sách đó. Tôi sẽ không bình luận về các vấn đề trong nước khi đang ở nước ngoài.”

Một vấn đề quan trọng trong chiến dịch tranh cử cũng đã được nhắc lại – đó là Hội đồng Nghiệp đoàn Úc (ACTU) một lần nữa kêu gọi tăng lương để giúp giảm bớt áp lực chi phí sinh hoạt trước mắt.

Quyết định của Ủy ban Công bằng Việc làm về việc tăng lương tối thiểu sẽ có hiệu lực vào cuối tháng này và chính phủ đã có văn bản đệ trình lên Ủy ban độc lập, khuyến khích Ủy ban này giữ mức lương phù hợp với tình trạng lạm phát gia tăng.

Thư ký của ACTU Sally McManus cho biết việc tăng lương tối thiểu cho những người đang nhận mức lương thấp nhất cũng có thể giúp kích thích nền kinh tế.

“Các báo cáo thống kê đã cho thấy rằng những người lao động được trả lương thấp phải dè sẻn từng đồng mà họ kiếm được, họ phải chi tiêu cho những thứ thiết yếu và họ thường mua sắm ngay trong cộng đồng địa phương của họ. Vì vậy nếu họ tiêu tiền ít hơn, thì các doanh nghiệp địa phương sẽ nhận được ít hơn.”

Nhưng theo các chuyên gia kinh tế, trong đó có bà Sarah Hunter đến từ công ty kiểm toán KPMG, thì lại cho rằng việc tăng lương quá cao có thể dẫn đến việc tăng áp lực đối với lạm phát.

“Mức lương tối thiểu mà chúng ta sẽ có vài tuần tới, động lực của lĩnh vực tư nhân, và chuẩn bị sẽ có những thỏa thuận thương lượng giữa các công đoàn và chủ doanh nghiệp; tất cả những điều đó đang kết hợp với nhau và gây áp lực lên sự tăng trưởng tiền lương, sau đó dẫn đến chi phí và lạm phát giá cả.”

RBA cho biết họ dự kiến lạm phát sẽ tăng cao hơn, đồng nghĩa với việc nhiều người Úc sẽ phải gồng mình gánh chịu nhiều tổn thất về tài chính trong những tháng tới.

 


Share