Văn nghệ cuối tuần: Bài thơ Chuyện tình buồn

SBS Vietnamese

Source: SBS Vietnamese

Nhà thơ mặc áo lính Phạm văn Bình viết bài thơ Chuyện tình buồn vào năm 1971 và đăng trong tạp chí Tiền Tuyến của quân đội VNCH. Bài thơ được nhạc sĩ Phạm Duy gần như giữ nguyên bản và mang ra phổ nhạc cũng với tựa đề Chuyện tình buồn. Bản nhạc này ngay lập tức đã “đóng dấu son” cho dòng nhạc tình “Dị giáo” và làm thổn thức biết bao trái tim của những người nghe đồng cảm ở miền Nam thời bấy giờ.


Nhà thơ Phạm văn Bình là người gốc Huế nhưng sống và dạy học ở Đông Hà,Quảng Trị vùng địa đầu của miền Nam trước năm 75. Ông có một mối tình thật thơ mộng với cô gái Nguyễn thị Túy diệu hiền và nức tiếng xinh đẹp trong vùng.

Là gia đình đạo gốc công giáo, cô Túy đã không dám vượt khỏi dòng lễ giáo và theo sắp xếp của gia đình,cô kết hôn với một sĩ quan VNCH cùng đạo công giáo.

Buồn chuyện tình riêng, mặc dầu đang là giáo viên dạy trung học, ông đã đăng lính và lang bạt kỳ hồ suốt năm năm ở miền Nam.Trong một lần về thăm quê cũ, ông gặp lại người yêu giờ đã thành một góa phụ với một nách ba đứa con thơ dại. Trong cảm xúc lẫn lộn  của cuộc hội ngộ bất đắc dĩ, trở về nhà ông đã lấy giấy bút ra và viết liền một mạch bài thơ Chuyện tình buồn này.

Bài thơ được đăng trên tạp chí của quân đội và vào năm 71 khi nhạc sĩ Phạm Duy đọc các tạp chí để lấy tư liệu phổ nhạc, ông đã chọn bài thơ Chuyện tình buồn và bài thơ Mười hai tháng anh đi của thi sĩ Phạm văn Bình để phổ nhạc và đưa vào tập nhạc Thương ca chiến trường để ra mắt công chúng miền Nam cùng năm ấy..

Là nhân vật chính trong bài thơ nên nhà thơ Phạm văn Bình không cần dụng công nhiều khi viết bài thơ này. Ông trải lòng trên một mạch cảm xúc liên tục khi sáng tác do vậy ngôn ngữ để ông sử dụng trong bài thơ không chắc lọc và cầu kỳ mà ngược lại chính sự ngang trái của mối tình”Dị giáo” này (cũng như sự từng trải của nhà thơ khoát áo lính) là chất liệu để ông hoàn thành bài thơ buồn mà tuyệt đẹp này chỉ trong một giờ đồng hồ. Motif của tình yêu trong bài thơ là mẫu số chung của những  cặp tình nhân yêu nhưng không đến được với nhau do khác biệt về tôn giáo trong xã hội thời ấy, định kiến này đã chia loan rẽ thúy cho những cuộc tình duyên bất hạnh mãi cho đến thời đại ngày nay trong xã hội hiện đại.

Nhân vật bất hạnh trong  bài thơ nguyên là một sĩ quan Thủy quân lục chiến của VNCH, thế nên sư liên  tưởng “bâng khuâng nhớ biển” để “anh mang hồn thủy Thủ” có lẽ cũng giản dị như tâm hồn của anh lính làm thơ Phạm văn Bình, để những câu thơ mộc mạc nhưng thấm đậm vị muối biển trong buổi chiều nào đó ở làng đạo miền biển chợt hiện lên chân chất và nguyên vẹn trong bức tranh quê hương thật buồn mà cũng thật thi vị đã đi vào tâm hồn của biết bao người yêu nhạc ngày ấy.

Một lần nữa,nét tài hoa trong âm nhạc của nhạc sĩ Phạm Duy lại có dịp xuất lộ khi ông vừa đọc thơ đã nghe được nhịp điệu của bài thơ lẫn khuất và bằng sự cảm thấu tuyệt vời của đôi tai âm nhạc tinh tế. Ta hãy nhắm mắt lại và hình dung nếu bài thơ được thể hiện qua giọng đọc đầy cảm xúc của nhà thơ với thổ âm xứ Quảng trị này, sẽ thấy giai điệu của bản nhạc do Phạm Duy viết ra về cao độ gần như có sự hòa quyện  lẫn nhau với thổ âm của nhà thơ: sự hòa hợp du dương và da diết. Chính vì thế,nhạc sĩ sử dụng nhạc tính sẵn có trong bài thơ bằng việc  ông chỉ bỏ bớt hai câu trong khổ thơ thứ hai và thứ tư để cho khổ thơ được đồng nhất trong bố cục, đồng thời thay đổi một vài từ để cho bản nhạc sang trọng hơn cũng như để ca sĩ dễ thể hiện cảm xúc hơn khi trình diễn nhạc phẩm này mà thôi.

Người nghe của ngày trước và ngày hôm nay, liệu có sự rung động khác biệt nào chăng khi bản nhạc Chuyện tình buồn được viết vào năm mươi năm trước và đến hôm nay lại cất lên trong một ngày mưa xa xứ…?

Share