Vì sao vắc xin Johnson and Johnson bị đình hoãn việc tiêm chủng?

COVID-19 vaccines can be given on the same day with a flu vaccine

Source: AAP

Chiến dịch chủng ngừa chống COVID-19 trên toàn cầu đã gặp trở ngại, sau khi giới chức y tế Mỹ đề nghị đình hoãn việc tiêm chủng vắc xin Johnson and Johnson, do các quan ngại về đông máu. Thế nhưng chuyện gì đã khiến Mỹ phải hoãn việc sử dụng vắc xin nầy và việc nầy sẽ kéo dài bao lâu, cũng như sự kiện nói trên có ý nghĩa thế nào đối với những người đã tiêm chủng loại vắc xin nầy?


Ý và một vài nước khác đã nhận được lô hàng đầu tiên, gồm hàng trăm ngàn liều vắc xin chống COVID-19, của hãng Johnson and Johnson.

Thế nhưng các vắc xin nầy hiện được giữ lại trong các kho chứa với nhiệt độ thích hợp, trong khi các nhà điều hành điều tra tin tức về vụ đông máu, vốn rất hiếm xảy ra.

Được biết có nhiều quốc gia cũng theo sau chuyện nầy, sau khi Hoa Kỳ đề nghị nên đình hoãn việc tiêm chủng vắc xin, do có 6 phụ nữ phát triển vụ đông máu hiếm gặp, trong số 6,8 triệu liều vắc xin chống COVID-19, đã được tiêm chủng trên khắp nước.

Một phụ nữ qua đời, trong khi một người khác ở trong tình trạng nghiêm trọng.

Các chuyên gia cho rằng, việc nầy có thể ngăn trỡ chiến dịch chủng ngừa trên khắp thế giới.

Tiến sĩ Anthony Fauci cho biết, cuộc điều tra sẽ không làm mất niềm tin của công chúng và ông trấn an mọi người đã tiêm chủng, là họ nên an tâm.

“Một số người đã tiêm chủng một hay hai tháng trước sẽ nói, ‘chuyện nầy có ý nghĩa gì với tôi?’.

"Thực sự nó chẳng có ý nghĩa chi cả, quí vị vẫn an toàn và khỏe mạnh".

"Hiện nay có ít nhất 120 triệu người nhận được ít nhất là một mũi tiêm chủng, hầu hết là từ vắc xin Pfizer hay Moderna và chẳng có một tín hiệu báo động nào cả".

"Đó là một sự kiện rất hiếm khi xảy ra”, Anthony Fauci.

Với hai loại vắc xin chống COVID-19 hiện được cả thế giới theo dõi, về khả năng dính líu với các trường hợp hiếm khi xảy ra về đông máu trong não, các nhà khoa học Mỹ hiện xem xét liệu có kỹ thuật đặc biệt nào đằng sau việc tiêm chủng, có thể gây ra rủi ro nầy hay không.

Giữa cơn bão về truyền thông tại Tòa Bạch Ốc, Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden nhấn mạnh rằng, chuyện nầy không phải là một thất bại trong chiến dịch chủng ngừa ở Mỹ.

“Thông điệp của tôi gởi đến mọi người dân Mỹ về chuyện vắc xin là, tôi đoan chắc là chúng ta có 600 triệu liều vắc xin chống COVID-19, không có Johnson and Johnson hay AstraZeneca".

"Vì vậy có đủ vắc xin trên căn bản 100 phần trăm, không còn nghi ngờ chi cả, cho mỗi người dân Mỹ”, Joe Biden.

Trong khi đó, điều hợp viên chiến dịch chủng ngừa coronavirus là ông Jeff Zients cho biết vắc xin Johnson and Johnson chỉ chiếm không quá 5 phần trăm, hay hơn 190 ngàn liều cho đến nay.

“Chúng ta có dư thừa vắc xin Pfizer và Moderna, để tiếp tục chủng ngừa theo mức độ khoảng 3 triệu liều mỗi ngày".

"Việc đó sẽ giúp chúng ta theo đúng tốc độ, để đạt được mục tiêu của Tổng Thống là 200 triệu liều vắc xin chống COVID-19, vào 100 ngày đầu tiên ông nhậm chức”, Jeff Zients.

Trung tâm Ngăn Ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh cùng Cơ quan Kiểm soát Thực phẩm và Dược phẩm hiện điều tra các trường hợp máu cục, vốn xảy ra từ 6 đến 13 ngày sau khi tiêm chủng.

Các viên chức cho biết, việc tạm ngưng tiêm chủng vắc xin Johnson and Johnson, sẽ kéo dài vài ngày mà thôi.

Được biết tất cả 6 trường hợp xảy ra đều liên quan đến phụ nữ, tuổi từ 18 đến 48.

Cả hai loại vắc xin Johnson and Johnson và AstraZeneca đều có cùng kỹ thuật mới, khi sử dụng adeno virus, vốn là một phương pháp cải tiến và vô hại.

Chuyên viên về tim là tiến sĩ Georffrey Barnes lập lại rằng, chuyện mọi người có phản ứng phụ là việc thông thường.

“Quí vị có thể trải qua các phản ứng phụ như đau nhức cơ bắp hay mệt mõi hoặc cảm thấy lạnh, vốn là một phản ứng chúng ta có thể thấy được sau khi tiêm vắc xin và chuyện nầy không sao cả, đó không phải là dấu hiệu của vụ đông máu".

"Thế nhưng nếu quí vị bị nhức đầu thực sự nghiêm trọng với thị lực thay đổi, có thể là việc nôn mữa nhiều, xảy ra từ 4 hay 5 ngày đến một tuần lễ sau khi tiêm chủng, thì đó là các trường hợp thực sự hiếm xảy ra và đó là lúc nên đi khám về chuyện nầy”, Georffrey Barnes.

Như vậy chuyện gì xảy ra trong thời gian đình hoãn nầy?

Các khoa học gia hiện tìm kiếm câu trả lời, vốn có thể giải thích việc đông máu.

Một số cho rằng, một giả thiết hàng đầu dường như là vắc xin gây ra một phản ứng miễn nhiễm hiếm có, vốn có thể liên quan đến loại vecto virus.

Các nhà nghiên cứu hiện phân tích các dữ kiện từ những vụ thử nghiệm lâm sàng, bao gồm các vắc xin Ebola của Johnson and Johnson, để tìm ra các bằng chứng.

Bộ Trưởng Y tế Nam Phi là ông Zweli Mkhize kêu gọi mọi người nên kiên nhẫn, sau khi có việc đình hoãn tiêm chủng Johnson and Johnson tại nước nầy, mà ông cho biết vốn chỉ là một biện pháp đề phòng.

“Tôi kêu gọi mọi người nên bình tĩnh và kiên nhẫn, khi chúng ta chắc chắn là sẽ tiếp tục được khoa học hướng dẫn thích ứng, cũng như bảo đảm sự an toàn cho mọi người dân, khi chúng ta tiến hành chiến dịch tiêm chủng”, Zweli Mkhize.
"Chúng ta phải giúp họ và họ cũng cần chúng ta trợ giúp”, Angela Merkel.
Trong khi đó, Thủ Tướng Canada Justin Trudeau cho biết, nước ông hoan nghênh chuyến hàng đầu tiên chở vắc xin Johnson and Johnson đến vào cuối tháng nầy và sẽ theo dõi nội vụ thật sát.

“Rõ ràng chúng ta theo dõi thật sát những diễn biến tại Hoa Kỳ và chúng tôi có thể bảo đảm rằng, mọi người tại Canada được cơ quan Y tế Canada luôn đặt sức khoẻ của quí vị trên hết, trong bất cứ quyết định nào liên quan đến việc phân phối vắc xin”, Justin Trudeau.

Còn Chủ tịch Hội Hồng Thập Tự Ý cho biết, cơ quan nầy hiện theo dõi với nhiều ‘quan ngại’, khi Ý dự tính sẽ tiêm chủng vắc xin Johnson and Johnson cho tù nhân, tại Lazio và Roma trong nay mai.

Trong khi đó, giáo sư Robert Read nói rằng, trường hợp đông máu liên quan đến những cục máu đông hiếm gặp này, có liên quan đến việc giảm số lượng tiểu cầu và rất khác với các loại cục máu đông thông thường.

“Vắc xin Johnson and Johnson có nhiều điểm chung với AstraZeneca, đó là vắc-xin được gọi là vắc xin vectơ virút, trong đó có một adeno-virus trong hỗn hợp".

"Tác dụng phụ của vắc xin này, không giống với tác dụng chung của loại cục máu đông, mà công chúng thường quen gọi và đó là một hiện tượng hoàn toàn khác”, Robert Read.

Bộ Y tế Đức cho biết họ rất coi trọng những cảnh báo này, nhưng không có kế hoạch ngay lập tức để phá vỡ thời gian biểu tiêm chủng của Đức.

Việc nầy diễn ra khi Thủ tướng Angela Merkel, cập nhật phản ứng coronavirus của Đức, thực hiện các quy định rõ ràng hơn cho 16 tiểu bang, như lệnh giới nghiêm ban đêm ở tất cả các khu vực có số ca bệnh cao và giới hạn các liên hệ cá nhân.

“Các biện pháp khẩn cấp và thống nhất trên toàn quốc đã quá hạn và rất khó nghe lại điều này, thế nhưng tình hình rất nghiêm trọng và tất cả chúng ta phải nghiêm chỉnh thực hiện".

"Làn sóng thứ ba của đại dịch, hiện ảnh hưởng đến toàn thể đất nước chúng ta, số giường bệnh trong khoa chăm sóc đặc biệt đã không còn chỗ".

"Chúng ta không thể để các bác sĩ và y tá một mình với nhiệm vụ quá sức này, những người hơn một năm nay đã dốc hết sức lực để chiến đấu với đợt đầu tiên, đợt thứ hai và bây giờ là đợt thứ ba".

"Chúng ta phải giúp họ và họ cũng cần chúng ta trợ giúp”, Angela Merkel.

Trong khi đó, Pháp đã đình chỉ tất cả các chuyến bay từ Brazil, do lo ngại có sự lây nhiễm của một biến thể coronavirus rất dễ lây lan.

Còn tiểu bang giàu nhất Ấn Độ là Maharashtra sẽ bị đóng cửa trong 15 ngày tới, khi các giới chức y tế gia hạn lời kêu gọi công dân đeo khẩu trang.

Trong khi đó, một số quốc gia đa số theo đạo Hồi đã thông báo hạn chế đối với tháng lễ Ramadan, vốn đang bị đánh dấu với đại dịch trong năm thứ hai liên tiếp.

Quí vị có thể cập nhật tin tức về coronavirus bằng tiếng Việt, tại sbs.com.au/coronavirus.


Thêm thông tin và cập nhật Like 

Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 


Share