CIA có thể “hack” điện thoại và TV của hàng triệu người trên thế giới: Wikileaks

CIA

CIA Source: ISP POOL

WikiLeaks vừa công bố hàng ngàn tài liệu cho thấy khả năng tấn công trên mạng của Cơ quan Tình báo Trung ương Hoa Kỳ (CIA), những tài liệu này được cho là còn “tối mật” hơn cả tài liệu bị Edward Snowden rò rỉ năm 2013.


WikiLeaks cho hay hàng ngàn tài liệu từ nguồn mà nhóm này gọi là "Vault 7" chỉ là phần đầu tiên trong một loạt những tài liệu đang được lên kế hoạch tung ra công khai về Cơ quan Tình báo Hoa Kỳ (CIA).
“Về căn bản, cách mà cơ quan CIA đang sử dụng là những công cụ và mã gốc để lấy quyền kiểm soát thiết bị mà hàng triệu người đang dùng hàng ngày,” Phóng viên điều tra của tờ Washington Post, Greg Miller
Ký giả chuyên viết về an ninh mạng tại Châu Âu, Raphael Satter nói dường như đây là tài liệu táo bạo nhất mà WikiLeaks từng tung ra công khai.

“Tôi đã có thể kiểm tra một phần bên trong các tài liệu này. Chúng cho thấy kỹ thuật có vẻ rất tự nhiên và có liên quan đến các công cụ mà CIA sử dụng để hack, xâm nhập vào các thiết bị hàng ngày của mọi người.”

“Các thiết bị có thể là điện thoại thông minh, như iPhone hoặc thiết bị Android, hay thậm chí có thể là những chiếc TV thông minh, như tivi Samsung, có thể được biến thành những chiếc điện thoại ngẫu nhiên trên thực tế ," ông Satter nói.

WikiLeaks cho biết họ đã công bố một bản mô tả các phương pháp truy cập trái phép, hacking nhưng không có đủ thông tin để cho phép tin tặc sử dụng được các kỹ thuật này.

Tuy nhiên, phóng viên điều tra của tờ Washington Post, Greg Miller nói với ABC rằng việc WikiLeaks chọn các dữ liệu kể trên để công bố là rất thú vị.

“Họ đang đưa bản mô tả về các tập tin và sau đó giữ lại, hoặc chỉ tạm giữ lại thôi, ít nhất là cho bây giờ, mã gốc, hoặc ít nhất là những gì họ đang thực hiện.”

“Vì vậy, họ đang mô tả những cách khai thác thông tin khác nhau, về căn bản, thì cách mà cơ quan CIA đang sử dụng là những công cụ và mã gốc để lấy quyền kiểm soát thiết bị mà hàng triệu người đang dùng hàng ngày,” ông Miller nói.

CIA nói, họ không bình luận về tính xác thực hoặc nội dung của tài liệu liên quan đến tình báo bị đánh cắp.

Tuy nhiên, chuyên gia phân tích an ninh của BBC, Gordan Corera nói rằng những thông tin bị rò rỉ sẽ khiến CIA phải lo ngại nếu đó là thông tin xác thực.

“Bởi vì thông tin này chỉ rõ ra các mục tiêu tiềm năng mà phía tình báo nhắm đến, từ đó mà mọi người có thể sẽ thay đổi hành vi của họ để không còn bị theo dõi nữa.”

“Đó là lập luận của các cơ quan tình báo về lý do tại sao tài liệu này không nên bị công bố.”

“Tuy nhiên, lập luận của WikiLeaks là họ vì lợi ích cộng đồng, để mọi người biết rằng một số thiết bị mà mọi người đang dùng hàng ngày đều không an toàn và dễ bị tấn công bởi bất kỳ loại tin tặc nào.”

“Chúng có thể tấn công họ và khai thác những lỗ hổng đó, và bản thân CIA biết điều đó nhưng lại không nói với các công ty để bảo vệ người dùng,” ông Corera nói.

Trở lại với vụ Edward Snowden, cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia, người đã công bố thông tin về các chương trình giám sát hồi năm 2013, nói rằng việc tung thông tin này ra công chúng là chính xác và có ý nghĩa.

Đăng trên Twitter, ông Snowden nói các báo cáo là bằng chứng cho thấy chính phủ Mỹ đã phát triển các lỗ hổng bảo mật trong các sản phẩm của Mỹ và để lại chúng ở đó.

Ông nói điều đó có nghĩa là tin tặc có thể khai thác các lỗ hổng bảo mật để xâm nhập vào bất kỳ iPhone nào trên thế giới.

Cựu Tổng tư lệnh quân đội Anh Jonathan Shaw nói với Sky News rằng việc rò rỉ thông tin mới nhất này phải được xem xét trong bối cảnh cạnh tranh về sự tín nhiệm trên toàn cầu hiện nay.

“Người Nga sẽ rất quan tâm về việc uy tín của CIA bị hạ giảm. Trong bối cảnh chính trị ở Washington hiện nay, Tổng thống Trump cũng rất quan tâm đến chuyện CIA bị mất uy tín.”

“Vì vậy, tôi nghĩ chúng ta cần theo dõi việc rò rỉ này trong bối cảnh địa chính trị đó,” ông Shaw nói.

Trong lúc này, WikiLeaks phải đối mặt với các câu hỏi về mối quan hệ với Nga.

Edward Snowden hiện đang ở Nga, nơi ông được gọi là "khách mời" của Tổng thống Vladimir Putin và được bảo vệ cho đến năm 2020.

Những người chỉ trích WikiLeaks tuyên bố rằng nhóm này được Nga ủng hộ.

 

Người sáng lập WikiLeaks, Julian Assange từng nhấn mạnh rằng chính phủ Nga không tung ra các điện thư bị rò rỉ để phá hoại chiến dịch tranh cử tổng thống của bà Hilary Clinton.

Tuy nhiên, một báo cáo tình báo của Hoa Kỳ khẳng định chính các lực lượng quân sự của Nga đã chuyển những email này đến cho WikiLeaks.


Share