Ngành xuất cảng than đá của Úc gây tác động xấu đến môi trường

Coal operations at Port Waratah, Newcastle, NSW

Coal operations at Port Waratah, Newcastle, NSW Source: AAP

Một phúc trình mới tiết lộ ngành xuất cảng nhiên liệu hóa thạch của Úc có tác động lớn thứ ba trên thế giới đối với biến đổi khí hậu. Nhóm nghiên cứu kêu gọi chính phủ liên bang xem xét lại chính sách năng lượng của mình.


Phúc trình của viện nghiên cứu chính sách Úc, , tiết lộ tác động đối với khí hậu của ngành xuất cảng nhiên liệu hóa thạch Úc chỉ đứng sau Nga và Ả Rập Saudi, và thậm chí đứng trước Hoa Kỳ, nước có dân số lớn gấp 13 lần Úc.

Úc cũng là nước khai thác nhiên liệu hóa thạch đứng thứ 5 trên thế giới.

Ông Richie Merzian, Giám đốc Chương trình Khí hậu và Năng lượng của Viện nghiên cứu Úc, cho biết chính phủ liên bang hiện không có chính sách phù hợp về biến đổi khí hậu.

"Điều thực sự hữu ích là chính phủ nên có một chính sách khí hậu và năng lượng - một chiến lược nhằm vạch ra các bước chuyển đổi của Úc đối với các xu hướng toàn cầu," ông Merzian nói.

Còn tiến sĩ Martin Rice, Giám đốc Nghiên cứu của Hội đồng Khí hậu, thì nói rằng phúc trình này không làm ông ngạc nhiên, và điều đó cho thấy nước Úc đã xa rời thực tế như thế nào.

"Nó không khiến tôi ngạc nhiên. Nhưng nó xác nhận rằng nước Úc là một nước lệch lạc trên phạm vi toàn cầu về vấn đề biến đổi khí hậu," ông Rice nói.

"Việc đốt than, dầu và khí đốt làm gia tăng biến đổi khí hậu."
Úc xuất cảng các loại nhiên liệu hóa thạch như than đá đến nhiều quốc gia, trong đó có Trung Quốc và Ấn Độ. Ngành xuất cảng này rất quan trọng đối với nền kinh tế Úc, thế nhưng ông Merzian cho rằng đây không phải là lý do để tiếp tục.

Phúc trình khuyến nghị chính phủ nên cấm xây dựng những mỏ than mới trong một thời gian.

Theo ông, Úc cần phải giải quyết việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch cả trong nước lẫn ngoài nước, bởi việc Úc tiếp tục bán than đá cho ngoại quốc sẽ khiến cho những nước này khó thể chuyển sang các nguồn năng lượng tái tạo trong tương lai.

"Một phần vấn đề của việc cung cấp than đá, đó là bạn sẽ khóa chặt hạ tầng cơ sở của nước ngoài, và khiến cho những quốc gia này khó thể chuyển đổi sang những nguồn năng lượng sạch hơn khi thời điểm chín muồi.

"Úc hiện không đi đúng với mục tiêu giảm phát thải trong nước theo thỏa thuận Paris - tức cắt giảm 26% trước năm 2030. Vì thế, Úc cần phải nỗ lực giảm phát thải trong nước. Và Úc cũng cần phải tính đến vai trò của mình trong cuộc khủng hoảng khí hậu, thông qua việc xuất cảng than đá."
"Úc có thể trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu trong nền kinh tế mới, và điều đó có nghĩa là tăng cường năng lượng tái tạo và công nghệ lưu trữ năng lượng." - Tiến sĩ Martin Rice, Giám đốc Nghiên cứu thuộc Hội đồng Khí hậu
Tiến sĩ Rice cũng bác bỏ những lập luận cho rằng nên duy trì nhiên liệu hóa thạch vì lý do kinh tế, và nói rằng nước Úc có thể dẫn đầu thế giới về năng lượng tái tạo nếu nỗ lực làm điều này.

"Úc đang ở trong một vị thế độc nhất để thực sự hưởng lợi từ nền kinh tế mới. Úc có thể trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu trong nền kinh tế mới, và điều đó có nghĩa là tăng cường năng lượng tái tạo và công nghệ lưu trữ năng lượng. Chúng ta cũng có cơ hội xuất cảng năng lượng hydro trong tương lai. Vì vậy, thực sự, Úc có những cơ hội tuyệt vời và quan trọng để trở thành một nhà lãnh đạo toàn cầu."
World leaders, including Scott Morrison, at the Pacific Islands Forum in Funafuti, Tuvalu.
World leaders, including Scott Morrison, at the Pacific Islands Forum in Funafuti, Tuvalu. Source: AAP
Phúc trình của Viện nghiên cứu Úc được công bố sau Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương hồi tuần trước, nơi mà việc sử dụng và xuất cảng nhiên liệu hóa thạch của Úc là vấn đề chính.

Cựu phó thủ tướng Barnaby Joyce nói với Seven Network rằng, vấn đề không chỉ phụ thuộc vào Úc, mà cả New Zealand nữa.

"Tôi nghe những gì mà người New Zealand nói. Tôi nghĩ họ hơi thiếu tôn trọng. Họ đang nói về việc đóng cửa ngành kỹ nghệ trung tâm trong nền kinh tế của chúng ta. Chúng ta có thể quay lại và nói, vâng, quý vị hãy đóng cửa ngành kỹ nghệ sữa của mình đi, bởi vì lượng khí thải mê-tan từ ngành này khiến cho lượng khí thải trên đầu người của quý vị cao hơn của chúng tôi," ông Joyce nói.

"Tôi nghĩ New Zealand có trách nhiệm phải bày tỏ thiện chí và giữ bí mật cho một số cuộc thảo luận, bởi vì họ cùng một nhóm với chúng tôi. Chúng ta cần phải là một nhóm mạnh mẽ, kiên cường, bởi vì chúng ta đang bước vào một thế giới mới."

Thế nhưng dân biểu Lao động Joel Fitzgibbon lại cho rằng lý do mà chính phủ Úc gặp rắc rối ở ngoại quốc, là vì họ đã không noi gương tốt ở trong nước.

"Thủ tướng gặp rắc rối vào tuần trước vì ông ấy đi đến Thái Bình Dương mà không chuẩn bị gì cả," ông Fitzgibbon nói.

"Ông ấy đã đi với một hồ sơ về lượng khí thải tăng lên hàng năm, trong suốt bốn năm qua. Vì thế, đây là một điểm khởi đầu khá tồi tệ. Nếu ông ấy thể hiện cam kết về việc giảm lượng khí thải carbon ở Úc, thì đó sẽ là một cuộc thảo luận khác."

Share