Cùng nhau giữ tiếng Việt: Từ mượn

Một số từ đã được Việt hóa

Một số từ đã được Việt hóa Source: Supplied

Tiếng Việt là ngôn ngữ vô cùng giàu đẹp. Một trong những điều làm nên sự giàu đẹp ấy là hệ thống từ vựng phong phú mà trong đó có phần đóng góp không nhỏ của các từ ngữ mà chúng ta gọi là từ mượn.


Theo quý vị, có bao nhiêu từ mượn từ tiếng Hán trong trích đoạn truyện Sọ dừa dưới đây?

“Bà lão đành ra về, nghĩ là phải từ bỏ ý định lấy vợ cho con. Chẳng ngờ, đúng ngày hẹn, bà lão vô cùng ngạc nhiên thấy trong nhà có đầy đủ mọi sính lễ, lại có cả gia nhân ở dưới nhà chạy lên khiêng lễ vật sang nhà của phú ông.” (Sọ dừa - Truyện cổ tích Việt nam)

Và nếu có ai đó viết truyện sự tích Sọ dừa hiện đại thì có thể chúng ta sẽ được đọc đoạn văn sau với rất nhiều từ mượn từ tiếng Anh:

“Lúc rước dâu, chẳng ai thấy Sọ Dừa trọc lốc, xấu xí đâu chỉ thấy một hót-boi bước xuống từ chiếc Mẹc xê đì, tay cầm smartphone Iphone 13, và theo sau là 1 dàn fan hâm mộ bận rộn lai-chim đám cưới Sọ dừa. Quan bên hai họ thấy vậy đều cảm thấy sửng sốt và mừng rỡ, còn hai cô chị thì sốc quá, bỏ vào nhà.”

Tại sao tiếng Việt lại có nhiều từ mượn? Từ mượn có đặc điểm gì giống nhau? Cần lưu ý điều gì khi dùng từ mượn? 

Mời quý vị cùng nghe tiến sĩ giáo dục Trần Thị Tuyết nói chuyện về chủ đề này. Tiến sĩ Tuyết đã có thời gian học chuyên tiếng Nga tại trường Phổ thông Chuyên ngoại ngữ, và theo học chuyên ngành tiếng Trung và tiếng Anh tại trường Đại học Quốc gia Hà nội. Sau đó chị học Thạc sĩ về giảng dạy tiếng Anh tại trường ĐH Melbourne và tiến sĩ về Giáo dục tại trường ĐH La trobe. Chị đã có thời gian làm post doc tại Đức và hiện đang giảng dạy và nghiên cứu tại trường ĐH RMIT, Melbourne. 

Chào chị Tuyết, cám ơn chị đã nhận lời mời của SBS Tiếng Việt. Vân đã ấp ủ chủ đề Từ mượn rất lâu và rất vui mừng khi có thể mời một chuyên gia ngôn ngữ với kinh nghiệm và kiến thức với nhiều ngôn ngữ như chị tham gia chương trình hôm nay. 

TS Trần Thị Tuyết: Chào thính giả SBS Vietnamese. Đúng là tôi đã học qua nhiều ngôn ngữ, nhưng thích nhất và khó nhất có lẽ vẫn là tiếng Việt, thứ ngôn ngữ rất linh hoạt và phong phú trong cách biểu hiện. Và từ mượn cũng là một hiện tượng rất thú vị. 

Chị có thể cho biết một số nét tổng quát về từ mượn trong tiếng Việt? Tại sao có từ mượn, từ mượn trong tiếng Việt có nhiều không?

TS Trần Thị Tuyết: Ngôn ngữ là tấm gương phản ánh văn hóa, lịch sử và sự phát triển của mỗi  cộng đồng, mỗi dân tộc, và do các cộng đồng, các dân tộc có sự cọ sát, kết nối đa dạng nên chuyện vay mượn trong các ngôn ngữ là điều rất dễ xảy ra. 

Việt Nam có lịch sử 1000 năm đô hộ của phong kiến phương Bắc, 100 năm đô hộ của người Pháp, cho nên ngôn  ngữ và văn hóa Việt chịu ảnh hưởng lớn từ các nền văn hóa và ngôn ngữ ngoại lai là điều dễ hiểu. 

Sự phát triển của tiếng Việt phần nào phản ánh lịch sử Việt nam. Ban đầu là vay mượn rất nhiều từ Hán, sao đó là từ trong tiếng Pháp (tiếng La tinh) (ví dụ: alo, ô tô, a xit, gác đờ bu, gác đờ xen, tuốc măng ghê, ắc qui …) rồi sau đó sang tiếng Nga (thời kỳ những năm 70-80) (ví dụ: mác xít, bôn se vích, phát xít, vốt ca) và hiện thời là sự du nhập mạnh mẽ của tiếng Anh vào mọi ngõ ngách trong giao tiếp của người Việt (ví dụ: OK, internet, radio, fake…)

Tiếng Việt chúng ta có rất nhiều từ mượn mà chúng ta dùng hàng ngày và có khi không để ý. Ví dụ như hôm trước Vân có nói chuyện với một bác là người miền Nam, bác kể là cái xe đạp của bác cần thay cái sên. Vân có chút lúng túng, sên là cái gì trong cái xe đạp, và chợt nhớ tiếng Anh cái xích là chain, tiếng Pháp đọc gần như là “sên”, chắc bác dùng từ sên có nghĩa là cái xích mà ngoài Bắc hay gọi. 

Và cũng có vẻ như là nhiều từ mượn trong các ngôn ngữ phương Tây là do các hiện tượng, đồ vật, hay món ăn đó chưa có tương đương trong tiếng Việt nên chúng ta dùng luôn từ đó, ví dụ như pizza, facebook, phô mai, ca ra men,…

Quay lại với nhóm từ mượn đông đảo nhất là từ Hán Việt. Chắc ai trong chúng ta cũng biết là có đến 70% từ ngữ tiếng Việt có nguồn gốc từ tiếng Hán. Chị có thể cho biết thêm một chút về từ mượn từ tiếng Hán được không ạ?

TS Trần Thị Tuyết: Ngôn ngữ có hai phương tiện biểu hiện chính: ngôn ngữ nói và chữ viết. Với sự đô hộ của 1000 năm Bắc thuộc, tiếng Hán và chữ Hán được vay mượn rộng rãi trong ngôn ngữ giao tiếp của người Việt – người Việt còn có cả một kho tàng âm Hán Việt mà không một dân tộc nào có được. Người Nhật, Hàn  cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ ngôn ngữ và văn hóa Trung quốc, nhưng độ kết nối ngôn ngữ lỏng hơn tiếng Việt.  

Kể cả chữ viết của người Việt thời ấy cũng dùng chữ Hán, sau được mô đi phê để thành tiếng Nôm (tiếng Hán nhưng nói theo kiểu người Việt), trước khi chúng ta có hệ chữ viết Latin  dưới thời Pháp thuộc. 

Bài thơ khai nước cũng được viết dưới dạng âm Hán Việt:

Nam quốc sơn hà nam đế cư
Tiệt nhiên định phận tại thiên thư
Như hà nghịch lỗ lai xâm phạm
Nhữ đẳng hành khan thủ bại hư.

(Lý Thường Kiệt)

Đến thời hiện đại vẫn còn sự du nhập tiếng Hán vào Việt nam, ví dụ có từ “thu dung” (tiếp quản). Từ Hán Việt có thể tồn tại song song đồng nghĩa với từ thuần Việt trong một câu. Ví dụ:

Nửa đêm giờ Tý canh ba
Vợ tôi con gái đàn bà nữ nhi

(Ca dao) 

Từ Hán Việt thường được dùng trong ngữ cảnh trang trọng, formal hơn, như người ta nói từ “tổ quốc” thay vì  “đất nước” trong các tình huống giao tiếp long trọng, hay “Hội liên hiệp phụ nữ” chứ không nói “hội liên hiệp đàn bà”.
Tiến sĩ Trần Thị Tuyết
Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Source: Supplied
Với kinh nghiệm sinh sống và làm việc nhiều năm ở nước ngoài, chị có nhận xét gì về hiện tượng từ mượn trong tiếng Việt được sử dụng ở nước ngoài so với từ mượn trong tiếng Việt ở Việt nam? 

TS Trần Thị Tuyết: Ngôn ngữ cũng giống như văn hóa, thay đổi, dù chậm, theo thời gian, và thường phát triển nhanh hơn  ở trong nước so với tiếng Việt duy trì ở nước ngoài. Từ mượn trong tiếng Việt dùng ở nước ngoài có vẻ “cổ” hơn, ví dụ như trên sách dạy tiếng Anh cho người nhập cư bên này có ghi “Anh ngữ cho tráng niên” (Tiếng Anh cho người lớn).

Chị có thể cho biết một số đặc điểm của từ mượn từ các tiếng Trung, Anh, Pháp, Nga, ….? 

TS Trần Thị Tuyết: Đặc điểm chung của các từ vay mượn nước ngoài là khi nó xâm nhập vào Việt nam, nó được thuần hóa theo tiếng Việt. Với tiếng Hán là dùng âm Hán Việt (ví dụ: thu nhập), với các ngôn ngữ hệ Sla-vơ (tiếng Nga) hay hệ Latin (tiếng Anh, tiếng Pháp) thì chủ yếu được thuần hóa theo dạng tách âm, ví dụ: mô đi phê, bôn sê vích, xà bông, in tơ net, phết búc,…

Chị có nhắc đến các từ mượn từ tiếng Anh như in tơ nét, phây búc, …. Với người Việt sinh sống ở nước ngoài, ví dụ như ở Úc, thì mọi người, nhất là trẻ em hay có xu hướng nói tiếng Việt và dùng rất nhiều từ tiếng Anh trong đó. Chị có thể cho biết hiện tượng này khác từ mượn như thế nào? 

TS Trần Thị Tuyết: Việc người Việt ở nước ngoài, nhất là trẻ em nói tiếng Việt kiểu “ba rọi” là hiện tượng khác, nó gọi là trộn ngữ, khác với từ mượn. Trộn ngữ là mình dùng từ tiếng nước ngoài (như tiếng Anh) khi nói tiếng Việt, và giữ nguyên cách phát âm của từ đó. Còn từ mượn là từ tiếng ngoài được thuần hóa theo cách phát âm tiếng Việt. Ví dụ như 1 em nhỏ ở Úc sẽ nói: Mẹ ơi, cái này fake quá (trộn ngữ), còn  1 em nhỏ ở Việt nam sẽ nói: Mẹ ơi, cái này pha ke quá (mượn ngữ).

Theo chị, việc dùng từ mượn ở mức độ nào thì là hợp lý? Cần lưu ý gì khi sử dụng từ mượn? 

TS Trần Thị Tuyết: Không hẳn là mức độ, mà là độ phù hợp. Giống như trong không khí trang trọng thì từ Hán Việt thường được sử dụng nhiều hơn, còn với các từ chưa hoàn toàn được thuần hóa (thu dung, happy, crazy) thì chỉ nên dùng trong một phạm vi nhất định.

Xin cám ơn tiến sĩ Trần Thị Tuyết đã chia sẻ những kiến thức rất thú vị về từ mượn trong tiếng Việt. 

Từ mượn là một phần của từ ngữ tiếng Việt, dù cho đó là từ mượn từ tiếng Hán, tiếng Anh, tiếng Pháp, hay tiếng Ý, … chúng ta cũng không thể phủ nhận là chúng ta dùng từ mượn hàng ngày trong giao tiếp cũng như trong các văn bản. Trong khi chúng ta có thể dùng từ mượn như một phần ngôn ngữ tiếng Việt, thường là với cách phát âm được thuần hóa theo tiếng Việt, việc trộn ngữ, thường là giữ cách phát âm của từ trong ngôn ngữ gốc và có khi dùng cả cấu trúc ngữ pháp hay một nhóm từ, có lẽ không nên được khuyến khích bởi nó lấy đi cơ hội để con em chúng ta ở nước ngoài tiếp xúc với tiếng Việt một cách đầy đủ và chuẩn xác. 

Như thường lệ mời quý vị giải câu đố của chương trình tuần này, từ “karaoke” là từ mượn từ ngôn ngữ nào và tại sao lại có nghĩa như vậy?

Xin quý vị hãy gửi câu trả lời về chương trình theo địa chỉ: hoặc nhắn tin dưới bài trên trang 



Share