ESA thêm cơ hội cho nữ giới và người khuyết tật trở thành phi hành gia

Astronaut Tim Peake during training (NASA)

Astronaut Tim Peake during training (NASA) Source: NASA

Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA)đang tuyển dụng phi hành gia mới, với tiêu chuẩn hoàn toàn khác trước, mở ra cơ hội cho các ứng viên không phải là người da trắng, là nữ giới, và đặc biệt là người khuyết tật. Các phi hành gia mới này sẽ có thể lên Mặt trăng - hoặc thậm chí lên sao Hỏa.


Bạn có giữ được bình tĩnh khi chịu áp lực và tình trạng không trọng lực? Bạn có sẵn sàng du hành ngoài trái đất và bạn là nữ giới?

Nếu các câu trả lời đều là “có”, thì bạn có thể là ứng viên hàng đầu cho đợt tuyển dụng phi hành gia đầu tiên của Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) sau 11 năm.

Trong đợt tuyển dụng lần này, ESA nhấn mạnh sự đa dạng để vượt ra khỏi các quy chuẩn trước đây với chủ yếu là người da trắng và nam giới.

Năm nay, ESA không chỉ muốn tuyển thêm nữ phi hành gia, mà còn tạo cơ hội cho cả những người khuyết tật luôn mơ ước được bay vào vũ trụ.

Tính đến hiện tại, chỉ 65 trong số 560 người từng bay vào vũ trụ là phụ nữ. Trong số 65 phụ nữ đó thì 51 người Mỹ.

Tim Peake là phi hành gia người Anh đầu tiên của ESA cho biết:

“Chúng tôi đang tuyển chọn từ 4 đến 6 phi hành gia vào Cơ quan Vũ trụ Châu Âu. Thật tuyệt khi chúng tôi đang xem xét các sứ mệnh trong tương lai, không chỉ là quay trở lại Trạm vũ trụ Quốc tế, mà còn tham gia chương trình thám hiểm Artemis, cùng các đồng nghiệp quốc tế quay trở lại Mặt trăng và làm bước đệm để lên sao Hỏa.” 

Đến nay ESA chỉ mới đưa hai phụ nữ vào không gian, đó làClaudie Haigneré và Samantha Cristoforetti.

Tim Peake cho biết hiện họ đang cố gắng khắc phục sự mất cân bằng về giới.

“Quá trình tuyển chọn phi hành gia phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, nhưng chúng tôi cũng muốn khuyến khích sự đa dạng. Và ESA không có bất kỳ hạn ngạch nào về tuyển phi hành gia. Do đó, chúng tôi chỉ muốn có nhiều ứng viên nữ hơn, nhiều phi hành gia nữ hơn. Hồi năm 2008 có 16% ứng viên là nữ, và cuối cùng thì Samantha Cristoforetti là một trong sáu người được chọn. Vì vậy, chúng tôi thực sự đang cố gắng khuyến khích các ứng viên nữ đăng ký thi tuyển.” 

Jan Wörner, một phi hành gia của ESA nói rằng điều quan trọng là phải tuyển dụng một thế hệ phi hành gia mới ngay bây giờ để các kiến thức và kỹ năng có thể được truyền lại:

“Chúng tôi đã có các phi hành gia từ lần lựa chọn cuối cùng, và họ vẫn đang làm việc. Tôi muốn nhìn thấy họ một lần nữa đi vào quỹ đạo, đi vào không gian. Nhưng đồng thời chúng tôi cũng cần các phi hành gia mới để bảo đảm sự liên tục và để chuyển giao kiến thức suôn sẻ từ thế hệ trước.” 

Những ai quan tâm đến chương trình của ESA sẽ có thời hạn hai tháng, từ cuối tháng Ba đến cuối tháng Năm, để nộp đơn. Ứng viên phải có bằng thạc sĩ trong lĩnh vực khoa học hoặc toán học.

Quá trình tuyển chọn sẽ gồm sáu giai đoạn, sẽ kiểm tra kiến thức khoa học và kỹ thuật, năng lực thể chất và khả năng giữ bình tĩnh khi gặp áp lực.

Đặc biệt ESA nói rằng không có lý do gì khiến những người khuyết tật bị loại khỏi cuộc thi. Tổ chức này cho biết đã đến lúc đưa những người khuyết tật vào không gian như một phần của sáng kiến có tên là “Dự án khả thi cho các nhà du hành vũ trụ khuyết tật”.

Samantha Cristoforetti - một trong hai nữ phi hành gia của ESA - cho biết đây là lần đầu tiên một cơ quan vũ trụ mở quy trình đăng ký cho người khuyết tật.

“Chúng ta đã không tiến hóa để đi vào vũ trụ. Vì vậy, khi nói đến du hành vũ trụ, tất cả chúng ta đều bị khuyết tật, bởi vì chúng ta không có ý định ở luôn trên đó. Và điều giúp chúng ta có thể đi vào vũ trụ chính là công nghệ.”

Tim Peake đồng ý rằng công nghệ là câu trả lời - và ESA quyết tâm tìm được giải pháp an toàn.

“Vì vậy, toàn bộ quá trình chỉ là giai đoạn ban đầu để tìm được giải pháp an toàn, với ý định nghiêm túc là đưa người khuyết tật lên vũ trụ.”

Việc tuyển dụng còn có một yêu cầu khác. Đó là tính kiên nhẫn. Các quan chức của ESA cho biết quá trình nộp đơn sẽ mất khoảng 18 tháng, trước khi các phi hành gia được chọn.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share