Khói do cháy rừng sẽ quay lại Úc trong những ngày tới

Bushfire smoke

Hình chụp từ vệ tinh của NASA cho thấy khói từ các đám cháy rừng sẽ quay trở lại Úc. Source: NASA

Khói có thể bay rất xa và tích tụ lâu trong không khí gây ô nhiễm làm ảnh hưởng đến sức khỏe ngay cả khi không ở gần nơi cháy rừng.


Từ khi mùa cháy rừng bắt đầu sớm và ở qui mô chưa từng thấy, khói đã bao trùm nhiều nơi ở Úc.

Các nhà khoa học cảnh báo khói có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe.

Ai có nhiều nguy cơ nhất? Những người vốn đang bị bệnh đường hô hấp như lao phổi, khí thủng phổi, hen suyển, bệnh tim, phụ nữ đang mang thai, người cao niên, và trẻ con.

Nếu quý vị có thể nhìn thấy hoặc ngửi được mùi khói có nghĩa trong không khí có nhiều khói, làm cho không khí bị ô nhiễm.

Bác sĩ Võ Văn Phước ở Sydney giải thích không chỉ những ai ở vùng cháy, mà ngay cả người sống ở xa nhưng ngày ngày hít phải khói thì sức khỏe của họ cũng bị đe dọa bởi các phân tử PM trong không khí, được đo bằng micron (µm).

Cơ thể con người có khả năng tự loại trừ bụi tro có kích thước khoảng 10 µm, nhưng bụi mịn dưới 2,5 µm có thể đi sâu xuống phổi.

Điều quan trọng là những người trong nhóm có nhiều nguy cơ lúc nào cũng nên có đầy đủ thuốc men bên người  và nếu các triệu chứng không thuyên giảm thì phải gặp bác sĩ ngay.

Người khỏe mạnh có thể chịu đựng được khói nhưng sẽ thấy cay mắt, ngứa mũi, và ho, mặc dù sẽ hết ngay nếu không còn tiếp xúc với khói nữa.

Như vậy cách hay nhất là ở trong nhà, đóng hết cửa lại để khói không vô nhà, nếu sử dụng điều hòa không khí nên hỏi mua thêm lưới lọc.

Các bác sĩ khuyên trong những ngày có khói nên tránh tập thể dục hay chơi thể thao ngoài trời.

Thế có nên mang mặt nạ khi ra ngoài không? Theo bộ y tế NSW thì loại mặt nạ P1 hay P2 có thể ngăn được bụi mịn.

Nhưng các bác sĩ nhắc nhở rằng mặt nạ chỉ hiệu quả nếu có thể bịt kín được mũi và miệng, và nên nhớ rằng loại mặt nạ này không ngăn được các loại khí độc.

Share