Nuôi con ở Úc: Gia đình Úc-Việt và cơ hội làm giàu tâm hồn cho con

gia dinh chi Thanh Tam

Gia đình chị Thanh Tâm ở Bribie Island, Queensland. Source: nhân vật cung cấp

“Con rất tự hào và cảm ơn ba mẹ đã cho con cơ hội để hiểu biết cả hai nền văn hóa, điều mà con cảm thấy rất hữu ích.” Đó là lời bộc bạch của một cặp song sinh có cha Úc mẹ Việt, và đó cũng là kết quả của sự nỗ lực lớn của phụ huynh để tăng vốn sống và làm giàu tâm hồn cho con.


Chị Thanh Tâm và chồng là người Úc có hai bé song sinh một trai một gái năm nay đã 12 tuổi. Hai bé đều nói thạo tiếng Anh cũng như tiếng Việt, và luôn cảm thấy tự hào vì được cha mẹ tạo điều kiện để tiếp thu cả hai nền văn hóa Việt - Úc.

Đồng vợ đồng chồng giữ gìn văn hóa của nhau

Chia sẻ lý do mong muốn các con tiếp nhận đồng thời hai nền văn hóa, chị Thanh Tâm nói rằng vợ chồng chị đã có thỏa thuận từ trước khi kết hôn là sẽ tôn trọng và giữ gìn văn hóa của nhau. Chị học hỏi và hòa nhập vào văn hóa của gia đình chồng, và chồng chị cũng hòa nhập vào văn hóa của gia đình vợ.

Đến khi các con ra đời, chồng chị đã am hiểu nhiều về văn hóa Việt Nam và nhận thấy những điều tốt đẹp nên đã ủng hộ vợ dạy các con về truyền thống và văn hóa Việt Nam. Nhưng đồng thời các con của chị cũng được dạy theo văn hóa Úc, với tư cách của một công dân Úc.

Đối với quan điểm cho rằng đang ở Úc thì nên ưu tiên cho con theo văn hóa Úc nhiều hơn, chị Thanh Tâm nói rằng theo từng hoàn cảnh cụ thể mà các con của chị có ứng xử riêng phù hợp. Chẳng hạn như khi ở trường và tham gia các hoạt động với người Úc thì các con ứng xử theo văn hóa Úc. Còn khi có khách là người Việt đến nhà và khi tham gia sinh hoạt trong cộng đồng người Việt thì các con của chị giao tiếp theo phong cách Việt. Chị nhận thấy cách ứng xử của các con diễn ra rất tự nhiên và phù hợp với từng bối cảnh.
con chi Thanh Tam
Bảo Tú và Bảo An, con của chị Thanh Tâm. Source: nhân vật cung cấp
Tạo điều kiện cho con tìm hiểu đồng thời hai nền văn hóa

Vợ chồng chị Thanh Tâm luôn tận dụng tất cả các cơ hội để cho con tìm hiểu về văn hóa  Việt cũng như văn hóa Úc. Vào dịp tết cổ truyền, gia đình chị thường về Việt Nam đón tết cùng bên Ngoại. Vào những dịp như Trung Thu, Tết Đoan Ngọ, chị cũng tổ chức làm bánh, nấu xôi nấu chè để các con vui cùng bạn bè, cho con làm lồng đèn, rước đèn, ngắm trăng bên mâm cỗ, thi kể chuyện sự tích cây đa chú Cuội. Đó cũng là dịp các con của chị mời những người bạn Úc tham gia để hiểu thêm về văn hóa của người Việt. Bên cạnh đó, những dịp lễ của Úc như Giáng sinh, Halloween, Tuần lễ thổ dân, các con của chị cũng tham gia với trường và cộng đồng, vì thế các bé có thể tiếp nhận hai nền văn hóa một cách tự nhiên.

Nỗ lực hòa hợp để không còn sự khác biệt

Đối với các bữa ăn trong gia đình, chị luôn nhớ các món ăn quê hương. Nhưng chị cũng muốn nấu các món hợp khẩu vị cho chồng là người Úc. Vì thế, chị nấu xen kẽ các món Việt và món Úc, hoặc đồng thời kết hợp cả hai món trong cùng bữa ăn để cả nhà cùng vui và không ai cảm thấy thiếu thốn khẩu vị của mình. Chị cũng rất vui vì chồng và các con của chị đều thích các món ăn Việt. Riêng chị cũng đã dần quen với các món ăn Úc để hòa hợp với chồng. Nỗ lực hòa hợp đã xóa mờ sự khác biệt văn hóa giữa vợ chồng chị.


Các con được học hai ngôn ngữ từ ba và mẹ

Ngay từ khi các con còn trong bụng mẹ, chị Thanh Tâm đã cho con nghe nhạc Việt, đọc sách tiếng Việt. Khi con chào đời, chị nói tiếng Việt với con và chồng của chị thì nói với con bằng tiếng Anh. 

Hàng ngày chị thường hát ru, đọc thơ, đọc sách tiếng Việt cho các con nghe. Vợ chồng chị luân phiên đọc sách cho các con vào mỗi tối. Hôm nay chồng đọc sách tiếng Anh cho con nghe thì hôm sau vợ đọc sách tiếng Việt cho con. Đến khi các con biết đọc thì đến lượt các con đọc lại cho cha mẹ nghe. Mọi việc diễn ra như một thói quen trong gia đình, nên các con của chị có thể tiếp thu cả hai ngôn ngữ một cách rất tự nhiên. Chị kể rằng khi con đã lớn, mỗi lần nghe đâu đó có lời hát ru quen thuộc là các con lại nhớ lời ru của mẹ năm xưa. Đó thực sự là niềm vui lớn đối với một người mẹ Việt như chị Thanh Tâm.

Bí quyết để chị yêu cầu con nói tiếng Việt được gói gọn trong câu: “nếu con nói tiếng Việt với mẹ thì mẹ mới hiểu”, mặc dù thực tế chị vẫn nói thạo tiếng Anh. Nhờ đó mà các con của chị giỏi tiếng Việt, không chỉ nói lưu loát mà còn có thể hát và hiểu các từ thuần Việt.

Tuy không sống gần cộng đồng người Việt, nhưng mỗi khi có dịp gặp gỡ bạn bè người Việt, chị đều khuyến khích các con nói tiếng mẹ đẻ. Chị cũng tạo điều kiện cho con trò chuyện, nhắn tin với ông bà và người thân ở Việt Nam qua mạng, giúp các con thông thạo tiếng Việt hơn.
gia dinh chi Thanh Tam
Gia đình chị Thanh Tâm. Source: nhân vật cung cấp
Kết hợp văn hóa Úc-Việt là cơ hội làm giàu tâm hồn cho con

Chị Thanh Tâm nói rằng khi các con lĩnh hội cả hai nền văn hóa nghĩa là các con đã làm giàu tâm hồn của mình. Các con cũng có cơ hội để hiểu hơn về cha và mẹ, cũng như về hai đất nước mà các con cùng là công dân. Điều đáng mừng là các con của chị rất tự hào về hai nguồn gốc của mình. Ngoài ra các con của chị cũng có những ước muốn tìm hiểu thêm về những nền văn hóa khác.

Được hỏi về cảm nhận khi có cha Úc mẹ Việt và có cơ hội tìm hiểu hai nền văn hóa, các con của chị trả lời rằng cảm thấy rất tự hào. Các bé cũng cảm ơn ba mẹ đã tạo cơ hội để các bé tìm hiểu và gìn giữ cả hai nền văn hóa. Nhờ đó mà mỗi khi về quê mẹ thì các bé không có cảm giác xa lạ, và khi trở lại quê cha thì các bé không cảm thấy lạc lõng. Đối với các con của chị Thanh Tâm, Việt Nam và Úc đều là nhà, đều là nơi mà các bé có thể hiểu được ngôn ngữ và văn hóa.

Chia sẻ với các phụ huynh người Việt ở Úc, chị Thanh Tâm kể câu chuyện của một người bạn là di dân đã tiếc nuối vì không được cha mẹ dạy tiếng mẹ đẻ và văn hóa nguồn cội mà chỉ dạy tiếng Anh và cố gắng hòa nhập với nước sở tại, vì thế người bạn đó không thể gìn giữ và lưu truyền văn hóa của ông bà mình. Rút ra bài học từ câu chuyện này, chị Thanh Tâm đã quyết tâm cho con cơ hội để hiểu và gìn giữ cả hai bản sắc văn hóa Úc - Việt. Và chị mong rằng các phụ huynh Việt ở Úc cũng sẽ không đánh mất cơ hội tương tự của các con.

Mời quý vị bấm vào biểu tượng Audio trong hình ở đầu trang để nghe nội dung cuộc trò chuyện với chị Thanh Tâm. 

Share