Nuôi con ở Úc: Khi khoảng cách địa lý thử thách tình cha con

Gia đình anh Phú Duy ở NSW.

Gia đình anh Phú Duy ở NSW. Source: Supplied

Mặc dù đại dịch mang đến cơ hội để nhiều người gắn kết với gia đình hơn, khi họ có thể ở nhà làm việc hoặc là học trực tuyến, nhưng dịch bệnh cũng đồng thời khiến không ít người rơi vào cảnh gia đình bị chia cách, và kế hoạch đoàn tụ của họ trở nên mơ hồ. Điều đó thực sự là một thử thách đối với sự gắn kết gia đình.


Phú Duy là một chuyên gia nghiên cứu về bệnh gây hại trên cây bông vải, đang làm việc ở Narrabri, vùng xa xôi hẻo lánh phía Tây Bắc NSW. Sau nhiều năm học tập, nghiên cứu và làm việc với các nông gia Úc, anh đã quyết định chọn xứ sở chuột túi làm quê hương thứ hai của mình.

Hiện anh Duy đã trở thành công dân Úc, và anh đang nộp đơn xin visa bảo lãnh vợ và con trai từ Việt Nam. Tuy nhiên, hồ sơ đang bị tạm ngưng do dịch bệnh và anh vẫn chưa biết khi nào thì tiến trình xét duyệt được tái tục trở lại.

Anh Duy cho biết lần gần đây nhất anh được ở bên vợ và con trai 2 tuổi là vào dịp Tết Canh Tý 2020, ngay trước khi đại dịch bùng phát trên toàn thế giới. Các kế hoạch về thăm vợ con của anh hoặc là đưa vợ con sang thăm Úc đều bất khả thi vào thời điểm hiện tại. Anh nói rằng nước Úc chỉ cách Việt Nam khoảng 8 giờ bay, nhưng giờ đây khoảng cách địa lý giữa hai nơi dường như đang trở thành “vô tận”, bởi vì các chuyến bay hành khách đều bị tạm ngưng.

Trong thời đại công nghệ hiện nay, nhiều người cho rằng các thiết bị kỹ thuật số có thể xóa mờ mọi khoảng cách, giúp con người có thể kết nối, trò chuyện với nhau dù đang cách xa cả nửa vòng trái đất. Nhưng anh Duy nghĩ rằng các cuộc trò chuyện mặt đối mặt, hay những cái ôm ấm áp tình thân, thì chẳng có công nghệ nào thay thế được. Mặc dù các cuộc nói chuyện qua facetime, facebook… có thể kéo dài, nhưng vẫn thiếu tình cảm khắng khít giữa người với người, và không thể nào thay thế được việc giao tiếp mặt đối mặt với nhau.
Gia đình anh Phú Duy ở NSW
Gia đình anh Duy trong một lần sum họp. Source: Supplied
Thương vợ một mình tần tảo nuôi con, thương con thơ vẫn còn chưa cai sữa, anh không thể san sẻ được gì ngoài việc cố gắng duy trì mối liên lạc hàng ngày với vợ và con. Nhưng rõ ràng là con trai bé nhỏ của anh thích xem youtube trên điện thoại hơn là nhìn mặt cha qua facetime. Điều đó có thể hiểu là do con của anh còn quá nhỏ nên không cảm nhận được tình cảm cha con khi nhìn vào màn hình. Nhưng điều đó không có nghĩa là bé không thương cha, bởi thực tế mỗi lần anh về thăm thì bé lúc nào cũng quấn quýt bên anh.
Đối với người lớn, nếu cố gắng thì có thể duy trì được tình cảm khi xa cách, nhưng đối với trẻ thơ thì vợ chồng anh Duy đều e ngại rằng việc xa vắng cha lâu ngày sẽ khiến con trai dần quên cha. Anh nói rằng đó thực sự là một thách thức lớn đối với một người cha đang ở xa con.
Mặc dù vẫn trò chuyện hàng ngày với con qua mạng, nhưng mỗi lần về thăm, anh đều phải mất một khoảng thời gian để làm quen lại với con. Khi đó, anh phải nỗ lực cho con thấy sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của người cha, để con bắt đầu kết nối trở lại với anh. Chính vì vậy, mỗi khi thu xếp được công việc là gia đình anh cố gắng sum họp với nhau để tạo sợi dây liên kết vững chắc giữa các thành viên.

Đối với việc chăm sóc con hàng ngày, anh Duy thấu hiểu những khó khăn mà vợ anh đang gánh vác. Anh hiểu được việc quán xuyến gia đình và chăm sóc con là không hề dễ dàng. Vì thế, mỗi khi gia đình sum vầy, anh Duy luôn chia sẻ công việc nhà và giúp vợ chăm con. Đối với anh, đó là dịp để cha và con có thể gần gũi nhau hơn, và để cho vợ có thời gian chăm sóc cho bản thân.
Gia đình anh Phú Duy ở NSW
Anh Duy chăm sóc cho con trai. Source: Supplied
Bản thân anh Duy ủng hộ quan điểm hiện đại là người cha nên đảm nhiệm việc chăm con, bởi người mẹ đã gánh vác trọng trách mang nặng đẻ đau không ai chia sẻ được. Tuy nhiên trong hoàn cảnh hiện tại, Duy nói rằng những điều quan trọng mà anh có thể làm là giữ gìn sức khỏe để vợ con không phải lo lắng, và chăm chỉ làm việc để  tạo được cảm giác an tâm cho vợ về mặt tài chính. Ngoài ra anh cũng giữ mối liên lạc thường xuyên với gia đình, hỏi han, động viên, chia sẻ chuyện vui buồn.

Chia sẻ với  các phụ huynh đồng cảnh ngộ - những người chỉ có thể quan tâm lo lắng cho con từ xa - anh Duy nói rằng trong thời điểm hiện tại thì những việc quan trọng mà mọi người có thể làm là chăm sóc tốt bản thân, giữ thái độ lạc quan và suy nghĩ tích cực, hi vọng vào một tương lai tốt đẹp hơn.

Thêm thông tin và cập nhật Like 


Share