Nuôi con ở Úc: Tết Việt với những thay đổi thú vị theo thời gian

Chị Lâm Anh Đào, tác giả của FB Lam Anh Dao chia sẻ các công thức nấu ăn

Chị Lâm Anh Đào. Source: FB Lam Anh Dao

Những cái Tết năm xưa của người Việt xa xứ vô cùng đơn giản vì thiếu thốn mọi bề. Đến nay, khi cuộc sống biến chuyển nhiều, Tết Việt có những thay đổi thú vị ra sao và được lưu truyền cho con cháu như thế nào?


Những ngày giáp Tết âm lịch, chị Lâm Anh Đào cũng như rất nhiều phụ huynh khác, dù bận rộn với công việc thường nhật nhưng vẫn cố gắng dành thời gian để dọn dẹp nhà cửa tươm tất và chuẩn bị các món ăn cho gia đình vào dịp đặc biệt nhất trong năm.

Nhớ những cái Tết đầu tiên

Bồi hồi nhắc lại thời gian mới đến Úc cách nay hơn ba mươi năm, chị Anh Đào cho biết, những cái Tết đầu tiên của chị ở xứ sở chuột túi rất đáng nhớ, khi mọi thứ được chuẩn bị rất đơn giản, chẳng có hoa mai hoa đào rực rỡ như ở quê nhà.

Là một người xa xứ, chị luôn tâm niệm rằng Tết là một dịp để nhớ về cội nguồn. Vì vậy chị cũng làm một vài món ăn đặc trưng như thịt kho và canh khổ qua, với ý nghĩa là “mong muốn cái khổ qua đi.”

Chị Anh Đào kể, thời đó ở Úc có rất ít nguyên liệu món ăn từ châu Á, không có nhiều người Việt và họ cũng không sống tập trung tại một số vùng. Lúc bấy giờ, những nguyên liệu để làm các món ăn Việt Nam như lá chuối hoặc  lá dong để gói bánh vẫn còn rất xa lạ với người Tây. Vì thế những người xa xứ chỉ làm những món rất đơn giản, chủ yếu là các món mặn. Còn các món bánh đặc trưng ngày Tết là một điều xa xỉ, hầu như mọi người chỉ nhớ đến thôi chứ không thể làm ra được. Chị không thể tìm được nguyên liệu để làm các loại bánh mứt như mẹ chị ở quê thường làm. Đó là những cái Tết đơn sơ mà cho đến bây giờ chị vẫn còn nhớ.

Tết Việt trở nên đầy đủ hơn

Đối với chị Anh Đào, mọi thứ hiện nay gần như đã thay đổi hoàn toàn. Giờ đây người Việt ở Úc khá đông, và sống tập trung về từng vùng. Ở đó đã mọc lên nhiều khu chợ thực phẩm Á Châu, bán khá đầy đủ các nguyên liệu từ Việt Nam. Những siêu thị lớn của Úc ngày nay cũng bán rất nhiều mặt hàng để phục vụ các cộng đồng đa văn hóa.

Nhờ vậy mà hương vị ngày Tết những năm gần đây đối với chị Anh Đào là rất đầy đủ. Chị có thể mua được hầu như mọi thứ để làm ra những sản phẩm cho ngày Tết.
Lam Anh Dao
Nhiều món ăn hương vị ngày Tết do chị Anh Đào chế biến. Source: FB Lam Anh Dao
Dạy con về ngày Tết cổ truyền

Với mong muốn các con không quên cội nguồn và ông bà tổ tiên của mình, chị Anh Đào luôn cố gắng dạy con về những nét đẹp văn hóa của người Việt.

Vào dịp Tết âm lịch, chị thường làm các món ăn đặc trưng và rủ con cùng làm. Khi đó chị luôn giải thích cho con hiểu về nguồn gốc cũng như những câu chuyện liên quan đến món ăn. Chẳng hạn như khi gói bánh chưng thì cho con biết bánh chưng có hình vuông là tượng trưng cho đất, còn bánh dày hình tròn tượng trưng cho trời.

Các con của chị rất thích những bài học thực tế như vậy. Và vào mỗi dịp tết, các bé luôn nao nức đặt câu hỏi “Mẹ ơi hôm nay mình làm món gì?”

Cùng với các món ăn, chị Anh Đào cũng dạy con về những phong tục ngày Tết cổ truyền như chúc Tết, mừng tuổi ông bà cha mẹ, lì xì…

“Vào ngày mồng một hàng năm, dù bận rộn thế nào thì gia đình chị đều đưa các con đến thăm và chúc Tết ông bà” – chị cho biết.

Các con của chị thường tự chuẩn bị những câu chúc đầy ý nghĩa. Con gái út của chị cũng mới vừa soạn xong lời chúc ông bà trong Tết này, với nội dung rất dễ thương “Con chúc ông bà sống lâu trăm tuổi, thương con thiệt là nhiều”.

Đặc biệt các bé luôn nói lời chúc Tết âm lịch bằng tiếng Việt, như một nỗ lực để trao dồi tiếng mẹ đẻ và giữ gìn nét đẹp văn hóa cội nguồn.
Lam Anh Dao
Chiếc áo dài là trang phục yêu thích trong dịp Tết của chị Lâm Anh Đào. Source: FB Lam Anh Dao
Tết trong mùa dịch

Trong hơn ba mươi cái Tết của chị Anh Đào ở Úc, Tết Tân Sửu 2021 là đáng nhớ nhất, khi đại dịch vẫn còn hiện hữu và mọi người không thể chủ quan.

Năm nay chị hạn chế không dẫn con đi hội chợ Tết, không tổ chức đi chơi cũng như gặp gỡ bạn bè và tiệc tùng, mà chỉ đi thăm và chúc Tết ông bà. Đại gia đình của chị cũng không tề tựu đông đủ như mọi năm trong bữa tiệc tất niên, với mong muốn giữ gìn sức khỏe cho mọi người.

Tuy dịp Tết mà thiếu các bữa tiệc đông vui thì sẽ kém phần náo nhiệt, nhưng nếu suy nghĩ theo hướng tích cực thì Tết năm nay có thể là dịp sum họp đầm ấm và đầy ắp tiếng cười của các gia đình nhỏ.

Gìn giữ và giảm bớt những nét Tết

Một phong tục ngày Tết khá thú vị mà gia đình chị Anh Đào vẫn còn gìn giữ là việc xông đất đầu năm.

Sáng mồng một chị cũng coi tuổi, chọn người có tuổi hợp với gia đình hoặc là người vui vẻ để xông đất đầu năm. Mặc dù có người nghĩ rằng đó là mê tín nhưng chị thấy cũng thú vị, mang ý nghĩa tích cực về mặt tinh thần, và từ đó các con của chị cũng hiểu thêm một nét văn hóa của người Việt được gìn giữ.

“Chị luôn tâm niệm là những điều hay thì mình nên giữ” – chị chia sẻ. “Những gì mà ông bà tổ tiên lưu truyền lại thì chị thấy chẳng có gì là không hay, nhưng có những điều chị không còn gìn giữ nữa, chẳng hạn như chị không sắm quần áo mới cho con vào dịp Tết, vì điều đó không phù hợp với hoàn cảnh ở Úc.”

Và chị cũng không còn làm một số loại bánh mứt quá ngọt không tốt cho sức khỏe như mứt gừng, mứt bí, bởi vì khi đãi khách các món này thì hầu như không ai ăn, không còn phù hợp nữa.

Chị Anh Đào nhận thấy hiện nay các bà nội trợ luôn chú trọng sức khỏe của gia đình. Vì vậy những bài về chế biến món ăn tốt cho sức khỏe mà chị đăng trên trang facebook của mình luôn được nhiều người yêu thích.
Lam Anh Dao
Mứt cam, một món ăn tốt cho sức khỏe. Source: FB Lam Anh Dao
Với sự sáng tạo không ngừng, chị đã chia sẻ công thức làm mứt Tết từ các loại trái cây tốt cho sức khỏe như táo, cam, kiwi… chỉ chế biến bằng cách rim và sấy khô, khi ăn không có quá nhiều đường, vì thế các bà nội trợ rất thích.

Ngoài ra, một tập tục ngày Tết mà chị Anh Đào cũng như nhiều gia đình người Việt khác đã giảm bớt là việc cúng ông bà tổ tiên. Nếu như trước kia ở quê nhà có người bày mâm cỗ cúng liên tục trong ba ngày, mỗi ngày hai bữa, thì giờ đây phần lớn đã giảm chỉ còn cúng vào đêm giao thừa và một bữa vào ngày mồng một mà thôi. Việc điều chỉnh chủ yếu là để phù hợp với hoàn cảnh sống, khi mà nhiều người vẫn phải đi học đi làm vào ngày Tết âm lịch ở Úc, nhưng vẫn gìn giữ được nét đẹp tinh thần của Tết cổ truyền.

Và dù ở đâu, làm gì, cuộc sống đổi thay thế nào thì chị Anh Đào cũng như nhiều người Việt khác vẫn luôn cố gắng gìn giữ nét Tết cho thế hệ sau theo khả năng của mình.

Mời quý vị bấm vào biểu tượng Audio trong hình ở đầu trang để nghe cuộc trò chuyện với khách mời Lâm Anh Đào.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share