Nuôi con ở Úc: Vivian Tạ và giải thưởng Long Tan Youth Leadership Awards

Vivian Tạ (ngoài cùng bên trái) cùng cha và mẹ trong một đêm diễn cho người vô gia cư.

Vivian Tạ (ngoài cùng bên trái) cùng cha và mẹ trong một đêm diễn cho người vô gia cư. Source: Nghiem Le

Giải thưởng Nhà Lãnh đạo trẻ và Long Tân bắt đầu vào năm 2006 nhằm công nhận những học sinh thể hiện khả năng lãnh đạo trong trường học và cộng đồng rộng lớn, ghi nhận thành tích của những thanh thiếu niên thể hiện các giá trị mạnh mẽ, những đặc tính không thể thiếu đối với xã hội Úc. Em Vivian Tạ, một học sinh lớp 10 đã vinh dự nhận giải thưởng này.


Từ nạn nhân của bắt nạt trên mạng đến giải thưởng vinh dự

Giải thưởng Nhà Lãnh đạo trẻ và Long Tân ghi nhận thành tích của những thanh thiến niên thể hiện các giá trị mạnh mẽ, như nỗ lực hết mình, tôn trọng người khác và thể hiện lòng tương trợ, những đặc tính không thể thiếu đối với xã hội Úc.

Giải thưởng là một sáng kiến ​​quan trọng của Chính phủ Úc kết hợp với Lực lượng Quốc phòng Úc nhằm khuyến khích học sinh cuối cấp - những nhà lãnh đạo của tương lai - tham gia tích cực vào trường học và cộng đồng địa phương.

Em Vivian Tạ (tên tiếng Việt là Vy), học sinh lớp 10 của trường Buckley Park College, vừa vinh dự nhận "Long Tan Youth Leadership Awards, do chính ông Tướng Angus J Campbell, AO, DSC, Chỉ Huy Trưởng lực lượng Quốc Phòng Úc (General- Chief of The Defence Force) ký tặng.

Chị Nghiêm Lệ, mẹ của Vivian Tạ chia sẻ với SBS đây là niềm hạnh phúc và vinh dự của cả gia đình.

“Là một người mẹ, mình vui và hãnh diện, pha một chút ngạc nhiên và sửng sốt. Mình đã được gặp một số cháu trong trường, các cháu đều ngoan, khiêm tốn, nhiệt tình trong công việc và đều xứng đáng nhận được giải thưởng này.

Con mình bệnh rất nặng hơn một năm nay, không đi đứng được mà cháu vẫn không bỏ cuộc, rồi nhận được giải thưởng vinh dự này, mình còn mừng hơn cả con nữa”.

Nhắc đến những thành tích của Vy trong học tập và phục vụ cộng đồng, sẽ thiếu sót nếu bỏ qua việc Vy từng là nạn nhân bị bắt nạt và phỉ báng trên mạng. Việc này ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần của Vy cũng như căn bệnh *Postural orthostatic tachycardia syndrome (POTS) mà Vy phải điều trị suốt một năm qua.
Vy là một cô bé nghị lực, nhưng vẫn không thể thoát khỏi ảnh hưởng của sự lo lắng, trầm cảm. Có lúc cháu phải nhập viện cả tháng, ngồi xe lăn không đi được.
Với nghị lực phi thường và tình thương của cha mẹ, bạn bè, thầy cô, Vy đã tìm lại sức khỏe, ngày một phục hồi và mạnh mẽ hơn.

Chia sẻ về việc này, chị Nghiêm Lệ cho biết “đó là cả một hành trình đau khổ không thể kể hết bằng lời” của cả gia đình trong suốt hơn một năm qua. Vy và chị Nghiêm Lệ bị một số người sử dụng các tài khoản giả mạo để phỉ báng và tấn công trên mạng sau một chương trình hát cho cộng đồng. Bé Vy và chính chị sau đó rơi vào trạng thái trầm cảm, u uất phải nhập viện.

“Vy là một cô bé nghị lực, nhưng vẫn không thể thoát khỏi ảnh hưởng của sự lo lắng, trầm cảm. Có lúc cháu phải nhập viện cả tháng, ngồi xe lăn không đi được.

Khi bác sĩ kê đơn thuốc để giúp cháu hồi phục, bác sĩ có nói một phản ứng phụ của thuốc có thể làm cháu cảm thấy buồn bã và tìm tới cái chết. Thời gian đó mình phải ngủ kế bên cạnh con, giấu hết dao kéo, những thứ gây sát thương trong nhà”, chị Nghiêm Lệ chia sẻ với SBS.

Nhìn lại những nỗ lực và thành tích mà Vy đã đạt được hôm nay, chị Nghiêm Lệ mỉm cười hạnh phúc, giải thưởng của con là trái ngọt cho những nỗi buồn vẫn còn chưa hết nguôi ngoai của cả gia đình.
"Long Tan Youth Leadership Awards, do ông Tướng Angus J Campbell, AO, DSC, Chỉ Huy Trưởng lực lượng Quốc Phòng Úc ký tặng.
"Long Tan Youth Leadership Awards, do ông Tướng Angus J Campbell, AO, DSC, Chỉ Huy Trưởng lực lượng Quốc Phòng Úc ký tặng. Source: Nghiem Le

Dạy con ‘tin vào bản thân mình’

Vivian Tạ còn là học sinh lớp 10 duy nhất của trường Buckley Park College nằm trong nhóm những học sinh cấp 3 có thành tựu xuất sắc nhận được học bổng Kwong Lee Dow Young Scholars Program của đại học Melbourne.

Chị Nghiêm Lệ, mẹ của Vy chia sẻ đây là một chương trình dành cho các em học sinh lớp 10, nằm trong nhóm 5% có thành tích học tập xuất sắc và đóng góp cho cộng đồng, với học lực phải xuất sắc, có khả năng lãnh đạo, đóng góp cho xã hội.

“Vy là trưởng khối lớp và đại diện cho 1000 tiếng nói của học sinh trong nhà trường. Vy được bạn bè bầu làm house caption, tham gia vào chương trình thiếu sinh quân của Quân lực Không quân Hoàng gia Úc, Vy sinh hoạt trong gia đình Phật tử Đại Từ bi Quan âm, Vy còn đi hát cho các chương trình đặc biệt dành cho những người vô gia cư ở chợ Victoria market. Nhờ đó mà Vy được lựa chọn tham gia chương trình này.

Mình vừa đi Vy đến trường đại học Melbourne tham gia buổi học ở giảng đường đầu tiên với các thầy cô đại học. Mình rất xúc động khi có nhiều em học sinh, nhà ở tận các vùng ngoại ô gần biên giới NSW hay SA vẫn lặn lội ngồi xe lửa 3 tiếng để đến đây học. Khi các em vào đại học, nhà trường sẽ hỗ trợ tiền học và ăn ở.

Khi các cháu nhận vào chương trình này, các cháu chắc chắn có một "vé" vào học trường Đại Học Melbourne sau khi cháu học xong lớp 12.”
Việc hát cho những người kém may mắn là cách mà mình giúp con học bài học về tình người và sự nhân ái.
Chị Nghiêm Lệ chia sẻ chị “nghiêm” với con, nhưng không bao giờ “hà khắc”, ngay từ nhỏ Vy đã được cha mẹ giáo dục tư duy độc lập, tự đặt câu hỏi và suy nghĩ, chứ không học vẹt.
Bé Vivian Tạ cùng mẹ
Bé Vivian Tạ cùng mẹ Source: Nghiem Le
“Con cần đặt câu hỏi vì sao, như thế nào và tìm câu trả lời để phát triển tư duy, thay vì học thuộc lòng. Đến giờ phút này mình vẫn chưa cho con đi học thêm. Mình nghĩ học 6 tiếng đồng hồ ở trường là quá đủ với các cháu. Thầy cô ở trường rất nhiệt tình, các con có thể hỏi thêm bài ngoài giờ, trong giờ ăn trưa.

Vy luôn thu xếp thời gian để làm những việc mình thích như làm búp bê, móc áo, móc giỏ. Mình nghĩ rằng con ở tuổi này, các con cần phải có thời gian trống, rảnh rỗi, để làm những việc mình thích và đam mê thì các cháu mới học tốt được”.

Nhiều cha mẹ gốc Việt cho rằng tham gia nghệ thuật, ca múa hát sẽ ảnh hưởng đến việc học ở trường của con, thậm chí ngăn cản con sinh hoạt văn nghệ. Nhưng Vy hoàn toàn chứng minh điều ngược lại.

Mẹ của em chia sẻ, niềm đam mê với âm nhạc và sự hưởng thụ nghệ thuật cứu rỗi tâm hồn của con trẻ, khuyến khích các con yêu thương đồng loại, dùng âm nhạc như một liệu pháp tinh thần và giúp trẻ học nhanh, nhớ lâu.

“Mình thường xuyên đưa Vy đi hát ở các chương trình đặc biệt cho những trẻ em tâm thần, tự kỷ hay người vô gia cư trong các dịp năm mới, giáng sinh hay lễ phục sinh. Nhìn những ánh mặt và gương mặt của các em nhỏ khiến Vy vô cùng xúc động. Vy luôn được yêu mến, việc hát cho những người kém may mắn là cách mà mình giúp con học bài học về tình người và sự nhân ái trong xã hội…”

Hội chứng Nhịp đập nhanh tư thế (Postural orthostatic tachycardia syndrome-POTS) là một tình trạng xảy ra khi mà chỉ một hoạt động thay đổi tư thế có thể khiến tim bệnh nhân đập nhanh đột ngột.

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe phỏng vấn với khách mời.

Share