Thế hệ thứ Hai (Bài 141) Từ phụ bếp đến giáo sư y khoa Nguyễn Văn Tuấn

Nguyen Van Tuan

Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn Source: The Guardian: Jonny Weeks

Đến Úc tị nạn vào năm 1982, bắt đầu bằng công việc phụ bếp, rửa chén tại bệnh viện St Vincent’s ở Sydney, 37 năm sau, Nguyễn Văn Tuấn nay đã trở thành giáo sư y khoa chuyên về dịch tễ học và di truyền loãng xương, đồng thời là Nghiên cứu viên cao cấp Hội đồng quốc gia về nghiên cứu y khoa và y tế Úc (NHMRC). Ông cũng hiện là nghiên cứu viên chính tại viện Garvan, Úc.


Vượt biên bằng thuyền từ Việt Nam năm 1981, ông Nguyễn Văn Tuấn đặt chân đến nước Úc vào ngày Quốc khánh năm 1982.
 
Ông bắt đầu cuộc hành trình tị nạn của mình ở Úc bằng công việc đầu tiên là phụ bếp, rửa chén tại bệnh viện St Vincent's ở Sydney.
 
37 năm sau, ông Tuấn vẫn còn làm việc tại St Vincent's, nhưng giờ ông là giáo sư y khoa, giám đốc labo chuyên nghiên cứu về di truyền dịch tễ học loãng xương tại Viện Nghiên cứu Y khoa Garvan thuộc Bệnh viện St Vincent's.
 
Ông đồng thời được trao "ghế" nhà khoa học cao cấp (Principal Fellow) của Hội đồng quốc gia về nghiên cứu y khoa và y tế Úc (NHMRC).
Nguyen Van Tuan
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn tại Đại học NSW, nơi ông được trao học vị cao nhất vì những đóng góp xuất sắc cho chuyên ngành loãng xương thế giới (The Guardian) Source: The Guardian
Năm 2017, ông được Đại học New South Wales trao học vị tiến sĩ thứ hai và là học vị cao nhất trong hệ thống giáo dục đại học Úc vì những đóng góp xuất sắc cho chuyên ngành loãng xương thế giới. Ông còn giữ chức giáo sư danh dự thuộc Đại học Notre Dame và giáo sư xuất sắc thuộc Đại học Công nghệ Sydney (UTS).
 
Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cũng là tác giả của mô hình đánh giá nguy cơ gãy xương tên "Garvan Fracture Risk Calculator" mà bất kỳ bác sĩ nào ở Việt Nam và trên thế giới điều trị bệnh loãng xương hay nghiên cứu về nó đều biết đến mô hình này.
Ông có gần 300 công trình khoa học công bố trên các tập san danh tiếng trên thế giới và là một trong những giáo sư y khoa được trích dẫn nhiều nhất thế giới.
 
Làm thế nào từ vị trí phụ bếp,  ông Tuấn học đại học, làm trợ lý nghiên cứu rồi theo đuổi chương trình tiến sĩ, trở thành giáo sư y khoa danh tiếng như hiện nay?
 
Mời nghe thêm chia sẻ về hành trình 37 năm của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn cũng như những thử thách đối với một nhà nghiên cứu khoa học gốc Việt ở nước ngoài và hệ thống khoa bảng của Úc trong phần audio.




Share