LHQ thúc giục Úc thả gia đình người Tamil khỏi trại giam người tầm trú

Supporters of the family outside the Federal Court in Melbourne

Supporters of the family outside the Federal Court in Melbourne Source: AAP

Các tổ chức quốc tế đang “để mắt” đến chính phủ Úc khi nước này giam giữ một gia đình người Tamil trên đảo Christmas. Giám sát viên nhân quyền của Liên Hợp Quốc đã châm ngòi cho cuộc tranh cãi vốn đã nảy lửa, khi đưa ra một yêu cầu khẩn cấp buộc Úc phóng thích gia đình này khỏi trung tâm giam giữ người tầm trú.


Liên Hợp Quốc cho rằng gia đình người Tamil đang bị giam giữ trên đảo Chrismas nên được phóng thích trong vòng 30 ngày.

Chính phủ Úc đã giam giữ gia đình bốn người trên đảo Chrismas, trong khi hồ sơ xin tị nạn của họ đang chờ phán quyết của phiên điều trần tại Tòa án Liên bang.

Ủy ban Nhân quyền LHQ đã yêu cầu chính phủ chấm dứt việc giam giữ gia đình này như một biện pháp tạm thời.

Yêu cầu đã được phác thảo trong một bức thư gửi cho luật sư gia đình của gia đình này là Carina Ford.

Người bạn của gia đình, cô Angela Fredericks nói rằng cô rất vui mừng khi thấy bức thư từ Liên Hợp Quốc.

"Tôi cảm thấy rất nhẹ nhõm. Tôi đoán LHQ công nhận rằng trung tâm giam giữ người nhập cư không phải là nơi dành cho trẻ em và gia đình.”

Gia đình Tamil đã sống trong trại giam người nhập cư ở Melbourne kể từ tháng 3 năm 2018 và bị chuyển đến đảo Chrismas vào tháng trước.

Cô Fredericks hy vọng chính phủ sẽ lắng nghe yêu cầu của Liên Hợp Quốc và để gia đình trở về thị trấn Biloela, Queensland.

"Tôi hy vọng chính phủ của chúng ta tuân thủ yêu cầu của LHQ, tìm giải pháp để cho gia đình họ được quay trở lại Biloela, ngôi nhà của họ”.

Các thành viên của cộng đồng nhỏ Queensland từ lâu đã lên tiếng ủng hộ gia đình Tamil, những người mà họ nói đã đóng góp nhiều giá trị cho thị trấn hẻo lánh ở nông thôn này.

Chính phủ Úc đang tìm cách trục xuất gia đình trở về Sri Lanka sau khi đơn xin tị nạn của họ liên tục thất bại.

Trường hợp gia đình Tamil phụ thuộc vào cô con gái hai tuổi sinh ra ở Úc Tharunicaa, liệu cô bé có được cấp visa tị nạn hay không.

Phát ngôn nhân của Hội đồng Tị nạn Tamil Aran Mylvaganam nói rằng chính phủ Úc nên hành động theo yêu cầu của Liên Hợp Quốc ngay lập tức.

"Đây là một tiến triển đáng kể. Chúng tôi kêu gọi chính phủ Úc không cần chờ đợi đến 30 ngày và hãy cho phép gia đình này tự do ngay lập tức. Việc giam giữ đang gây tổn thất lớn cho sức khỏe của đứa bé."

Mặc dù được sinh ra ở Úc, Tharunicaa vẫn bị coi là "đến Úc bằng thuyền trái phép" theo Đạo luật Nhập cư.

Đạo luật nói rằng con cái của những người xin tị nạn đến nước này bằng thuyền không thể xin visa.

Bộ Nội vụ cho biết họ nhận được yêu cầu của Liên Hợp Quốc và gia đình sẽ ở lại đảo Chrismas trong khi các thủ tục pháp lý được tòa án giải quyết.

Share