Đại dịch làm tăng khả năng hiện hữu tình trạng nô lệ hiện đại

A young girl working a loom in an Indian workshop

A young girl working a loom in an Indian workshop Source: Getty

Không chỉ gây ảnh hưởng nặng nề đối với sức khỏe nhân loại, đại dịch COVID-19 còn tác động rất lớn đến nhiều người lao động. Các nhà hoạt động chống lại những hình thức bóc lột hoặc tình trạng nô lệ thời hiện đại nói rằng đại dịch đã làm cho tình hình tồi tệ hơn đối với hàng chục triệu người trên khắp thế giới, bao gồm nước Úc.


Nhiều người vốn đã chưa có công ăn việc làm ổn định hồi trước đại dịch giờ đây lại rơi vào tình trạng bị bóc lột. Đó là một trong rất nhiều hậu quả đáng tiếc của đại dịch COVID-19.

Phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc hồi tháng 9, ôngTomoya Obokata, Báo cáo viên đặc biệt về các hình thức nô lệ đương đại cho biết một vài nhóm người đang rất chật vật mới có thể tồn tại.

“Tôi đặc biệt quan tâm đến tình trạng thất nghiệp của một số lượng lớn người lao động trên toàn cầu, điều đó có thể khiến nạn nghèo đói và bất công ngày càng trầm trọng hơn, đồng thời làm gia tăng các trường hợp nô lệ, lao động cưỡng bức và các hành vi bóc lột khác. Một số nhóm dễ bị ảnh hưởng như người lao động không có hợp đồng, phụ nữ, trẻ em và thanh thiếu niên, người dân tộc thiểu số, thổ dân và người tị nạn.”

Tại Úc, chỉ số nô lệ toàn cầu cho thấy số người đang sống trong các điều kiện giống như nô lệ là 15.000 người.

Nhưng Viện Tội phạm học Úc cho biết con số thực tế khoảng 1900 - mặc dù tổ chức này tuyên bố rằng chỉ 1/5 số trường hợp được xác định.

Tiến sĩ Stephen Morse là người sáng lập và Giám đốc điều hành của Unchained, công ty chuyên cung cấp các chiến lược để cải thiện chuỗi cung ứng giúp người lao động ở nước ngoài và ở Úc. Công ty sử dụng 100% lợi nhuận để tài trợ cho các doanh nghiệp xã hội ở Úc nhằm hỗ trợ phần lớn phụ nữ có nguy cơ bị bóc lột.

Tiến sĩ Morse cho biết ở Úc có nhiều hình thức bóc lột hoặc nô lệ:

“Các hình thức chủ yếu trong lãnh vực nông nghiệp và đặc biệt là trong xây dựng. Ngoài ra còn có trong các dịch vụ bán lẻ, làm móng, bảo vệ và rửa xe. Đó là các lãnh vực chính ở Úc. Ước tính có khoảng 15.000 người đang làm việc như nô lệ trong các loại hình dịch vụ đó.”

Liên hợp quốc ước tính có 40,3 triệu người đang ở trong tình trạng nô lệ thời hiện đại, bao gồm 24,9 triệu người bị cưỡng bức lao động và 15,4 triệu người bị cưỡng ép kết hôn.
Tại Úc, các nhóm tương tự bao gồm người nhập cư, người tị nạn và sinh viên quốc tế đang báo cáo tình trạng bóc lột gia tăng do tỷ lệ việc làm sụt giảm trong thời kỳ đại dịch.
Sáng kiến Công bằng cho Người lao động nhập cư (MWJI) gần đây đã công bố kết quả của một cuộc khảo sát trên toàn nước Úc với hơn 6,000 sinh viên quốc tế và những người nhập cư tạm thời khác được thực hiện hồi tháng 7 vừa qua.

Kết quả cho thấy 70% người được khảo sát đã mất hoàn toàn hoặc hầu hết việc làm của họ trong đại dịch, khiến họ rất khó khăn để trang trải các chi phí cơ bản và chấp nhận bị bóc lột.

Fassina Farbenblum là đồng giám đốc MWJI và Phó giáo sư Khoa Luật của Đại học New South Wales cho biết.

“Chúng ta hiện đang đối mặt với vấn đề là nhiều người cần có thu nhập để tồn tại trong khi số lượng việc làm thì hạn chế. Chúng tôi biết rằng rất nhiều người di dân tạm thời đang chấp nhận điều kiện làm việc bóc lột và chúng tôi cho rằng tình trạng của họ sẽ càng trở nên tệ hơn.”

Tiến sĩ Morse cho biết, nhiều người Úc kỳ vọng rằng các dịch vụ và sản phẩm giá rẻ phải luôn sẵn có, đó chính là thái độ thúc đẩy việc bóc lột những người dễ bị ảnh hưởng.

[[MORSE]]

“Tôi nghĩ rằng chúng ta đang sống trong một thế giới mà ai cũng mong đợi mọi thứ được sản xuất với giá rẻ nhất và tiêu thụ nhanh nhất. Khi nói đến kinh doanh, chúng tôi định hướng đến mức giá thấp nhất. Làm thế nào để chúng ta có được những thứ rẻ nhất, và sản xuất càng nhanh càng tốt. Không ai nói rằng họ muốn mua sản phẩm do nô lệ làm ra. Nhưng thực tế thì ngược lại, bởi họ muốn mua hàng với giá thấp nhất.” 

Giáo sư Farbenblum nói rằng những người đang gặp khó khăn luôn có thể được giúp đỡ:

“Nếu bị bóc lột trong khi làm việc, họ có thể báo cáo cho Tổ chức Thanh tra Công bằng nơi làm việc - Fair work Ombudsman. Họ cũng có thể tìm kiếm trợ giúp thông qua các trung tâm pháp lý cộng đồng. Chúng tôi có một danh sách liên hệ trên trang web của chúng tôi về sáng kiến công bằng cho người lao động di dân là mwji.org. Và có những tổ chức có thể áp dụng lời khuyên về việc làm, giúp xin trợ cấp một lần từ Hội Chữ thập đỏ trong trường hợp cần hỗ trợ khẩn cấp.”

Mọi người cũng có thể liên hệ với Đạo quân cứu tế Salvation Army Safe House qua số 1300 478 560 để được hỗ trợ.

Và quý vị có thể cập nhật tin tức về coronavirus bằng tiếng Việt tại sbs.com.au/coronavirus.



Thêm thông tin và cp nht Like Nghe SBS Radio bng tiếng Vit mi ti lúc 7pm ti 

Share