Du học ở Úc (228) Làm sao để chọn đúng trường, đúng ngành khi du học?

Student

Source: Element envato

Sinh viên và các phụ huynh thường tập trung quá nhiều vào một số khía cạnh quan trọng của việc chọn đúng trường đại học hoặc đúng ngành mình muốn, mà thường bỏ sót những vấn đề ít rõ ràng hơn nhưng có vai trò quan trọng không kém. Vậy làm thế nào để chọn trường, ngành học phù hợp ?


Cánh cửa bước vào Đại học luôn được xem là một quyết định quan trọng trong cuộc đời mỗi người. Việc bạn chọn trường, chọn ngành học phù hợp với sở thích, điều kiện và năng lực của bản thân sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến cả hành trình dài trong suốt những năm học . Điều này còn tiếp tục tác động đến những năm về sau , khi bạn tốt nghiệp và chính thức bước vào môi trường làm việc .

Bên cạnh đó, công bố của Bộ Nội Vụ Úc hồi cuối năm ngoái đưa Việt Nam lên cấp bậc 2 với việc bổ sung thêm một số trường ở Úc không yêu cầu chứng minh tài chính đã mở ra thêm nhiều cơ hội học tập ở Úc cho du học sinh Việt Nam.

Sinh viên và các phụ huynh thường tập trung quá nhiều vào một số khía cạnh quan trọng của việc chọn đúng trường đại học hoặc đúng ngành mình muốn, mà thường bỏ sót những vấn đề ít rõ ràng hơn nhưng có vai trò quan trọng không kém.

Đây là một quá trình dài tìm hiểu và so sánh giữa nhiều chọn lựa với nhiều yếu tố khác nhau. Bạn nên tập trung vào cái gì? Làm thế nào để bạn cân nhắc các yếu tố liên quan?

Xác định điều kiện tài chính gia đình

Tài chính là vấn đề quan tâm hàng đầu khi bạn có kế hoạch du học. Bạn nên chọn ngành, chọn trường phù hợp với điều kiện kinh tế của gia đình để bảo đảm quá trình du học của mình được suôn sẻ để có thể yên tâm học tập. Một số trường hợp du học sinh và gia đình không tính toán kỹ lưỡng, đến khi du học sinh sang đây học rồi, thiếu trước hụt sau, các bạn phải xin hoãn việc học lại hoặc phải làm thêm quá quy định ảnh hưởng đến kết quả học tập và gây rủi ro cho chiếu khán của mình.

Ở Úc, có rất nhiều trường đại học uy tín và chất lượng cao với mức học phí chấp nhận được. Hãy dành thời gian tham khảo và tìm hiểu thật nhiều trên trang web của trường, đến tham quan trường ( nếu có thể), làm quen và nói chuyện với những người bạn đã từng học tại trường. Điều này sẽ cho bạn một cái nhìn toàn cảnh về khóa học và trường bạn muốn đăng ký cũng như hiểu biết về những hoạt động hữu ích khác mà du học sinh trường đó được cung cấp và trải nghiệm.

Học phí các trường lớn ( đặc biệt là các trường thuộc nhóm Group of Eight ( 8 trường danh tiếng nhất Úc) thường sẽ không quá chênh lệch và cũng không khác biệt quá nhiều so với những trường khác không nằm trong danh sách top . Học phí thường sẽ có sự khác biệt lớn giữa các ngành nghề , đặc biệt những khóa về ngành về học thuật  và những ngành tay nghề.

Mỗi thành phố ở Úc có mức phí sinh hoạt khác nhau. Những thành phố trung tâm, thủ phủ của các bang, các tiểu vùng bao giờ mức phí sinh hoạt cũng cao hơn những thành phố khác. Việc bạn sinh sống ở thành phố nào phụ thuộc rất nhiều vào điều kiện kinh tế của gia đình bạn. Một số trường phân bổ ngành theo cơ sở, Chẳng hạn như cơ sở RMIT ở trung tâm Melbourne, các nhóm ngành kinh doanh, truyền thông, nghệ thuật sẽ học ở đấy , trong khí nhóm ngành về giáo dục hay y dược sẽ học ở cơ sở trường nằm ở khu vực xa thành phố.

Hãy tìm hiểu kỹ về ngành nghề mình muốn theo học tại trường đó sẽ học ở cơ sở nào, mức sống xung quanh đó trung bình là bao nhiêu để bảo đảm bạn có thể đảm đương về học phí và cả chi phí sinh hoạt ở đó.

Đây là những câu hỏi bạn nên tự đặt khi chọn trường:

- Trường thuộc thành phố hay vùng ngoại ô?

- Nơi mình học có thuận tiện cho giao thông, việc đi lại hay không?

- Cơ sở vật chất có ổn định không?

- Chi phí sinh hoạt thế nào?

Ngoài ra, yếu tố an toàn cũng là nét cần lưu ý, nhất là trong bối cảnh an ninh bất ổn đang gia tăng trên toàn thế giới. Nên chọn những vùng nhiều người bản địa, tránh những khu quá vắng vẻ nếu bạn chưa quen cuộc sống tự lập.

Các trường đai học ở Úc cũng được biết đến là ‘hào phóng’ về học bổng. Và mỗi năm, các trường vẫn tiếp tục tăng cường rất nhiều chương trình học bổng hấp dẫn để thu hút những sinh viên xuất sắc nhất. Tìm hiểu trên trang mạng của trường, trung tâm tư vấn, hoặc gửi email cho bộ phận tuyển sinh trực tiếp của trường để hỏi.

Thứ hạng của trường không phải là tất cả

Sự thành công và mức lương của các sinh viên ra trường không phụ thuộc hoàn toàn vào thứ hạng của các trường đại học đó. Danh tiếng của trường có thể giúp bạn tạo ấn tượng đầu tiên tốt hơn, nhưng việc được tuyển dụng hay không lại nằm ở kiến thức và năng lực bản thân của bạn.

Trên phương diện học thuật, hầu hết các trường đứng đầu trong bảng xếp hạng đều có đội ngũ giáo sư là những nhà nghiên cứu hàng đầu thế giới, và họ dành phần lớn thời gian để nghiên cứu. Hơn nữa, năng lực nghiên cứu không phải lúc nào cũng tương đương với khả năng giảng dạy và truyền đạt kiến thức, và điều này có thể ảnh hưởng đến việc tiếp thu kiến thức của bạn.

Trong khi đam mê là một trong các yếu tố được đánh giá rất cao bởi hội đồng tuyển sinh của các trường đại học. Một ứng viên tốt được kỳ vọng có niềm đam mê sâu sắc với điều gì đó trong cuộc sống để có thể nổi bật giữa vô vàn hồ sơ. Thực tế không phải sinh viên nào cũng nhận ra được đam mê, sở thích của mình khi nộp hồ sơ xin học.

Đã có nhiều bạn sinh viên lúc đầu chọn một ngành nhưng sau thời gian va chạm, cọ xát thì lại chuyển sang một ngành khác không hề liên quan gì. Điều này cho thấy, đam mê theo đuổi nghề nghiệp mới thực sự quan trọng. Chỉ khi có đam mê, bạn mới sẵn sàng đầu tư thời gian cho nó và mới có thể đi đến thành công. Khi bạn đã xác định được chuyên ngành muốn theo học, bạn có thể lựa chọn những trường có thế mạnh về ngành đó nhưng chưa hẳn những trường này sẽ nằm trong nhóm đầu của bảng xếp hạng chung.

Đôi khi vì lý do nào đó,nhiều bạn sinh viên phải học những trường có xếp hạng quá cao nhưng lại không phù hợp với điều kiện và năng lực của mình thì lại vô tình biến điều này thành rào cản và gây áp lực cho chính các bạn.  Vì thế, dù tìm trường theo yếu tố nào, các bạn hãy cân nhắc thật kỹ để có thể học tập ở một môi trường thoải mái nhất giúp bạn phát triển cả về trí tuệ lẫn sức khỏe tinh thần

Điểm ATAR ở Úc là tiêu chuẩn để những học sinh bậc trung học tốt nghiệp tại đây được nhận vào trường Đại học mình yêu thích. Rất nhiều du học sinh chịu áp lực phải chọn những trường lớn, danh tiếng với ATAR đầu vào cao với những khích lệ từ phía gia đình hay bạn bè rằng để không ‘uổng phí điểm ATAR’. Điều này không những không chính xác mà đôi khi còn mang lại những hệ quả không tích cực cho chính các du học sinh.

Nếu bạn đạt điểm ATAR cao chứng tỏ bạn có học lực tốt và xứng đáng được học ở những trường danh tiếng. Tuy nhiên, điều cần lưu ý rằng số điểm ATAR đầu vào ở mỗi trường thay đổi hằng năm phụ thuộc vào nhu cầu của ngành học đó, chứ không chứng minh hoàn toàn về chất lượng giáo dục của trường. Những điểm số đầu vào được công bố phản ánh số lượng sinh viên trường sẽ nhận cho khóa học trong học kỳ đó. Vì vậy, nếu ngành học một trường nào có điểm đầu vào thấp hơn, bạn đừng vội đánh giá chất lượng trường sẽ không sánh bằng.

Một lời khuyên chọn trường và ngành của  giáo sư Duncan Ivision, Phó Hiệu trưởng (phụ trách nghiên cứu) của Trường Đại học Sydney đó là nếu số điểm ATAR của bạn không đủ vào chuyên ngành mình mong muốn, hãy chọn một ngành rộng hơn có liên quan. Bằng cách này, bạn có thêm một số lựa chọn như, học double degrees ( hai ngành một lúc), hoặc sau đó sẽ tiếp tục học chuyên ngành ở bậc cao học. Ông cho biết điều này khác phổ biến trên thế giới khi rất nhiều người chọn học ngành mở rộng bậc đại học và đi sâu về chuyên ngành ở bậc cao hơn.

Đừng quá áp lực về việc sẽ làm việc gì sau ra trường

Việc xác định sự liên kết về ngành học và khả năng kiếm việc sau ra trường là quan trọng. Nhưng, bạn đừng quá chú trọng và lo lắng về việc này mà bỏ lỡ đam mê và sở thích của chính mình. Chỉ có bạn hiểu được mình thích điều gì và có thể làm việc toàn tâm toàn ý nhất cho điều gì. Hãy giữ cho mình một suy nghĩ cởi mở và trò chuyện với các bậc phụ huynh để chia sẻ với họ rằng bạn chỉ có thể làm tốt nhất điều mà bạn thực sự đam mê.

Thị trường việc làm trên toàn thế giới thay đổi không ngừng. Rất nhiều công việc sẽ trở thành xu hướng nhu cầu mới khi bạn tốt nghiệp mà chúng ta chưa biết đến. Ngoài ra, có rất nhiều người trẻ ngày nay trải qua năm đến bảy năm trong sự nghiệp để tìm ra được điều mình thực sự đam mê và dành tâm sức cho đam mê đó.
Bạn hãy cho phép bản thân được cân nhắc kỹ giữa những điều đó, thay vì phải chạy theo số đông những người đang học những ngành nghề được cho là ‘thời thượng’, là dễ kiếm việc lượng cao. Nếu bị ảnh hưởng tâm lý bởi đám đông, bạn sẽ rất khó để định hướng cho mình. Bạn đừng đi du học vì ai cũng đi du học, đừng chọn ngành mà ai cũng theo học hay quá nhiều người giới thiệu.

Nền giáo dục ở Việt Nam còn cứng nhắc về lý thuyết trong khi nền giáo dục nước ngoài lại luôn cởi mở và khuyến khích sự sáng tạo của sinh viên. Đi du học, bạn phải tập thích nghi với cách học mới, luôn phải chủ động tìm tòi, nghiên cứu, tự thực hành và làm việc nhóm.Vì vậy, nếu bạn không chọn đúng ngành và trường học đúng khả năng của mình, bạn sẽ dễ nản, bị đuối và bỏ cuộc giữa chừng.

Hãy viết ra những điểm mạnh yếu của bản thân, liệt kê những sở thích và khả năng của mình. Bạn có thực sự muốn học ngành đó không?  Bạn có thực sự muốn du học không? Nếu việc học gặp khó khăn, bạn có đủ tự tin mình sẽ đủ động lực để vượt qua được không?

Học xong về hay ở?

Dù không ít người mãi vẫn “loay hoay” không biết mình phải đi đâu, làm gì nhưng có những bạn trẻ may mắn biết rất rõ mục tiêu, ước mơ của bản thân và kiên định theo đuổi con đường mình đã chọn.

"Học xong về hay ở? "là câu hỏi tưởng chừng quá sớm để đặt ra trong giai đoạn này nhưng thực ra vô cùng cần thiết để giúp bạn tiết kiệm được thời gian, tài chánh của mình. Không ít những bạn sinh viên sau khi học một thời gian phát hiện ngành mình không nằm trong danh sách được định phải bỏ dở chuyển ngành, chuyển trường hoặc tiêu tốn thêm chi phí để thay đổi hoạch định của mình.

Tất nhiên, các bạn đều có thể thay đổi kế hoạch vào bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho mình những nguồn lực an toàn nhất, cũng như xây dựng một tương lai hiệu quả, bạn hãy dành thời gian suy nghĩ kỹ và thiết lập cho mình một lộ trình phù hợp, tránh những phát sinh không cần thiết về sau.

Điểm tin tại Úc

MVISC
Source: MVISC Fanpge
Xuân Yêu Thương là chương trình từ thiện thường niên do MVISC thực hiện nhằm giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Qua 5 năm hoạt động thông qua việc bán đồ ăn và vật phẩm từ thiện tại Melbourne, Quỹ Xuân Yêu Thương đã phần nào làm mùa xuân của các hộ gia đình nghèo tại Việt Nam thêm ấm áp tình người.

Mục tiêu hoạt động của chương trình là để tổ chức những chuyến đi từ thiện tại những nơi có hoàn cảnh khó khăn ở Việt Nam nhân dịp xuân về dành cho các bạn sinh viên, cựu sinh viên tại Úc. Xuất phát từ chương trình bán đồ ăn từ thiện, như bánh giò phá lấu cho các bạn sinh viên tại Úc, tới nay, MVISC hiện đang tổ chức rất nhiều các chương trình lớn/nhỏ nhằm gây quỹ từ thiện Xuân Yêu Thương.

Năm nay, Quỹ Xuân Yêu Thương sẽ đánh dấu năm hoạt động thứ sáu tại điểm trường Tân Xuân, huyện Xuân Hồ, Sơn La. Đoàn từ thiện MVISC đã trao 120 phần quà cho các em học sinh tiểu học có hoàn cảnh khó khăn vào sáng ngày 18/01/2019.

Mỗi tuần một điều không thể bỏ lỡ ở Úc

Tet o VISAWA
Source: VISAWA Fanpage
Tuần này giới thiệu đến các bạn du học sinh, đặc biệt các bạn đang học tập và sinh sống ở Tây Úc chương trình: Tết Quê Hương 2019 được tổ chức bởi Hội Sinh viên Việt Nam tại Tây Úc VISAWA.

Thời gian: 7pm-10pm ngày 27.1.2019

Địa Điểm: Canning Town Hall, 1317 Albany Hwy, Cannington WA 6107



Share