Liên Hiệp Quốc kêu gọi các nước đề ra mục tiêu chống biến đổi khí hậu quyết liệt hơn

A man rides a bicycle in Shanghai. China has pledged climate neutrality by 2060

A man rides a bicycle in Shanghai. China has pledged climate neutrality by 2060 Source: AAP

Khi thế giới đang tập trung giải quyết dịch bệnh thì vấn đề biến đổi khí hậu vẫn không bị quên lãng. Đó là thông điệp của Hội nghị Hội đồng Liên Hiệp Quốc, nhân kỷ niệm năm năm ngày ký Thỏa ước Paris.


Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres bắt đầu cuộc hội nghị online, đánh dấu kỷ niệm năm năm ngày ký Thỏa ước Paris, ông thúc giục các quốc gia hãy đề ra những mục tiêu về khí hậu một cách quyết liệt hơn.

 ‘Thế giới đang lên cơn sốt và đang bùng cháy. Thập niên vừa qua là thập niên nóng nhất trong lịch sử. Nồng độ khí nhà kính tiếp tục tăng lên. Lượng thải khí carbon từ nguồn nhiên liệu hóa thạch và cháy rừng đạt cao nhất mọi thời trong năm 2019 và cao hơn năm 1990 tới 62%. Chúng ta cần phải đảo ngược tình thế một cách khẩn cấp.’

Tại cuộc gặp gỡ qua video, các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế thế giới đã thảo luận về những nỗ lực nhằm giảm bớt sự thải khí carbon.

Ông Guterres thúc giục một kế hoạch về khí hậu bao gồm 6 điểm trong đó nói đến sự đầu tư cho những ngành nghề thân thiện với môi trường, cũng như chấm dứt tài trợ cho những lĩnh vực gây ô nhiễm và nhiên liệu hóa thạch.

Một vài điểm then chốt khác là khi đưa ra quyết định quốc gia về tài chánh và chính trị, các nước cần phải suy nghĩ đến vai trò của môi trường trong các phán quyết đó, cũng như các quốc gia phải hợp tác chặt chẽ và không bỏ rơi một ai lại phía sau.

Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson nói dịch bệnh đã khiến sự thải khí nhà kính giảm xuống.

‘Có vẻ như chúng ta đã giảm được từ 8 đến 10% so với năm ngoái. Tuy nhiên, tin xấu là chúng ta đạt được điều này do đã bị một cú shock kinh tế kinh hoàng từ dịch bệnh. Và điều duy nhất chúng ta có thể và sẽ đạt được tỷ lệ giảm khí thải này là vì điều mà các bạn biết đấy, máy bay không cất cánh, mọi người không đi lại, xe cộ không lưu thông, và nền kinh tế không sản xuất theo hướng như trước nay nó vốn thế.’

ông Johnson nói coronavirus tấn công loài người mà không báo trước, nhưng sự thay đổi khí hậu thì đã dự báo cho người ta biết từ sớm.

‘Con người đã bị coronavirus tấn công đột ngột. Hãy đối mặt với điều này. Tất cả chúng ta đều chưa kịp chuẩn bị gì cả. Nhưng với sự biến đổi khí hậu, không ai có thể nói là mình không biết gì về vấn đề này, và không ai có thể nói là mình bị động không kịp chuẩn bị. Và đó là những gì chúng ta sẽ phải làm từ bây giờ.’

Còn Chủ tịch Ủy ban Âu châu bà Ursula von der Leyen nói Âu châu đã sẵn sàng hành động.

‘Khôi phục từ đại dịch đòi hỏi một sự đầu tư lâu dài nhằm đưa nền kinh tế bước tiếp. Nó cũng đòi hỏi những hành động quyết liệt không thể bỏ rơi bất kỳ ai lại phía sau. Và đó là lý do tại sao chúng tôi thành lập Quỹ Chuyển giao Tức thời. Chúng tôi muốn sử dụng cơ hội lần này để tạo ra một nền kinh tế bền vững hơn, có thể sản xuất cũng như tiêu thụ theo hướng thân thiện với môi trường và khiến cộng đồng mạnh khỏe hơn. Liên minh Âu châu sẵn sàng chia sẻ trách nhiệm. Chúng tôi đã đồng ý sẽ làm cho Âu châu trở thành lục địa cân bằng về mặt khí hậu đầu tiên trên thế giới trước năm 2050.’

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng công bố trước Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc rằng Trung Quốc sẽ đạt được sự cân bằng về carbon trước năm 2060.

Thủ tướng Canada ông Justin Trudeau cũng cho biết đất nước ông cam kết chống lại sự biến đổi khí hậu.

Ông nhấn mạnh rằng các quốc gia không thể bỏ quên vấn đề khí hậu khi chiến đấu chống coronavirus. Ông yêu cầu các nước hãy tham gia vào Liên minh Lãnh đạo về Giá Carbon và Liên minh Cung cấp Năng lượng mới ngoài Than đá.

Share