Nuôi con ở Úc: Khi con đưa người yêu về nhà cha mẹ để sống thử

Một ngày nọ, đứa con đã trưởng thành muốn đưa người yêu về nhà để chung sống với cha mẹ của mình. Khi đó các bậc phụ huynh ứng xử như thế nào? Liệu cha mẹ người Việt ở Úc có đồng ý cho con sống thử trước hôn nhân ngay trong nhà của mình?


Hiện nay, việc các cặp đôi sống chung trước hôn nhân đang là xu hướng ở nhiều nơi trên thế giới, và trở thành một điều có vẻ như bình thường đối với nhiều người. Trong khi hầu hết các cặp đôi muốn ra ngoài sống riêng để cảm thấy tự do thoải mái, một số bạn trẻ lại muốn đưa ý trung nhân của mình về sống cùng cha mẹ để được hỗ trợ về vật chất lẫn tinh thần.

Trước tình huống con cái đưa người yêu về nhà cha mẹ để sống thử, các bậc phụ huynh đã những cách nhìn nhận khác nhau, trong đó có quan điểm ủng hộ và phản đối.

Chỉ đồng ý cho đôi trẻ chung sống khi đã đăng ký kết hôn

Chị Kim Dung từ Melbourne có ba cô con gái. Hai người con lớn đã trưởng thành, đang học đại học và vẫn sống cùng cha mẹ. Con gái lớn của chị hiện đã có bạn trai nhưng chưa quyết định tới hôn nhân.

Khi được hỏi về quan điểm cho con đưa người yêu về nhà sống thử, chị Kim Dung không ủng hộ vì cho rằng nhà của chị khá nhỏ, đồng thời chị e rằng con gái lớn đưa bạn trai về nhà sẽ ảnh hưởng đến môi trường học tập của con gái nhỏ.

Chị Dung cũng chia sẻ rằng nếu con và bạn trai đã suy nghĩ chính chắn, đã cân nhắc về khả năng tài chính, thì chị sẽ ủng hộ cho đôi trẻ ra ngoài ở riêng, với điều kiện là hai bên gia đình đã gặp mặt nhau và đôi bạn làm thủ tục pháp lý đăng ký kết hôn.

“Nếu không có tiền nhiều thì tổ chức đám cưới nhỏ thôi, một bữa cơm cho hai gia đình gặp nhau cũng được, nhưng phải có giấy kết hôn để sau này nếu có cháu thì gia đình sẽ vui vẻ thuận hòa hơn. “- chị Dung nói.

Chị Dung cũng không ủng hộ việc giới trẻ sống thử trước hôn nhân:

Nói thực ra là mình hoàn toàn không đồng ý việc sống thử trước hôn nhân. Thứ nhất là có nhiều vấn đề phát sinh sau này. Nếu thương thật thì tại sao lại không đăng ký kết hôn. Nếu mà sống thử rồi vui thì ở không vui thì đi, nếu người nữ có con rồi không ai chăm sóc thì trách nhiệm đó thuộc về ai? Điều này còn ảnh hưởng đến đứa bé nữa, khi bé lớn lên và hỏi ba của nó đâu thì gia đình rất khó giải thích. Rồi còn vấn đề đứa con lớn đi trước làm gương cho đứa nhỏ hơn, mình không muốn các con nối kết kiểu đó.”   “… Nếu để con tự do sống thử thì con sẽ không có trách nhiệm đối với bản thân cũng như đối với xã hội.”

Đối với quan điểm cho rằng ngày nay trong trường học ở Úc đã dạy cho học sinh cách phòng tránh thai, nên nguy cơ mang thai ngoài ý muốn cũng ít khi xảy ra, chị Dung nghĩ rằng việc lạm dụng thuốc tránh thai có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh con trong tương lai, đến lúc muốn có con lại khó mà có được.

Ngoài ra chị Dung còn cho rằng kết hôn trước khi sống chung là cần thiết, để đôi trẻ biết sống có trách nhiệm đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Để dạy con sống có trách nhiệm hơn, chị Dung nói rằng cha mẹ cần hiểu con, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở và khuyên nhủ con tránh đi những sai lầm.

Nói chung, chị Kim Dung không đồng ý cho con đưa người yêu về nhà chung sống, cũng không ủng hộ việc con sống thử trước hôn nhân. Chị nghĩ rằng cha mẹ có thể áp dụng cách dạy con theo phương Tây hay phương Đông tùy theo hoàn cảnh, miễn là cách đó phù hợp với gia đình và là cách mà cha mẹ tin là tốt nhất đối với con.

Đồng ý cho đôi trẻ về nhà sống thử nếu nhận thấy phù hợp

Từ Sydney, chị Phượng Trịnh chia sẻ quan điểm đối lập với chị Kim Dung. Chị nói rằng nếu con và người yêu thực sự muốn về sống với gia đình thì chị đồng ý. Tuy nhiên chị cần tìm hiểu xem người yêu của con có phù hợp để chung sống với gia đình của chị hay không. Chị cần biết được gia cảnh và tính tình của người yêu của con, xác định người đó phải sống có trách nhiệm, có việc làm và có định hướng tương lai rõ ràng, khi đó chị mới đồng ý cho về ở cùng gia đình, chứ không phải bất cứ người nào mà con của chị quen thì chị cũng đồng ý cho về chung sống.

Về việc con sống thử trước hôn nhân, chị Phượng cũng ủng hộ vì cho rằng đó là cơ hội để hai bên tìm hiểu, cảm thông và chia sẻ với nhau về mọi khía cạnh của cuộc sống.

“Nếu không sống thử mà chỉ gặp nhau vài ngày mỗi tuần, đi chơi và có những kỷ niệm lãng mạn thì chưa chắc đã có thể chia sẻ hết cuộc đời với nhau.” – chị Phượng chia sẻ.

Đối với ý kiến cho rằng ông bà ngày xưa không sống thử, không có dịp tìm hiểu nhau nhiều mà vẫn sống với nhau trọn đời, chị Phượng cho rằng mỗi thời có một quan điểm khác nhau, và không thể nói quan điểm nào là đúng hoặc sai.

Chẳng hạn như hồi xưa quan niệm con gái về nhà chồng phải còn trinh. Hồi xưa chẳng cần yêu đương tìm hiểu, cha mẹ quyết định hôn nhân của con, đôi bên đến với nhau không xuất phát từ tình yêu mà vẫn sống bên nhau đến trọn đời. Nhưng sau này thì xã hội có nhiều biến chuyển, phụ nữ ngày xưa chỉ ở nhà làm nội trợ, còn phụ nữ ngày nay cũng đi làm kiếm tiền như nam giới. Vị trí của phụ nữ trong gia đình và trong xã hội cũng đã ngang bằng nam giới, nên không phải dựa vào kinh tế của người đàn ông. Vì thế nam nữ ngày nay có thể đến với nhau vì tình yêu, tìm hiểu nhau, nếu thấy hợp nhau thì cưới, không còn cảnh cha mẹ đặt đâu con ngồi đó nữa.”

Đối với ý kiến cho rằng khi con dẫn người yêu về sống chung thì sẽ dễ xảy ra xung đột giữa hai thế hệ, chị Phượng nghĩ rằng việc đótùy vào mỗi gia đình và mỗi hoàn cảnh khác nhau. Riêng gia đình của chị ít con nên chị thích có nhiều người trong nhà để chia sẻ công việc và cùng ăn uống, vui chơi với nhau. Vì thế chị luôn sẵn lòng cho con đưa người yêu về nhà sống chung, miễn là đôi bên thực sự cảm thấy phù hợp khi ở cùng nhau.

Có thể nói, mỗi phụ huynh có cách nhìn nhận riêng về việc con đưa người yêu về sống thử cùng với gia đình. Dù đồng ý hay phản đối với những lý do khác nhau thì cha mẹ vẫn mong muốn điều tốt nhất cho con, hi vọng con luôn có cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc.

Mời quý vị bấm vào biểu tượng Audio trong hình ở đầu trang để nghe cuộc trò chuyện với các khách mời của chương trình.


 


Share