Nuôi con ở Úc: Mẹ luôn đồng hành cùng con

Chị Tuyền

Chị Thục Tuyền và con trai ở Melbourne. Source: Supplied

Trẻ em di dân ở lứa tuổi thiếu niên thường phải cố gắng hòa nhập vào môi trường lạ đồng thời với việc trải qua những chuyển biến tâm sinh lý lớn. Vì thế, để giúp con trong tuổi thiếu niên có thể hòa nhập tốt với cuộc sống mới ở Úc, các phụ huynh gốc Việt không những là người dẫn đường mà còn là bạn đồng hành cùng con.


Chị Thục Tuyền hiện là một giảng viên của Đại học RMIT ở Melbourne. Câu chuyện chị đưa con sang Úc khởi đầu từ một chuyến du lịch trong thời gian con của chị được nghỉ hè ở Việt Nam. Do khá bận rộn với công việc và cũng muốn cho con khám phá môi trường mới, nhân dịp này chị đăng ký cho con đi học ở một trường phổ thông của Úc. Khi đó chị đang giữ visa làm việc nên việc nộp đơn cho con đi học khá dễ dàng.

Sau ngày đầu tiên vào trường Úc, Noel - cậu học sinh lớp Sáu phấn khởi nói với mẹ rằng “Con rất hạnh phúc”. Điều đó khiến chị Tuyền cảm thấy rất bất ngờ. Chị nghĩ rằng con thích thú vì môi trường học tập có nhiều hoạt động vui chơi hơn so với ở Việt Nam, nên chị cho con học thử một tháng. Sau đó cậu bé nói rằng rất muốn ở lại Úc để đi học.

Khi chọn nước Úc là quê hương thứ hai để đáp ứng nguyện vọng của con, chị Tuyền phải đối mặt với khó khăn lớn nhất là sự chia cách gia đình, vì chồng của chị vẫn ở lại Việt Nam.  Trong khi đó, con của chị cũng gặp rất nhiều khó khăn của một đứa trẻ di dân ở tuổi thiếu niên. Vì thế, chị quyết định sẽ luôn là người bạn cùng con thích nghi với môi trường và cuộc sống mới.

Giúp con vượt qua rào cản về ngôn ngữ

Do thiếu sự chuẩn bị từ trước nên thời gian đầu cậu bé Noel cũng gặp không ít khó khăn về mặt giao tiếp bằng tiếng Anh ở trường. Tuy nhiên, nhờ tính cách hòa đồng và cố gắng dùng ngôn ngữ hình thể để giao tiếp, Noel đã hòa nhập tốt với bạn bè. Ở trường ngoài buổi học chính khóa cũng có chương trình hỗ trợ cho học sinh chưa giỏi tiếng Anh, tạo điều kiện để các em có thể theo kịp bạn bè về mặt ngôn ngữ.

Thời gian đầu chị Tuyền cũng giúp con bằng cách trò chuyện với con bằng tiếng Anh. Nhưng sau khi Noel nói khá thông thạo tiếng Anh thì chị lại nhận thấy con gặp khó khăn khi diễn đạt bằng tiếng mẹ đẻ, lúc đó chị yêu cầu con phải nói chuyện bằng tiếng Việt khi ở nhà. Trong khoảng một năm đầu ở úc, con của chị thường bị lẫn lộn giữa ngôn ngữ ở nhà và ở trường, nhưng sau đó mọi chuyện diễn biến tốt hơn.

Dạy con phát huy kỹ năng tự lập

Với thời gian biểu học tập ở trường từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều, chị Tuyền tập cho con dậy sớm và tự chuẩn bị bữa sáng, rồi đi học bằng xe buýt hoặc xe lửa. Dần dần kỹ năng tự lập của con đã hình thành. Chia sẻ về cách hỗ trợ con, chị Tuyền nói rằng chị cũng giống như các bậc phụ huynh khác, đã quan sát và nhìn nhận những mặt tích cực và những hạn chế của con, để từ đó có thể động viên, giúp đỡ con.

Nhận thấy việc đồng hành cùng con phải bao gồm sự tôn trọng và tin tưởng con, chị đã mạnh dạn cho con ra ngoài chơi và tự đi học để tập cho con có sự chủ động trong cuộc sống. Ngoài ra chị cũng giúp con phát triển năng khiếu bằng cách khuyến khích con chơi cac môn thể thao và học đàn.
Chị Tuyền
Chị Tuyền cùng con trai học đàn. Source: Supplied
Dành thời gian cho con

Là một giảng viên đại học, chị có những lúc rất bận rộn, đôi khi phải đi công tác xa, nhưng chị vẫn cố gắng sắp xếp thời gian dành cho con. Chị nói rằng việc dành thời gian để quan sát con và để giúp con điều chỉnh hành vi là rất quan trọng. Cách chăm sóc con đang tuổi vị thành niên của chị khá khoa học, đó là giao việc cho con tự làm sau khi đã hướng dẫn cách làm. Giờ đây khi con của chị bước sang tuổi 17 đã biết phụ giúp mẹ rất nhiều việc lớn nhỏ trong nhà, từ rửa chén, dọn dẹp, nấu ăn, cắt cỏ, đi chợ… cho đến tự lên kế hoạch chi tiêu và tự chăm sóc bản thân khi mẹ đi công tác xa.

Cho con tự quản lý việc học

Chị Tuyền nói rằng khi con học lớp 6, lớp 7 thì chị thường xuyên quan tâm hỏi han việc học của con, nhưng sau đó chị để cho con tự quản lý việc học để con không có cảm giác bị gò bó. Chỉ khi nào con cần sự hướng dẫn thì chị mới giúp đỡ.

Chị chia sẻ rằng đã từng ép con học vì muốn con đạt thành tích tốt, và cậu bé đã phản kháng. Sau đó chị nhận ra điều thú vị là khi con có thất bại vì đạt điểm thấp nhưng có ý chí cầu tiến thì sẽ tự muốn vươn lên. Đó là điều mà chị học được từ con.

Chị Tuyền nói rằng tư duy của chị vẫn còn chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Á châu, có những khác biệt so với tư duy ở Úc. Chị hiểu điều đó và không ép buộc con làm theo ý của mình, mà chỉ hướng dẫn con và luôn đưa ra lời khuyên kèm theo sự giải thích.

Theo chị Tuyền, khi con ở giai đoạn tuổi teen thì phụ huynh nên đồng hành, nên là bạn của con để thấu hiểu con hơn, chứ không phải là người bảo bọc con và muốn con làm mọi việc theo ý của mình.
Chị Tuyền
Chị Tuyền cùng con trai ở Melbourne. Source: Supplied
Chia sẻ với các phụ huynh có con di dân ở tuổi thiếu niên, chị Thục Tuyền nói rằng mỗi đứa trẻ là một cá thể riêng biệt, phụ huynh cần theo dõi, quan sát, thử nghiệm và rút ra những gì có thể áp dụng trong việc giáo dục con của mình. Bên cạnh đó, phụ huynh cũng nên lắng nghe những chia sẻ của con và tránh gây áp lực cho con. Đồng thời trong quá trình phát triển của con, phụ huynh nên chấp nhận cho con có những thất bại, để từ đó con có thể rút ra bài học và dần dần trưởng thành hơn.

Mời quý vị bấm vào phần Audio để nghe nội dung cuộc trò chuyện với chị Thục Tuyền.


 

 


Share