Queensland có gì lạ? Nghệ nhân hoa Lan Diễm Trần

Lan Thủy Tiên trong nhà chị Diễm Trần

Lan Thủy Tiên trong nhà chị Diễm Trần Source: Supplied

Chị Diễm Trần đã có đam mê với hoa Lan từ nhỏ, nhưng khi con cái lớn rồi, chị mới có thể thực hiện đam mê của mình và đã theo đuổi được 6 năm.


Chị Diễm đã tiếp chúng tôi ở vườn Lan nhà chị tại Inala. Trước tiên, khi được hỏi theo kinh nghiệm của chị khi trồng hoa lan, cần những yếu tố nào, chị cho biết cần phải có giàn lưới để giảm nắng.

Nếu có thể thì nên có tấm tôn nhựa trong bên trên để ngăn nước mưa, vì ở Úc có khi mưa cả bảy đến 10 ngày, mà mưa nhiều quá thì sẽ bị úng. Còn phân bón thì lúc nào cũng nên có phân tan chậm để trên chậu. Ngoài ra còn phải tưới phân NPK (tức kiềm, đạm, lân) mỗi tuần một lần tùy theo phân lượng…

Nước tưới thì tùy theo mùa, mùa Đông thì có thể tưới hai hoặc ba lần một tuần. Mùa nắng thì để cây không bị mất sức nên phun sương hàng ngày, hoặc tưới đẫm.

Khi ra hoa thì nên để trong mát cho lâu tàn. Tránh tưới lên hoa khiến hoa mau tàn.

Điều khiến chị ghét nhất là những con ốc sên vì chúng ưa ăn mầm cây. Nếu cây hợp phân bón thì có thể nhiều mầm, nhưng trường hợp chỉ có một mầm mà bị ốc sên ăn thì gốc cây đó sẽ bị chết. Nhưng hoa lan có một điều kỳ lạ là nếu mầm gốc bị chết, thì những mắt ở trên sẽ sinh ra chứ nó không chết hoàn toàn.

Chị Diễm cho biết ở Bunning’s có bán các loại thuốc trừ ốc sên, tuy nhiên chị học hỏi trên Youtube được một cách hiệu quả để diệt trừ ốc sên là dùng cà phê vì ốc sên rất không thích mùi cà phê.

Khi nhìn thấy hoa lan được nuôi trồng trong nhiều cách khác nhau thí dụ như trong chậu, trong giỏ, trên thân cây, v.v… chúng tôi đã thắc mắc vì sao có sự khác biệt này, thì theo chị, chủ yếu là vì nhu cầu thẩm mỹ cho các tác phẩm của chị. Nhân tiện chị cũng giải thích các cách để tạo ra các loại chậu, giỏ...
Chị Diễm chủ yếu là học hỏi trên Youtube và Internet, rồi tùy theo điều kiện ở Queensland mà chọn lọc và áp dụng. Tuy nhiên, một số youtube và website chỉ có tên tiếng Việt, nên chị đã dày công tra cứu đối chiếu để liệt kê ra hơn 70 chục loại lan với cả tên tiếng Anh và Việt.

Khởi đầu là một sở thích, rồi biến sang thành một đam mê và khi được hỏi từ lúc nào thì chị thấy có thể phổ biến ra và bán Lan cho những người khác tới mua.
Lúc đầu em học cách tách, rồi em học cách ươm cây con, ươm ra được nhiều rồi mới cho những người bạn, chứ em không phải là buôn bán.
Chị còn cho biết thêm, khi mình biết cách ươm rồi sẽ rất mê vì mình đã gầy ra những thứ mình thích. Chị vốn vừa mạo hiểm, lại vừa sáng tạo, và rất chịu thí nghiệm, nên chị đã áp dụng vừa từ học hỏi Youtube, vừa từ ý tưởng của chị.

Chị giải thích về giá cả các loại Lan cho người vừa tập tễnh chơi cũng như những loại Lan đắt giá.

Chị cũng giới thiệu những loại Lan đặc biệt ở nhà chị cũng như những loại được ưa chuộng tại Úc, thí dụ như Kiều (tức Lan Thủy tiên) với Kiều mỡ gà hoặc Kiều Tím quyến rũ, hoặc lan Trầm hương thơm ngát mùi trầm, hoặc Long Tu, Phi điệp, mỗi hoa mỗi hương…

Chị đã chia sẻ kinh nghiệm khi mạo hiểm mua các loại Lan khi chưa ra hoa, và những thú vị bất ngờ khi hoa nở mang lại. Sau khi nuôi trồng trổ hoa thì mình thẩm định mùi hương và độ lưu hương của hoa, số lượng và kích thước hoa, v.v…

Chị chân tình bày tỏ niềm vui khi trồng được một loại lan đột biến, và ý định lại tạo ra một loại hoa mới. Nếu việc tạo ra chủng loại mới thành công, sẽ có loài hoa mang tên do chị đặt.

Chị là một Phật tử, đã có duyên đến chùa từ năm 3 tuổi. Chị đến với hoa Lan, cũng vì chị luôn tìm được sự bình an mỗi khi ngắm nhìn, thưởng thức, chăm bón hoa Lan, sau những giờ phút bận rộn căng thẳng với cuộc sống mưu sinh thường nhật. Đó cũng là lý do vì sao chị sẽ chọn đặt tên cho loài hoa Lan mà chị đang ươm mầm, nghiên cứu lai tạo là “Tâm an”…

Nếu những ai cần được giúp đỡ những bước khởi đầu để trồng Lan, hoặc gặp trở ngại gì muốn được chia sẻ trong quá trình chăm sóc Lan, mời quý vị liên lạc chị Diễm Trần qua số: 0401 603 678. Chúng tôi xin lập lại 0401 603 678. 

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung


Share